Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo 2022- Thúc đẩy đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo hướng bền vững

author 12:15 19/12/2022

(VietQ.vn) - Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang phát triển sôi động, hấp dẫn các nhà đầu tư đầu tư quốc tế. Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 đã mang đến góc nhìn đa chiều từ các quỹ đầu tư về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và toàn cầu, thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo theo hướng bền vững.

Ngày 19/12/2022 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu”. Diễn đàn do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures tổ chức.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Bộ KHĐT sẽ nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm  

Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ngày càng có sức hút

Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), năm 2021, hoạt động giao dịch trên thị trường khởi nghiệp sáng tạo đã lấy lại động lực sau khi sụt giảm do đại dịch COVID-19. Các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trên 165 giao dịch vào, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD và 126 giao dịch vào năm 2019.

Ông Vũ Quốc Huy- Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC, cho biết, năm 2022 do ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã bị sụt giảm rõ rệt, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thu hút gần 500 triệu USD đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, và đạt kỷ lục về số lượng thương vụ có quy mô từ 10 đến 50 triệu đôla, với tổng cộng 10 khoản đầu tư, gần bằng với cả năm 2021. Đáng mừng là, số lượng các thương vụ đầu tư ở các vòng gọi vốn giai đoạn sau đã cao hơn so với cùng kỳ 2021, chứng tỏ một lượng lớn các công ty startups Việt Nam đang dần lớn mạnh, thu hút được nguồn vốn lớn hơn qua các năm.

Trong 3 quý đầu năm 2022, lĩnh vực Bán lẻ và Dịch vụ tài chính chiếm ưu thế về tiếp nhận dòng vốn đầu tư. Bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực có nguồn vốn lớn nhất với tổng giá trị lên đến 188 triệu đô, chiếm 38,1% tổng giá trị vốn đầu tư. Đứng thứ hai về giá trị tiếp nhận đầu tư là Dịch vụ tài chính trị giá 162 triệu đô và 32,8% của tổng số vốn. Nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục lần lượt chiếm phần lớn thứ ba  và thứ tư với giá trị tương ứng là 36 triệu đô và 24 triệu đô.

Các thương vụ lớn nhất của năm nay là: Trusting Social- startup công nghệ tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo- huy động được 65 triệu USD. Nền tảng OnPoint startup cung cấp giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử- huy động được 50 triệu USD. OnPoint là cung cấp dịch vụ cho hơn 150 nhãn hàng trong các ngành hàng về làm đẹp - chăm sóc sức khỏe, thời trang, điện tử - gia dụng, dược phẩm, sản phẩm số, hàng tiêu dùng. Trong đó, có nhiều nhãn hàng thuộc nhiều công ty đa quốc gia như L’Oreal, P&G, Unilever, Nestlé, LG, Panasonic. Và Startup tài chính Finhay- sở hữu ứng dụng đầu tư cá nhân với hơn 2,7 triệu người dùng- huy động được 25 triệu USD- ông Vũ Quốc Huy cho hay.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực về kinh tế. Trong 11 tháng năm 2022, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ước đạt gần 20 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức tăng cao nhất của 11 tháng trong 5 năm trở lại đây. Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường từ đầu năm đến hết tháng 11 tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 137,8 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã trở thành một sự kiện kết nối hiệu quả các quỹ đầu tư quốc tế với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Tại Diễn đàn các năm 2019 và 2020, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với số vốn cam kết tăng dần qua các năm, từ 425 triệu USD năm 2019 lên 815 triệu USD năm 2020. Và trong giai đoạn 2020 - 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã đạt gần 2 tỷ đô la Mỹ. Điều này cho thấy, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và trong khu vực. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng số thương vụ thành công tại Việt Nam chiếm 19% số thương vụ của toàn khu vực Đông Nam Á. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Các Quỹ đầu tư cũng đồng thời đóng vai trò như các đơn vị ươm tạo, tăng tốc cho nhiều startups. Các Quỹ đã hỗ trợ toàn diện cho các startups về nguồn hỗ trợ tài chính, kiến thức, năng lực vận hành, phát triển, thương mại hóa sản phẩm, góp phần tạo ra những giá trị vượt trội cho startups Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ngày càng sôi động, hấp dẫn và chất lượng hơn- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Sớm hình thành môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất và hiệu quả

Trong nhiều năm qua, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đã được Chính phủ và các cơ quan quản lý hết sức quan tâm và đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số cho doanh nghiệp…

Đến nay, Việt Nam có 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng. Chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách cho CMCN 4.0 được quốc tế đánh giá cao.

Tại Báo cáo Đổi mới sáng tạo (GII), chỉ số xếp hạng về Thể chế tăng hạng mạnh từ vị trí thứ 83 năm 2020 và 2021, lên vị trí thứ 51 năm 2022. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra tiền đề cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bước đầu thiết lập được hệ thống các đơn vị hỗ trợ, ươm tạo từ viện, trường, đến doanh nghiệp, các mạng lưới tư vấn, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngoài việc phát triển các chủ thể hệ sinh thái, cần sớm hình thành một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất và hiệu quả để nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể rót vốn cũng như rút vốn một cách chủ động, linh hoạt và minh bạch.

Tại Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng đã đề ra định hướng rà soát, sửa đổi thể chế về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ-.

Nhằm giúp Việt Nam có được một môi trường kinh doanh ngày càng hấp dẫn hơn trong khu vực và trên thế giới, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Diễn đàn Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 đã mang đến góc nhìn đa chiều từ các quỹ đầu tư về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và toàn cầu. Tại Diễn đàn, các chuyên gia và doanh nghiệp đã chia sẻ các quan điểm thẳng thắn về đầu tư, tạo mối quan hệ mật thiết giữa các quỹ đầu tư và doanh nghiệp, đề xuất các chính sách cho Chính phủ Việt Nam nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và minh bạch, thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo theo hướng bền vững.

Diễn đàn cũng là nơi giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được có cơ hội tiếp cận nền kinh tế toàn cầu nhằm mở rộng mối quan hệ với các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế, giúp hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh, hướng tới việc giải quyết những thách thức của nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sau đại dịch.

Tại Diễn đàn, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Dự kiến, tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 03 năm 2023 - 2025 sẽ đạt 5 tỷ USD.

Tại Diễn đàn các năm 2019 và 2020, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với số vốn cam kết tăng dần qua các năm, từ 425 triệu USD năm 2019 lên 815 triệu USD năm 2020. Và trong giai đoạn 2020 - 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã đạt gần 2 tỷ USD.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang