Doanh nghiệp cần chú trọng về Giấy phép môi trường: Tránh ‘nước đến chân mới nhảy’

author 13:00 28/04/2022

(VietQ.vn) - Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều điểm mới, đặc biệt là Giấy phép môi trường và Đăng ký môi trường. Đây là thủ tục mang tính bắt buộc và là điểm mới doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng.

Điểm mới, mang tính bắt buộc

Tại "Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020", PGS. TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) có rất nhiều sự thay đổi. Chính vì vậy, Nghị định để thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 đến năm 2022 mới ra đời được. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều điểm mới. Đặc biệt là vấn đề Giấy phép môi trường và Đăng ký môi trường. Đây là thủ tục mang tính bắt buộc và là điểm mới doanh nghiệp cần chú trọng.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường. 

Phân tích rõ hơn về vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Quang, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho hay, liên quan đến Giấy phép môi trường, trước đây, trong một số Luật có thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường với doanh nghiệp, có thể kể đến như: Luật Tài nguyên nước có giấy phép xả nước thải nguồn nước; Luật Thủy lợi có giấy phép xả nước thải ra môi trường thủy lợi; Luật Bảo vệ môi trường có giấy phép xác nhận đổ thải, giấy phép xử lý chất thải nguy hại; Năm 2019, Nghị định 40 của Chính phủ có thêm giấy phép xả chất thải môi trường, song chưa được triển khai;

Luật Bảo vệ môi trường 2020 theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt thủ tục theo tiến độ công trình. Theo đó, một số Giấy phép môi trường thành phần được lồng ghép trong cùng một loại giấy phép, gọi chung là Giấy phép môi trường.

Trong Giấy phép môi trường lồng ghép giấy phép xả chất thải nguy hại (gồm xả nguồn tiếp nhận và xả vào công trình, giấy phép xử lý chất thải nguy thải, giấy xác nhận công trình bảo vệ môi trường, sổ đăng ký xả thải chất thải). Đáng chú ý, Giấy phép môi trường có thể được cấp cho từng hạng mục, giai đoạn phân kỳ của công trình, có phát sinh chất thải và xả thải ra môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều băn khoăn về đối tượng cấp Giấy phép môi trường. Theo quy định trong điều 39 Luật Bảo vệ môi trường, dự án thuộc nhóm 2, nhóm 3 có phát sinh khí thải, nước thải, chất thải nguy hại ra môi trường. Trong Nghị định 08, nếu doanh nghiệp phát sinh từ 1.200 kg chất thải nguy hại/năm hoặc 100 kg CTNH/tháng trở lên mới thuộc đối tượng cấp Giấy phép môi trường.

Cũng theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, về tiến độ cho các cơ sở hoạt động có lộ trình, tiêu chí môi trường phải đăng ký cấp Giấy phép môi trường. Như vậy, Giấy phép môi trường gồm 5 đối tượng cần phải thực hiện: Đối với các dự án đầu tư, thuộc đối tượng đánh giá tác động môi trường phải đánh giá tác động môi trường; Dự án đầu tư ko thuộc đối tượng đánh giá tác động môi trường cũng phải đăng ký Giấy phép môi trường; Cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ; Dự án đầu tư có quy mô thuộc nhóm 3; Cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có quy mô thuộc nhóm 3.

Còn đối với Đăng ký môi trường, ông Quang thông tin, việc đăng ký môi trường sẽ tiến hành tại UBND xã. Theo đó, UBND xã có trách nhiệm tiếp nhận và đưa lên hệ thống quốc gia. 

Dự án nào cần có Giấy phép môi trường?

Nói rõ về các dự án cần có Giấy phép môi trường, Luật sư Hà Huy Phong, Trưởng ban Pháp chế, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường cho biết, để xác định đối tượng thuộc nhóm nào cần dựa theo 5 tiêu chí: Quy mô dự án; Công suất dự án; Loại hình dự án; Diện tích sử dụng đất; Yếu tố nhạy cảm về môi trường.

Từ đó phân thành 4 nhóm: Nhóm I (PL III), nhóm 2 (PL IV), nhóm III (PL V), nhóm IV. Trong đó, đối với tiêu chí 1 và 2, doanh nghiệp cần tự xác định thông qua hồ sơ dự án của mình. Với 3 tiêu chí còn lại phù hợp trong Nghị định 08.

Vậy, nguồn thông tin để xác định dự án là gì? Đó là dữ liệu tại hồ sơ dự án (Hồ sơ đề xuất dự án đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc các tài liệu tương đương của dự án); Văn bản pháp luật chuyên ngành (Chủ yếu trong các phụ lục); Phụ lục I, II, III của Nghị định 08.

Để xác định thủ tục cần thực hiện, doanh nghiệp cần xác định loại hình, loại dự án, nhóm dự án nào thông qua các tiêu chí. Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án đăng ký môi trường và đối với dự án cơ sở sản xuất kinh doanh... Do đó, chúng ta phải bắt buộc xác định qua các tiêu chí này.

“Ban Pháp chế, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẵn sàng là cầu nối, là đơn vị tiếp nhận câu hỏi, các vấn đề thắc mắc, tồn tại, thậm chí yêu cầu đối với cơ quan Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp và hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách về pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”, Luật sư Hà Huy Phong nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Quang cũng nói thêm, theo quy định, UBND tỉnh phê duyệt ĐTM cho doanh nghiệp thì cơ quan này cũng sẽ chịu trách nhiệm cấp Giấy phép môi trường. Trong quá trình xin Giấy phép môi trường, cơ quan quản lý có trách nhiệm theo dõi quá trình vận hành thí điểm. Nếu quá trình vận hành của doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn liên quan đến việc cấp Giấy phép môi trường thì cơ quan quản lý sẽ cấp Giấy phép môi trường theo đúng quy định.

Trong trường hợp doanh nghiệp thuê lại dự án để hoạt động mà không có dự án mới, toàn bộ trách nhiệm liên quan đến môi trường sẽ thuộc về cá nhân, tổ chức đứng tên trong hồ sơ môi trường của dự án cũ. Nếu doanh nghiệp thuê lại dự án mà lập dự án riêng và thực hiện thủ tục liên quan đến môi trường thì doanh nghiệp thuê lại sẽ phải chịu trách nhiệm nếu phát sinh các vấn đề liên quan đến môi trường.

Giấy phép môi trường có thời hạn từ 7 - 10 năm. Các dự án đang hoạt động có thời gian đến năm 2025 để chuyển đổi và được cấp Giấy phép môi trường theo đúng quy định của luật mới. Vì vậy, doanh nghiệp cần có sự chủ động chuẩn bị từ ngay bây giờ, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Các dự án đầu tư được phê duyệt từ sau thời điểm Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực phải áp dụng các quy định của luật mới ngay.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang