Ấn Độ áp đặt thêm hạn chế đối với xuất khẩu gạo ảnh hưởng tới doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam

author 06:06 29/08/2023

(VietQ.vn) - Chính phủ Ấn Độ sẽ đặt ra mức giá sàn 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati xuất khẩu, nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu các loại gạo trắng thường đã bị cấm xuất khẩu. Động thái mới nhất này được đưa ra sau khi Ấn Độ áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu.

Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, giá sàn được đưa ra sau khi ghi nhận giá xuất khẩu gạo basmati biến động lớn. Trong một số trường hợp, giá này chỉ là 359 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu trung bình là 1.214 USD tháng này. Với các trường hợp giá trong hợp đồng thấp hơn 1.200 USD một tấn, quan chức chính phủ sẽ vào cuộc xem xét. Ấn Độ, quốc gia chiếm khoảng 40% xuất khẩu gạo toàn cầu trong năm 2022, hiện cấm hoặc áp đặt một dạng hạn chế nào đó đối với tất cả các loại gạo xuất khẩu.

Đầu tháng này, giá gạo tại châu Á tăng mạnh lên mức cao nhất trong gần 15 năm và có thể tăng cao hơn, làm tăng chi phí của các nước nhập khẩu như Philippines và một số quốc gia khác trong khu vực. Các biện pháp Ấn Độ thực hiện gần đây nhằm ổn định giá cả trong nước. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, B.V. Krishna Rao, với quyết định áp thuế lên gạo đồ, giá gạo trong nước sẽ giảm và góp phần kiểm soát lạm phát giá lương thực. Tuy nhiên, giá gạo toàn cầu sẽ tăng và người mua sẽ phải chịu mức giá cao hơn. Các hạn chế của Ấn Độ được thực hiện vào thời điểm giá lương thực vẫn cao do xung đột tại Ukraine và thời tiết toàn cầu biến động đe dọa đến nguồn cung ngũ cốc và hạt có dầu.

Gạo đồ chiếm khoảng 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Nước này đã cấm xuất khẩu gạo tấm và các loại gạo trắng thường, hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường cũng như việc tích trữ một số ngũ cốc. Tuy nhiên, Ấn Độ đang cân nhắc dỡ bỏ thuế nhập khẩu 40% đối với lúa mì và bán ra cà chua, hành và ngũ cốc từ kho dự trữ để cải thiện nguồn cung trong nước.

Chính phủ Ấn Độ sẽ đặt ra mức giá sàn 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati xuất khẩu, nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu các loại gạo trắng thường. Ảnh minh họa  

Doanh nghiệp Việt Nam ngừng mua lúa, không dám ký đơn mới

Theo một chuyên gia ngành lúa gạo, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang trì hoãn đơn hàng hoặc đàm phán với khách hàng để điều chỉnh tăng giá hoặc hủy hợp đồng. Song, với giải pháp đàm phán tăng giá, phần lớn khách hàng không đồng ý bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn cả Thái Lan, Mỹ và đứng đầu thế giới. Xu hướng giá gạo trên thị trường thế giới cũng như giá gạo Việt xuất khẩu, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An - thừa nhận, động thái mới của Ấn Độ và thông tin Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo có thể sẽ ảnh hưởng tới giá loại lương thực này trên thị trường thế giới, nhưng với Việt Nam thì không.

Theo ông Bình, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có giá 638 USD/tấn - mức rất cao so với ngưỡng người tiêu dùng thế giới có thể chấp nhận. Philippines, Indonesia hay các quốc gia nhập khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đều chịu mức giá cao. Họ gần như không thể chấp nhận mua với giá 670-680 USD/tấn. Trong khi đó, giá thu mua lúa tại thị trường nội địa cũng rất đắt đỏ. Giá các loại lúa đều tăng lên gần 8.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu quy ra gạo xuất khẩu thì tương đương giá 670-680 USD/tấn. “Nhưng giá này không có ai mua. Do đó, dù có thêm quốc gia cấm xuất khẩu gạo thì gạo Việt cũng rất khó tăng giá thêm”, ông nói. 

Ở tình thế hiện tại, các doanh nghiệp gần như không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới và cũng tạm dừng thu mua lúa tại thị trường nội địa để nghe ngóng. “Ký đơn mới sẽ phải giao hàng. Song, các nhà nhập khẩu chỉ chấp nhận mức giá 640 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp vẫn ký hợp đồng bán và phải mua lúa giá cao như hiện nay sẽ lỗ khoảng 30-40 USD/tấn. Như vậy, doanh nghiệp lấy tiền đâu bù vào”, ông Bình tính toán. Riêng đơn hàng cũ, ông Bình cho biết, nhiều doanh nghiệp đang đàm phán với nhà nhập khẩu nước ngoài để điều chỉnh giá tăng thêm, nhưng hầu hết không được chấp thuận. Thế nên, doanh nghiệp chỉ có thể giao hàng với giá đã ký trước đó hoặc huỷ hợp đồng. Nếu không bị đối tác kiện thì doanh nghiệp Việt cũng mất uy tín. Còn với đơn hàng nhỏ, khách truyền thống, doanh nghiệp đang đề nghị giãn thời gian giao hàng đến vụ Đông Xuân sao cho hài hoà giữa hai bên. Từ đó có thể thấy, dù gạo thế giới khan hàng, giá gạo Việt cũng rất khó tăng. Quan trọng hơn, doanh nghiệp nếu không đảm bảo lợi nhuận sẽ dừng mua lúa, không ký thêm hợp đồng xuất khẩu.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang