Doanh nghiệp chủ động chuyển đổi xanh – Đáp ứng yêu cầu ESG và tiêu chuẩn toàn cầu

author 06:16 14/03/2025

(VietQ.vn) - Các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản ngày càng áp đặt các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động chuyển mình để đáp ứng xu hướng mới.

Áp lực và tiêu chuẩn xanh từ các thị trường toàn cầu

Phó Tổng Thư Ký – Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, yêu cầu mới về phát triển bền vững, xanh hóa và tích hợp các yếu tố ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đã có nhiều điều chỉnh mới ở các thị trường lớn. Tại châu Âu, các quy định xanh đang được siết chặt với sự ra đời của nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm giảm thiểu dấu chân carbon của sản phẩm.

Cụ thể, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được áp dụng cho các sản phẩm của một số ngành sản xuất công nghiệp có phát thải cao như sắt, thép, nhôm, phân bón và điện. Hàng hóa thuộc các ngành này khi xuất khẩu sang EU sẽ phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến giảm thiểu dấu chân carbon. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng mức phát thải quy định, họ có thể phải đối mặt với các biện pháp bổ sung như đánh thuế hoặc các hình phạt tài chính khác. Đây là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi xanh và đảm bảo tính bền vững trong chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động chuyển đổi xanh đáp ứng yêu cầu thị trường. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, vào tháng 6/2023, EU đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR) và dự kiến áp dụng từ tháng 1/2025. Tuy nhiên, do một số vấn đề thực tế, thời gian thực thi đã được hoãn thêm một năm đến tháng 1/2026. Quy định này cấm nhập khẩu bảy nhóm mặt hàng gồm cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu nếu quá trình sản xuất gây mất rừng tự nhiên hoặc không đảm bảo các yếu tố hợp pháp. Đây là một tiêu chuẩn quan trọng nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy sản xuất bền vững.

Ngoài ra, tại EU đã có sự xuất hiện của nhiều văn bản mới, ví dụ như Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững và Đạo luật về thẩm định chuỗi cung ứng do Đức ban hành. Tháng 6/2024, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua một chỉ thị nội bộ yêu cầu các quốc gia thành viên nội luật hóa vấn đề thẩm định chuỗi cung ứng. Mặc dù chỉ thị này ghi chú rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không chịu tác động trực tiếp, nhưng họ sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp thông qua các chuỗi cung ứng nếu đối tác của họ không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh.

Những quy định này không chỉ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp nặng mà còn lan tỏa sang các lĩnh vực khác như hàng không, vận tải biển, logistics, và sản xuất nội dung. Nhiều ngành nghề trước đây chưa chịu áp lực giờ đây cũng đã bắt đầu được “gọi tên” và đưa vào phạm vi các quy định bảo đảm trách nhiệm bền vững khi tiếp cận thị trường EU. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ cải tiến quy trình sản xuất mà còn phải tái cơ cấu toàn bộ hệ thống quản trị và chuỗi cung ứng.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump từng có quan điểm quay lại năng lượng truyền thống và kinh doanh dầu, nhưng Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay lại ưu tiên các sản phẩm xanh và bền vững. Các nhà mua hàng tại thị trường này cùng với các đối tác tại Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã đưa ra các quy định pháp lý tương tự nhằm thúc đẩy chương trình mua sắm xanh. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn xanh, các thị trường này có thể tìm kiếm các nhà cung cấp khác có cam kết phát triển bền vững.

Chiến lược chuyển đổi xanh và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Để không bị bỏ lại phía sau trong “cuộc chơi” chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cấp hệ thống sản xuất, quản trị và chuỗi cung ứng theo các tiêu chuẩn mới. Các chuyên gia cho rằng, sự sẵn sàng ứng phó với yêu cầu ESG trong hành trình giảm phát thải và phát triển xanh là yêu cầu cấp thiết. Các cơ quan chức năng cần tập trung nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về các thách thức mới từ thị trường quốc tế, đồng thời tạo động lực để các doanh nghiệp nhìn nhận cơ hội từ những thay đổi này.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất chế biến xanh, công trình xanh, cảng xanh, khu công nghiệp sinh thái và vật liệu xây dựng theo định hướng gia tăng tuần hoàn, tái chế, giảm lãng phí tài nguyên và sử dụng năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, nếu so với tổng số gần 800.000 doanh nghiệp trên cả nước, những nỗ lực này vẫn còn rất hạn chế và chưa có một lộ trình bài bản, đầu tư thích đáng từ phía doanh nghiệp. Theo khảo sát của VCCI, nhiều doanh nghiệp chỉ mới thực hiện các bước đi rời rạc mà chưa xây dựng được chiến lược chuyển đổi xanh một cách có hệ thống.

Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ từ các chuyên gia và cơ quan quản lý là hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp cần nhận thức rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chuẩn liên quan đến phát triển xanh – bền vững không chỉ tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng mà còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư chất lượng, gia tăng thương hiệu trên thị trường quốc tế. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong khảo sát của VCCI với trên 10 nghìn doanh nghiệp, có tới 56% doanh nghiệp nhận thấy cơ hội từ biến đổi khí hậu. Trong đó, khoảng 30% doanh nghiệp cho rằng đã đến lúc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, trong khi 17% nhận định đây là cơ hội để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Vinfast, Nestle, HSBC, Unilever, Intel, Nike, Adidas, Epson, Coca-Cola đã tham gia mục tiêu phát thải “0” hay giảm phát thải theo yêu cầu quốc tế. Những doanh nghiệp này không chỉ bắt kịp xu thế chuyển đổi xanh mà còn được hưởng sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam về các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. “Việc phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ chính mình, trụ vững hơn và tạo ra cơ hội bứt phá. Sản xuất xanh còn mở ra cơ hội tranh thủ được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương,” ông Quang nhấn mạnh.

Về khía cạnh pháp lý, ông Đậu Anh Tuấn lưu ý rằng Việt Nam đã có nhiều văn bản quy định về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, doanh nghiệp và các bên liên quan vẫn chờ đợi các nền tảng pháp lý quan trọng liên quan đến phân loại xanh, tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon và quy định tái chế. Đây là những khung pháp lý hết sức quan trọng để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh định hướng phát triển bền vững. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần rà soát và cải thiện các quy định hiện hành để tránh chồng chéo và đảm bảo sự thống nhất với các tiêu chuẩn quốc tế mới.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - Nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần lưu ý rằng dòng chảy các quy định sẽ diễn ra liên tục với nhiều biến động. Do đó, việc nâng cao nhận thức, tìm hiểu và áp dụng đúng các tiêu chuẩn xanh là cực kỳ cần thiết. Bên cạnh đó, hợp tác kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành và với các bạn hàng quốc tế cũng là một giải pháp hữu hiệu, giúp giảm bớt chi phí và chia sẻ rủi ro trong quá trình chuyển đổi xanh.

“Doanh nghiệp không chỉ cần chủ động ứng phó với các yêu cầu mới từ thị trường mà còn phải thúc đẩy sáng kiến chuyển đổi nội bộ, lan tỏa văn hóa phát triển bền vững và tận dụng nguồn lực nội bộ để khai thác tối đa cơ hội từ chuyển đổi xanh,” chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết.

Nhìn chung, chuyển đổi xanh và ứng dụng các tiêu chuẩn ESG không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp Việt Nam có thể duy trì và nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược dài hạn, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và tích hợp các quy định, tiêu chuẩn xanh vào từng quy trình sản xuất kinh doanh. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới có thể tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu luôn biến động.

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang