Doanh nghiệp 'than trời' vì áp lực phí và tần suất xét nghiệm COVID-19

author 11:01 21/09/2021

(VietQ.vn) - Phương pháp, thời hạn tính kết quả xét nghiệm COVID-19 đặc biệt với lái xe chở hàng được nhiều địa phương áp dụng không đồng nhất, cùng với chi phí xét nghiệm lớn đang trở thành gánh nặng, khiến doanh nghiệp “than trời” và trở ngại cho cả người được lấy mẫu.

Xét nghiệm như “cơm bữa” 

Anh Nguyễn Quang Hiếu (phố Hàng Bún, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) than thở việc đoàn xe của anh di chuyển từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, dù có giấy xét nghiệm PCR âm tính COVID-19 nhưng cứ đến tỉnh nào, cả đoàn cũng bị yêu cầu phải test. Nguyên nhân của vấn đề này là do các địa phương áp dụng không đồng nhất về phương pháp cũng như công nhận mốc thời gian có kết quả xét nghiệm.

Hiện, chi phí test COVID-19 cho lái xe chở hàng đang là gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp. Với khoảng 200.000 đồng/lần xét nghiệm kháng nguyên hoặc xét nghiệm bằng phương pháp PCR mẫu gộp có giá trị trong 72 giờ, phí xét nghiệm cho một lái xe có thể tiêu tốn vài triệu đồng/tháng lớn hơn mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên mức lương tối thiểu theo vùng. 

Một doanh nghiệp ở tỉnh Trà Vinh hoạt động "ba tại chỗ" từ ngày 28/7 cũng mệt mỏi vì mỗi tuần công ty phải dừng sản xuất nửa ngày để xét nghiệm COVID-19, doanh thu giảm 4 tỷ đồng/tháng. Trung bình mỗi tuần, doanh nghiệp này mất hơn 4 giờ để tập trung nhân viên từ các bộ phận cho việc lấy mẫu. Mỗi tháng tốn phí xét nghiệm là 240 triệu đồng. Chưa kể tổng chi phí phát sinh cho việc thực hiện "ba tại chỗ" mỗi tháng cũng tăng gần 30% so với trước”. 

 Xét nghiệm với tần suất quá nhiều gây áp lực cho nhiều tài xế.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh, xe ngoại tỉnh đến Móng Cái giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc, lái xe phải xét nghiệm liên tục. “Đối với xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái giao nhận hàng xuất nhập khẩu với Trung Quốc, lái xe phải xét nghiệm COVID-19 đến 3 lần, trong đó có 2 lần xét nghiệm PCR và một lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết. 

"Việc yêu cầu lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần cho cùng một chuyến hàng là quá nhiều, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và lái xe. Đặc biệt, yêu cầu xét nghiệm lần thứ 3 bằng phương pháp PCR trước khi lái xe được phép rời khu vực Cửa khẩu Móng Cái dù đã giao nhận xong hàng hóa nhưng vẫn phải chờ đến tối muộn hoặc hôm sau mới được rời đi, phát sinh chi phí rất lớn cũng như tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Doanh nghiệp đã khó khăn vì COVID-19, nay càng kiệt quệ khi buộc phải xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Móng Cái”, VLA nhấn mạnh.

Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp kiến nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh không áp dụng xét nghiệm lần thứ 3, gây phiền hà cho lái xe, doanh nghiệp vận tải vì phải lưu giữ hàng hóa, phương tiện và người lái tại khu vực cửa khẩu để chờ kết quả xét nghiệm rồi mới được rời đi. Điều này làm gia tăng rủi ro lây nhiễm dịch bệnh vì phải tụ tập đông người tại khu vực cửa khẩu. 

Theo các doanh nghiệp dịch vụ logistics, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công thương cũng như các địa phương cần thống nhất chấp nhận việc lái xe chỉ cần xét nghiệm PCR một lần/tháng nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Đối với lái xe chưa tiêm đủ, cần có kết quả test nhanh trong vòng 72 giờ để giảm thiểu chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Đề xuất tự xét nghiệm tiết giảm chi phí

Doanh nhân, nhà khoa học, ông Nguyễn Thanh Mỹ mong mỏi với cách tiếp cận mới của Chính phủ là “sớm bình thường mới” được các địa phương, Bộ, ngành hiểu đúng để mở thêm cánh cửa "sống" cho doanh nghiệp. Theo đó, cho phép doanh nghiệp có thể tự đề xuất, lựa chọn phương thức xét nghiệm virus Sars-CoV-2 hiệu quả nhất trong điều kiện của doanh nghiệp với sự giám sát của nhân viên y tế.

Để giải quyết vấn đề này, Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ ban hành mới đây về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 có nội dung được nhiều người quan tâm, đó là yêu cầu Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm. 

 Nếu để doanh nghiệp chủ động xét nghiệm sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí

Theo ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, nếu quy định này được thực hiện, các doanh nghiệp sẽ tiết giảm khoảng 70% chi phí xét nghiệm cho nhân viên. Với khoảng 800.000 lái xe đang tham gia vận chuyển hàng hóa và hàng triệu công nhân ở các vùng trọng điểm công nghiệp trên cả nước đang phải xét nghiệm với tần suất 3 - 5 ngày/lần, chính sách này có ý nghĩa với doanh nghiệp không kém bất kỳ gói hỗ trợ nào mà Chính phủ đã thực hiện cho đến nay.

Mô hình này không quá xa lạ bởi trong thực tế, Bắc Giang đã hướng dẫn cho công nhân tự xét nghiệm kháng nguyên và công nhận kết quả xét nghiệm để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đồng ý người dân tự xét nghiệm. 

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh đại dịch phức tạp, đặc biệt biến thể siêu lây nhiễm Delta, không cá nhân và tổ chức nào có động cơ che giấu tình trạng sức khỏe của mình và nhân viên. Với những kinh nghiệm đã có, Bộ Y tế hoàn toàn đủ dữ liệu để triển khai thành công chính sách quan trọng của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc, đúng thời hạn đã được quy định trong Nghị quyết 105/NQ-CP.

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát, báo cáo kết quả thực hiện về việc kiểm soát xe luồng xanh. Nguyên nhân do đến nay vẫn còn một số địa phương áp dụng quy định riêng như hiệu lực giấy xét nghiệm COVID-19 ít hơn 72 tiếng, hoặc xét nghiệm tất cả các tài xế ra vào thành phố dù có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực. Các bất cập, vướng mắc phát sinh ảnh hưởng đến lưu thông vận tải, ùn tắc giao thông trên các tuyến đường. Những tỉnh, thành chậm bãi bỏ quy định không phù hợp, nhất quán về kiểm soát vận tải hàng hóa, xe "luồng xanh", Tổng cục Đường bộ sẽ báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý theo Nghị quyết 107/NQ-CP

 An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang