Doanh nghiệp ngành chế biến rau củ chưa ‘mặn mà’ trong đầu tư công nghệ

author 08:03 10/07/2022

(VietQ.vn) - Thực tế, doanh nghiệp chưa "mặn mà" với việc đầu tư công nghệ, nhà máy chế biến do thiếu vốn, hơn 80% số cơ sở quy mô vốn nhỏ, nên chỉ đầu tư chế biến với trang thiết bị đơn giản.

Đến nay vẫn còn gần 80% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; tổn thất sau thu hoạch cũng ở mức cao, khoảng 20%. Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện cả nước có khoảng 7.500 cơ sở chế biến, bảo quản trái cây, rau củ; trong đó có khoảng 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, ngành chế biến mới chỉ đáp ứng 8-10% sản lượng rau quả/năm. Đến nay vẫn còn gần 80% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; tổn thất sau thu hoạch cũng ở mức cao, khoảng 20%.

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất; sản xuất rau quả mang tính mùa vụ cao; vấn đề an toàn thực phẩm của các sản phẩm chưa đều, không ổn định về kích thước, mùi vị, màu sắc, dinh dưỡng…

Về phía doanh nghiệp cũng chưa mấy mặn mà với  việc đầu tư công nghệ, nhà máy chế biến khi có tới hơn 80% số cơ sở quy mô vốn nhỏ, tiềm lực tài chính, nhân lực, quản trị yếu… nên chỉ đầu tư một số trang thiết bị đơn giản. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến sâu khá hẹp, lại có quy định nghiêm ngặt về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, điều kiện lao động, môi trường, truy xuất nguồn gốc… Đây là những rào cản lớn đối với việc mở rộng các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam.

Ông Hoàng Xuân Khang, đại diện Công ty International Fresh Group, công ty chuyên sản xuất và nhập khẩu rau, củ, quả tại thị trường châu Âu thông tin: Hiện, sản phẩm do công ty phân phối đã có mặt tại hơn 3.500 siêu thị tại nhiều nước châu Âu, nhưng lượng nông sản từ Việt Nam mới chỉ chiếm dưới 1%.

Theo ông Khang, thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu là những yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn, kết cấu hạ tầng cơ bản để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, sau đó đến chọn mặt hàng và chiến lược quảng bá phù hợp.

Ngoài ra, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh trái cây, việc định hướng cho phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là điều cần thiết. Đồng thời, để nâng sản lượng rau quả chế biến lên gấp đôi trong những năm tới, cần đầu tư và công nghệ phù hợp.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang