Điện lực Ba Đình lựa chọn hàng hoá đã đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và pháp luật?

author 19:55 24/04/2023

(VietQ.vn) - Để đảm bảo chất lượng, an toàn của công trình, đồng thời tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, đo lường đối với hàng hoá cần được quy định áp dụng thống nhất trên toàn hệ thống ngành điện bao gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện QCVN-5: 2009/BCT; QCVN QTĐ-6: 2009/BCT; QCVN QTĐ-7: 2009/BCT; QCVN QTĐ-8:2010/BCT…

Gian lận kê khai năng lực hợp đồng tương tự?

Đối với ngành điện, tìm nhà thầu uy tín, có năng lực là nhân tố quan trọng đảm bảo chất lượng, an toàn của công trình. Đồng thời, tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, đo lường đối với hàng hoá, dịch vụ chào thầu, trúng thầu được quy định áp dụng thống nhất trên toàn hệ thống ngành điện lực nói chung, điện lực Hà Nội nói riêng gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện QCVN-5: 2009/BCT; QCVN QTĐ-6: 2009/BCT; QCVN QTĐ-7: 2009/BCT; QCVN QTĐ-8:2010/BCT… Đơn cử tại Điện lực Ba Đình, gói thầu 11-XDCB22: Nâng cao năng lực cấp điện đảm bảo vận hành an toàn các phường Trúc Bạch, Điện Biên, Cống Vị, Liễu Giai, Giảng Võ, Đội Cấn; Công ty cổ phần đầu tư xây lắp Việt Hưng trúng thầu.

 Trụ sở Công ty Điện lực Ba Đình.

Trong HSMT, Công ty Điện lực Ba Đình yêu cầu kinh nghiệm cụ thể trong thực hiện hợp đồng tương tự như sau: Số lượng hợp đồng là 3 hoặc khác 3, ít nhất có một hợp đồng có giá trị tối thiểu là 267.000.000 đồng và tổng giá trị tất cả các hợp đồng ≥ 801.000.000 đồng.

Đáng chú ý, theo tiêu chuẩn đánh giá Hồ sơ dự thầu (HSDT) quy định tại HSMT của gói thầu trên: “Số lượng tối thiểu các hợp đồng tương tự mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ trong vòng 3 năm trở lại tính từ thời điểm đóng thầu”.

Khi tham gia dự thầu gói thầu trên, nhà thầu Công ty cổ phần đầu tư xây lắp Việt Hưng kê khai hợp đồng tương tự, trong đó có hợp đồng số 54/HĐ-PC CAUGIAY. Gói thầu số 1 Xây lắp xây dựng các trạm biến áp trên địa bàn quận Cầu Giấy năm 2019 (phường Trung Hoà). Ngày ký hợp đồng 12/04/2019; Giá trị hợp đồng 2.697.733.127 đồng; Giá trị thực hiện 2.697.733.127 đồng.

Như vậy, theo như nhà thầu kê khai thì Hợp đồng 54/HĐ trên nhà thầu Công ty cổ phần đầu tư xây lắp Việt Hưng thực hiện 100% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, theo tài liệu phóng viên thu thập, Gói thầu số 1 Xây lắp xây dựng các trạm biến áp trên địa bàn quận Cầu Giấy năm 2019, chủ đầu tư phê duyệt cho Liên danh nhà thầu trúng thầu, không phải Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp Việt Hưng trúng thầu với tư cách nhà thầu độc lập.

Như vậy, hợp đồng tương tự mà nhà thầu Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp Việt Hưng kê khai chứng minh năng lực kinh nghiệm thi công công trình, đều có dấu hiện gian lận, việc gian lận này thuộc các hành vi bị cấm trong đấu thầu. Cụ thể, Khoản 4 Điều 89 Luật đấu thầu quy định, việc nhà thầu trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu nhằm thu được lợi ích, trốn tránh nghĩa vụ hoặc cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong HSDT làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu đều bị coi là gian lận trong đấu thầu.

“Tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận trong đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014 quy định, tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức cá nhân”- một chuyên gia đấu thầu cho biết.

Đồng thời, việc Điện lực Ba Đình phê duyệt cho Công ty cổ phần đầu tư xây lắp Việt Hưng có đáp ứng Quy trình An toàn điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành theo Quyết định số 959/QĐ-EVN ngày 26/7/2021 cũng là câu hỏi cần Điện Lực Ba Đình làm rõ với dư luận và các cơ quan có thẩm quyền.

Có dấu hiệu cho phép nhà thầu bổ sung tài liệu từ “A đến Z”

Gói thầu số 20: Mua vật tư thiết bị điện phục vụ công trình SCL và VHKD năm 2022, Nhà thầu trúng thầu: Công ty CP Thương mại Vật liệu Điện Nam Hà Nội; Giá trúng thầu : 8.065.813.925 đồng. Thời điểm mở thầu có 02 nhà thầu tham dự gồm: Liên danh Công ty TNHH Dây và cáp điện Thăng và Công ty Cổ phần Extex Việt Nam; nhà thầu Công ty Cổ phần Thương mại Vật liệu điện Nam Hà Nội. 

Trong phần tiêu chuẩn đánh giá HSMT, Công ty Điện lực Ba Đình yêu cầu: Đặc tính kỹ thuật của hàng hóa nhà thầu phải đáp ứng: Thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ hoàn toàn phù hợp đáp ứng hoặc cơ bản đáp ứng yêu cầu của E-HSMT. Phải có đầy đủ các tài liệu kỹ thuật, catalogue, bản vẽ của hàng hoá chào thầu đáp ứng yêu cầu; Có chứng chỉ ISO 900X của nhà sản xuất; Có biên bản thí nghiệm điển hình của hàng hóa theo tiêu chuẩn áp dụng nêu trong E-HSMT do đơn vị thử nghiệm độc lập thực hiện 

Về giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa: “Nhà thầu phải có các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa hợp lý và hiệu quả kinh tế”.

Về tiến độ cung cấp hàng hóa, bên mời thầu yêu cầu: Có Bảng tiến độ cung cấp hàng hóa hợp lý, khả thi và phù hợp với đề xuất kỹ thuật.

Về uy tín của nhà thầu: Không có hợp đồng tương tự trước đó bị đánh giá là “Không đạt” hoặc không có từ 2 hợp đồng tương tự trước đó trở lên bị đánh giá là “Cảnh báo”…

Tất cả các tiêu chí trên, nếu không đáp ứng được sẽ bị đánh giá là “Không đạt”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình đánh giá HSDT nhà thầu Công ty Cổ phần Thương mại Vật liệu điện Nam Hà Nội có nhiều điểm mập mờ. Tại báo cáo đánh giá HSDT kỹ thuật của Công ty Điện lực Ba Đình, khi đánh giá phần kỹ thuật của nhà thầu Công ty Cổ phần Thương Mại Vật liệu điện Nam Hà Nội đã đưa ra nhận định như sau:

Thiếu bản test đầy đủ MCB 3 cực 100A-230/400VA; Nhà thầu thiếu các bản test thể hiện tiêu chuẩn kỹ thuật của lớp mạ kẽm; Vỏ tủ RMu nhà thầu đưa tài liệu của mầu sơn chưa đúng mầu sơn; sơn tĩnh điện bị thiếu theo TCKT của HSMT; Thiếu bản test của Dây đồng mềm tiếp địa M35; Dây đồng mềm tiếp địa M35…

Tuy nhiên, Công ty Điện lực Ba Đình cho phép nhà thầu bổ sung tài liệu kỹ thuật trong quá trình đánh giá HSDT.

Tại Khoản 12, Điều 4 Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 quy định việc lựa chọn nhà thầu phải thực hiện trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. 

Điểm b Mục 5 Chỉ thị 47/CT-TTg phần đánh giá HSDT/Hồ sơ đề xuất cũng quy định: Phải căn cứ theo quy định pháp luật về đấu thầu, theo yêu cầu nêu trong HSMT/Hồ sơ yêu cầu, nội dung HSDT/Hồ sơ đề xuất, tài liệu làm rõ HSDT/Hồ sơ đề xuất (nếu có), bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch.

Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong HSDT của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT đã nộp.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, với những hạng mục kỹ thuật đã được tổ chuyên gia đánh giá “không đạt” như trên, HSDT của nhà thầu trên sẽ bị loại vì đây là những tiêu chí đánh giá kỹ thuật cơ bản quy định tại HSMT. Nhưng không hiểu vì lý do gì, và căn cứ vào văn bản pháp lý nào để Công ty Điện lực Ba Đình cho phép nhà thầu Công ty Cổ phần Thương mại Vật liệu điện Nam Hà Nội được phép “bổ sung, sửa đổi” những nội dung kỹ thuật không đạt với tiêu chuẩn đánh giá HSDT (quy định tại HSMT) tại HSDT của nhà thầu.

Ngoài ra, một số thông số kỹ thuật tổ chuyên gia chấm thầu đánh giá: Thiếu bản test đầy đủ MCB 3 cực 100A-230/400VA; Thiếu catalog của Hộp đầu cáp 22kV 1x50mm2-Ngoài trời-Co ngót lạnh kiểu co-rút; Bản test của hòm công tơ các loại; hộp chia dây thử nghiệm về cháy chưa đúng với yêu cầu của HSMT; Nhà thầu thiếu các bản test thể hiện tiêu chuẩn kỹ thuật của lớp mạ kẽm… Vỏ tủ RMu nhà thầu đưa tài liệu của mầu sơn chưa đúng mầu sơn; sơn tĩnh điện bị thiếu theo TCKT của HSMT; Thiếu catalog của cột BTLT; Thiếu test đầu cốt M50; Thiếu bản test của Dây đồng mềm tiếp địa M35; Bản test của cáp ngầm 22kV 3x240mm2 chưa đúng với tiêu chuẩn của HSMT; thiếu catalog cáp ngầm 22kV 3x240mm2; Nhà thầu thể hiện thiếu chỉ tiêu hợp đồng không hoàn thành trong quá khứ; kiện tụng; uy tín nhà thầu.

Đáng chú ý, dù được Công ty Điện lực Ba Đình cho làm rõ bổ sung nhưng tổ chuyên gia đánh giá “nhà thầu phúc đáp làm rõ nhưng chưa đủ nội dung yêu cầu”.

Kết quả, nhà thầu Công ty Cổ phần Thương mại Vật liệu điện Nam Hà Nội vẫn được Công ty Điện lực Ba Đình “chấm” chọn là nhà thầu trúng thầu.

Theo hướng dẫn tại Mục 23 Chương I Mẫu HSMT xây lắp ban hành kèm Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ KH&ĐT thì HSDT đáp ứng cơ bản là HSDT đáp ứng các yêu cầu nêu trong E-HSMT mà không có các sai khác, đặt điều kiện hoặc bỏ sót nội dung cơ bản. Nếu được sửa lại sẽ gây ảnh hưởng không công bằng đến vị thế cạnh tranh của nhà thầu khác có E-HSDT đáp ứng cơ bản yêu cầu nêu trong E-HSMT.

Trở lại với trường hợp của nhà thầu Công ty Cổ phần Thương mại Vật liệu điện Nam Hà Nội, cho dù HSDT thiếu hàng loạt các giải pháp kỹ thuật, sơ sài nhưng kết quả cuối cùng vẫn được phê duyệt trúng thầu.

Được biết, Công ty Cổ phần Thương mại Vật liệu điện Nam Hà Nội cũng là nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại Công ty Điện lực Ba Đình. Đó là Gói thầu số 25: Mua sắm vật tư thiết bị điện phục vụ các công trình Đầu tư xây dựng năm 2021, Giá trúng thầu: 23,349 tỷ đồng; Gói thầu số 06: “Mua vật tư thiết bị điện - ĐTXD năm 2020, Giá trúng thầu: 31,408 tỷ đồng… Đáng chú ý, ở những gói thầu này, Công ty Cổ phần Thương mại Vật liệu điện Nam Hà Nội (tư cách thành viên liên danh) trúng thầu dù HSDT không đáp ứng đúng quy định trong HSMT. Trong quá trình đánh giá HSDT tổ chuyên gia đã phát hiện có nhiều điểm nhà thầu còn hạn chế về mặt kỹ thuật.

Theo thống kê tại phần mềm đấu thầu, Công ty Điện lực Ba Đình đã công bố 271 dự án đầu tư phát triển, trong đó có 184 dự án chưa công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trung bình số nhà thầu tham gia mỗi gói thầu chỉ xấp xỉ 2.18 nhà thầu.

Chúng tôi tiếp tục thông tin.

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang