Doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa bình ổn dịp Tết Giáp Thìn 2024

author 19:15 24/11/2023

(VietQ.vn) - Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đang tăng nguồn hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, mặt hàng bình ổn như gạo, hàng tiêu dùng thiết yếu... được các doanh nghiệp chú trọng.

Để chuẩn bị hàng hoá Tết, ngay từ đầu năm, TP.HCM đã xây dựng kế hoạch và giao Sở Công Thương chủ trì tích cực triển khai thực hiện. Theo đó, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25-43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản...

Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bình ổn thị trường sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, sẵn sàng bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ...; kiên quyết ko để xảy ra khan thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.

Song song với việc sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường Tết, hiện nay, một số doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đã triển khai sớm các chương trình khuyến mãi dịp Tết 2024 nhằm kích cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa bình ổn dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Bà Phạm Thi Vân - Phó Tổng Giám đốc Satra cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với nhà cung cấp về việc không tăng giá các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn hàng chất lượng và ổn định trước, trong và sau Tết. Dự kiến, tổng giá trị hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu dự trữ cho 2 tháng (trước và sau Tết Giáp Thìn 2024) của hệ thống bán lẻ Satra ước hơn 550 tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết Quý Mão 2023”.

Tương tự, để chuẩn bị hàng hoá tết, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, từ tháng 6/2023, công ty đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau Tết. Công ty cam kết giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau Tết. Vissan dự kiến cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so cùng kỳ với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng trong dịp Tết Giáp Thìn. Vissan còn thực hiện dự trữ từ 10-20% sản lượng hàng hóa dự phòng trường hợp thiếu hụt hàng hóa cung ứng cho thị trường.

Được biết, từ nay cho đến các ngày cận Tết, Vissan sẽ thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 10% – 20% vào ngày cuối tuần và sẽ nâng mức giảm giá lên đến 30% trong những ngày sát Tết.

Bên cạnh đó, bối cảnh thị trường còn nhiều biến động phức tạp, nhất là giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng và khó dự đoán - ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong suốt thời gian qua và hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm, Tết 2024. Do đó, để bình ổn mặt hàng này, Tập đoàn Lộc Trời đã ký cam kết, đồng hành thực hiện bình ổn các mặt hàng gạo trên địa bàn thành phố với Sở Công Thương TP.HCM.

Nhận định về thị trường hiện nay, trao đổi với PV, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho hay: “Từ tháng 11 đến nay, đơn hàng bắt đầu tăng vì hàng tồn kho ở các nước bạn giảm, họ tiếp tục có đơn đặt hàng tăng cao. Việt Nam được đánh giá là thị trường béo bở cho các doanh nghiệp... Đây là bước khởi động đáng mừng, tôi tin rằng, trong thời gian tới sẽ còn nhiều khởi sắc với thị trường trong nước”.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt trên 5.100 nghìn tỉ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu 10 tháng năm 2023 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước, như: Đà Nẵng tăng 143,8%, Khánh Hòa tăng 137,9%, TP.Hồ Chí Minh tăng 68%, Hà Nội tăng 59,5%, Cần Thơ tăng 32,4%… Các con số này chứng tỏ niềm tin người tiêu dùng đang dần được hồi phục.

 Phát Nguyễn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang