Nguy cơ hỏng phanh, Ford triệu hồi hơn 140.000 xe EcoSport và Focus

author 16:12 12/01/2024

(VietQ.vn) - Do nguy cơ hỏng phanh, mới đây Ford đã gửi thông báo triệu hồi đến Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) tại Mỹ nhằm triệu hồi Ford EcoSport và Focus.

Cụ thể, đợt triệu hồi Ford EcoSport và Focus nguy cơ hỏng phanh ảnh hưởng đến khoảng 26.041 chiếc Eco Sport được sản xuất từ năm 2015 đến 2018. Ngoài ra, 113.689 chiếc Ford Focus được sản xuất trong khoảng thời gian 2018-2022 cũng được nhắc tên.

Theo NHTSA, phần đai truyền động trong các mẫu xe này có nguy cơ bị đứt gãy sau thời gian dài sử dụng, từ đó khiến đai truyền động cam hoặc dây curoa bị lệch khỏi bánh răng, gây mất áp suất lên hệ thống bơm dầu. Điều này sẽ khiến toàn bộ hệ thống xe không thể sử dụng, đồng thời gây mất trợ lực phanh.

Đại diện Ford cho biết, từ năm 2016 đến nay, nhà sản xuất ô tô này đã ghi nhận gần 2.100 yêu cầu bảo hành liên quan đến đai truyền động. Ngoài ra, ít nhất đã có một vụ tai nạn xảy ra dẫn đến 2 người bị thương do ảnh hưởng từ việc mất trợ lực phanh, nghi ngờ do ảnh hưởng bởi phần đai truyền động.

Nguy cơ hỏng phanh, mới đây Ford triệu hồi 2 dòng xe Ford EcoSport và Focus. (Ảnh: Kiến Thức)

Tại thị trường Mỹ, Ford là nhà sản xuất ôtô luôn "dẫn đầu" trong các cuộc triệu hồi xe trong 3 năm liên tiếp. Tính đến hết năm 2023, đã có 54 thông báo triệu hồi được Ford đưa ra, ảnh hưởng trực tiếp hơn 5 triệu mẫu xe của hãng trên khắp nước Mỹ. Con số này cao gấp nhiều lần so với các nhà sản xuất ôtô khác như Kia (20 vụ, 3 triệu xe), BMW (29 vụ, gần 333.000 xe) hay Nissan (22 vụ, hơn 1,8 triệu xe ảnh hưởng).

Tại Việt Nam, Ford Fiesta và Focus từng là 2 mẫu xe nổi bật ở nhóm xe đô thị cỡ nhỏ và sedan hạng C. Hiện tại, cả 2 đều đã không còn được bán. Ford Ranger và Ford Everest là 2 mẫu xe nổi bật nhất của hãng xe Mỹ tại Việt Nam thời điểm này.

Trước đó, vào tháng 2/2023, Ford tiến hành cuộc điều tra về vấn đề tiềm ẩn sau khi nhận được báo cáo về việc phanh tay bất ngờ hoạt động trên những chiếc F-150 đời 2021. Cho đến tháng 7 vừa qua, hãng sản xuất đã ghi nhận 918 yêu cầu bảo hành. Trong số này, 299 chủ sở hữu cho rằng phanh tay kích hoạt bất ngờ, 19 người trong số đó cho biết sự cố xảy ra khi phương tiện đang di chuyển.

Trong quá trình điều tra, nguyên nhân lỗi kỹ thuật trên có thể đến từ việc hư hỏng ở bộ dây điện, bao gồm các mạch phanh đỗ điện phía sau, cùng các bộ phận khác. Ford cho biết lỗi này chỉ ảnh hưởng đến những chiếc F-150 sản xuất năm 2021-2023 trang bị một hệ thống ống xả. Ở dòng xe này, bó dây điện phía sau có thể tiếp xúc với vỏ trục sau, khiến nó bị cọ xát. 

Theo các chuyên gia ô tô, mất phanh, hỏng phanh ô tô được liệt kê vào danh sách một trong những tình huống nguy hiểm nhất khi lái xe ô tô. Một khi mất phanh, không dừng được xe, nhiều người sẽ bị hoảng loạn tâm lý không thể ổn định, mất đi phương hướng giải quyết vấn đề. Điều này có thể dẫn đến những những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Liên quan tới tiêu chuẩn mới giúp phân loại phụ tùng ô tô, mới đây Ủy ban Tiêu chuẩn quốc tế ASTM đã công bố tiêu chuẩn mới dành riêng cho các loại phụ tùng ô tô nhằm phân loại các bộ phận này theo mức chuẩn nhất định. Ủy ban công nghệ sản xuất phụ gia (F42) của ASTM Quốc tế đang phát triển tiêu chuẩn đề xuất sẽ được sử dụng để phân loại các bộ phận trong các ngành công nghiệp ô tô sử dụng công nghệ sản xuất phụ gia để sản xuất các bộ phận.

Theo ông Chuck Nostedt, thành viên của ASTM cho biết: “Tiêu chuẩn được đề xuất là bước đầu tiên trong việc cung cấp hệ thống phân loại linh kiện sản xuất phụ gia cho ngành công nghiệp ô tô”. “Tài liệu này là bước hướng tới việc bổ sung các cấp/phân loại bộ phận trong tất cả các lĩnh vực vận tải".

Số liệu cấp bộ phận được nêu chi tiết trong tiêu chuẩn đề xuất (WK87222) sẽ được sử dụng cho kỹ thuật, mua sắm, kiểm tra không phá hủy, thử nghiệm, trình độ chuyên môn và quy trình chứng nhận cần thiết cho các bộ phận ô tô. Sơ đồ phân loại sẽ thiết lập một phương pháp nhất quán để xác định và truyền đạt hậu quả của lỗi liên quan đến các bộ phận ô tô. Tất cả các bên quan tâm đều được mời tham gia Ủy ban F42 trong quá trình phát triển WK87222 và các tiêu chuẩn được đề xuất khác.

Ông Nostedt cho biết: “Việc phân loại bộ phận sản xuất bồi đắp là điều mới mẻ đối với lĩnh vực ô tô”. “Ô tô chỉ là một phần của ngành vận tải lớn hơn. Các cấp/phân loại bộ phận sản xuất phụ gia khác là cần thiết cho các phương thức vận tải khác, bao gồm cả đường sắt và đường biển".

Hiện nay tại Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 26/2019/TT-BGTVT ban hành 5 quy chuẩn về phụ tùng, linh kiện ô tô, xe gắn máy. Theo đó, 05 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ tùng, linh kiện ô tô, mô tô, xe gắn máy bao gồm:

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gương dùng cho xe ô tô (QCVN 33:2019/BGTVT) thay thế cho QCVN 33:2011/BGTVT;

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy chì dùng trên xe mô tô, xe gắn máy (QCVN 47:2019/BGTVT) thay thế cho QCVN 47:2012/BGTVT;

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia kết cấu an toàn chống cháy của xe cơ giới (QCVN 52:2019/BGTVT) thay thế cho QCVN 52:2013/BGTVT;

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu an toàn chống cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất xe cơ giới (QCVN 53:2019/BGTVT) thay thế cho QCVN 53:2013/BGTVT;

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện (QCVN 91:2019/BGTVT) thay thế cho QCVN 91:2015/BGTVT;

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang