Doanh nghiệp cần làm gì để vượt qua hàng rào kỹ thuật của thị trường Brazil?

author 18:03 05/11/2015

(VietQ.vn) - Hệ thống hàng rào kỹ thuật phức tạp, chặt chẽ là rào cản lớn mà cácdoanh nghiệp phải vượt qua để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Brazil.

Các “rào cản kỹ thuật đối với thương mại” trong thương mại quốc tế (Technical barriers to trade – TBT) thực chất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó, được gọi chung là các biện pháp kỹ thuật hay biện pháp TBT.

Hàng rào kỹ thuật thị trường Brazil

Hàng rào kỹ thuật thị trường Brazil tương đối khó khăn và phức tạp

Doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật nhiều hơn

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2016, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và hàng rào kỹ thuật của các quốc gia.

Ông Trần Tuấn Anh nói: “Sản phẩm làm ra phải đáp ứng hàng rào kỹ thuật các nước yêu cầu. Trong khi đó, sản phẩm của chúng ta còn hạn chế nhất định về quy cách, chất lượng”.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký 10 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại, cùng với 2 FTA (Việt Nam- EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương- TPP) đã kết thúc đàm phán cho thấy mức độ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam. Một trong những lợi thế lớn cho Việt Nam khi tham gia các FTA này là cam kết giảm thuế sâu đối với hàng hóa. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý trong những hiệp định này là hầu hết đều có chương quy định về hàng rào kỹ thuật. Theo Bộ Công Thương, nếu những biện pháp hàng rào kỹ thuật vẫn được thực hiện “ngầm” thì các biện pháp giảm hay gỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng không nhiều ý nghĩa.

Ông Trần Bá Cường, Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, hàng rào kỹ thuật ngày càng quan trọng và được đưa vào đàm phán ở các FTA, nhất là những FTA thế hệ mới cam kết về hàng rào kỹ thuật ngày một cao hơn. Điển hình như TPP có một chương khá dài về hàng rào kỹ thuật quy định chi tiết, sâu hơn về các cam kết.

Đối với mỗi thị trường khác nhau, hàng rào kỹ thuật trong thương mại lại có những quy định và đặc điểm khác nhau đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt và có các biện pháp thích ứng nếu muốn đưa hàng hóa tiêu thụ ở thị trường nước sở tại.

Brazil là thị trường có giá trị trao đổi hàng hóa lớn nhất với Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ. Trong năm 2014, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 3,35 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 1,48 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 1,87 tỷ USD.

Dự báo, triển vọng quy mô thương mại song phương sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD năm 2015 và trên 5 tỷ USD trong khoảng 2-3 năm nữa. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Brazil gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; Sắt thép; Xơ, sợi dệt các loại; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; túi xách; Phương tiện vận tải và phụ tùng, Thủy sản.

Mặc dù có hoạt động trao đổi hàng hóa rất đa dạng với Việt Nam nhưng Brazil lại là một quốc gia Nam Mỹ được đánh giá có số lượng các rào cản kỹ thuật trong thương mại ở mức cao.

Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để vượt qua hàng rào kỹ thuật của Brazil?

Theo thông tin từ Văn phòng hàng rào kỹ thuật Việt Nam, Brazil xếp thứ 130 trong số 183 quốc gia trong Báo cáo kinh doanh năm 2012 của Ngân hàng Thế giới về rào cản thương mại. Hệ thống pháp luật phức tạp và chặt chẽ là rào cản lớn mà các nhà xuất khẩu nước ngoài phải vượt qua để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này, đặc biệt liên quan đến trang thiết bị y tế, dược phẩm và vấn đề an toàn sản phẩm thực phẩm, tiêu dùng.

Theo đó, một số quy định cụ thể được xem như những hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Brazil mà các nước cần nắm rõ bao gồm: Giấy phép và đăng ký nhập khẩu, hồ sơ nhập khẩu, các yêu cầu ghi nhãn mác, tiêu chuẩn sản phẩm nhập khẩu, các điều kiện bảo vệ môi trường.

Do đó, để hàng hóa của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Brazil, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các thủ tục từ khâu đăng ký xin giấy phép nhập khẩu.

Các doanh nghiệp Việt Nam phải đăng ký nhập khẩu với Cơ quan Ngoại thương Brazil (SECEX) thuộc Bộ Phát triển Công nghiệp và Thương mại (MDIC).

Riêng đối với các mặt hàng nằm trong danh mục bị cấm và hạn chế nhập khẩu do Brazil ban hành thì doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu.

Để có một bộ hồ sơ nhập khẩu đạt được các yêu cầu của Brazil, doanh nghiệp cần chuẩn bị các giấy tờ là giấy chứng nhận kiểm định chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn của hàng hoá được các cơ quan có thẩm quyền hoặc các phòng thí nghiệm chuyên ngành theo quy định xác nhận chất lượng hoặc công nhận lô hàng đạt tới các tiêu chuẩn quy định đặc thù của nước xuất khẩu.

Các chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật lưu ý, trong mọi trường hợp, doanh nghiệp cần tham khảo thường xuyên các quy định của Siscomex (một hệ thống thủ tục thương mại được máy tính hoá) để biết được thủ tục hành chính hiện hành áp dụng cho lô hàng hoá cần nhập khẩu.

Để biết thông tin đầy đủ hơn, cũng như chính sách chung, nhà nhập khẩu cũng có thể tham khảo ở trang điện tử chuyên “Thủ tụcNhập khẩu” tại trang điện tử của Bộ Phát triển, Công  nghiệp và Ngoại thương (MDIC).

Bên cạnh những thủ tục hành chính thì ghi nhãn mác cũng là một trong những rào cản kỹ thuật thương mại mà hàng hóa nhập khẩu vào Brazil cần đảm bảo. Luật Bảo vệ người tiêu dùng Brazil yêu cầu phải ghi nhãn về chất lượng, khối lượng, giá cả, bảo hành, thời hạn sử dụng, xuất xứ, và cảnh báo về nguy cơ đối với sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng.

Sản phẩm nhập khẩu phải có bản dịch tiếng Bồ Đào Nha về các thông tin nói trên. Hệ đo lường mét hoặc quy đổi sang hệ mét phải được sử dụng để ghi nhãn đơn vị đo đối với sản phẩm.

Về tiêu chuẩn sản phẩm nhập khẩu, Brazil duy trì hệ thống tiêu chuẩn nghiêm ngặt do Viện Viện Đo lường, Chất lượng và Công nghệ (Inmetro) ban hành dưới sự giám sát của Hội đồng Quốc gia về Đo lường, Tiêu chuẩn và Chất lượng công nghiệp (CONMETRO). Hàng hóa nhập khẩu vào Brazil nếu vi phạm một lần về vấn đề như “có chất lượng kém” hoặc “dưới mức tiêu chuẩn quy định” sẽ không được nhập khẩu lần sau. Do đó, đối với các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu đi Brazil, cần đặc biệt lưu ý đảm bảo chất lượng theo các quy chuẩn.

Chương trình phổ biến kiến thức giới thiệu Hàng rào kỹ thuật trong thương mại tại thị trường Braxin được phát sóng vào lúc  6h50 thứ 5 (12/11/2015) và hát lại 12h35 (thứ 6 13/11/2015) trên VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam. Xin mời độc giả quan tâm đón xem.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang