Doanh nghiệp ‘tự cứu mình’ giữa đại dịch Covid-19

author 06:19 13/02/2021

(VietQ.vn) - Nhìn một cách tích cực thì dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự thay đổi rõ nét của các doanh nghiệp bởi các doanh nghiệp phải sáng tạo, “tự cứu mình” nhằm vượt qua khó khăn do Covid-19.

Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc rồi nhanh chóng lan rộng ra nhiều quốc gia khiến hoạt động thương mại quốc tế bị gián đoạn, không thể phủ nhận tình trạng “sốc” của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng thì nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực sáng tạo và tìm được hướng phát triển giữa “bão” dịch.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, dịch Covid-19 đã khiến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị đổ bể. Rất nhiều sản phẩm chế biến giá trị cao, có bao bì đẹp phục vụ cho các nhà hàng, điểm vui chơi ở nước ngoài phải chịu cảnh tồn kho vì các hợp đồng mua bán với nhà nhập khẩu bị lùi hoặc hủy vì không có khách.

Trong tình thế đó, doanh nghiệp nhanh nhạy sẽ nhận ra thực tế nhu cầu tiêu dùng thủy sản có giảm nhưng không đến mức giảm sâu mà chuyển từ nhóm nhà hàng sang nhóm nấu ăn tại nhà. Điều này đồng nghĩa với việc đơn hàng cung cấp cho hệ thống bán lẻ tăng lên khá mạnh. Nhiều doanh nghiệp nhanh chóng chuyển sang sản xuất, chế biến sản phẩm phù hợp với việc nấu ăn tại nhà, đồng thời kết nối phân phối với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, từ đó cải thiện doanh số đáng kể.

“Nhìn một cách tích cực thì dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự thay đổi rõ nét của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng việc nâng cao trình độ chế biến, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu, mở rộng thị trường nội địa, tăng cường chế biến phụ phẩm góp phần giảm giá thành. Bên cạnh đó, những biến động về nhu cầu tiêu dùng cũng khiến các doanh nghiệp tập trung thu thập, cập nhật thông tin thị trường để điều chỉnh sản lượng nuôi cho phù hợp cung cầu thị trường.” ông Hồ Quốc Lực phân tích.

Có thể nói đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự sáng tạo, thay đổi của các doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Tương tự với thủy sản, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ cũng nhanh chóng tìm hướng đi mới khi các thị trường, sản phẩm truyền thống gặp khó khăn. Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty đồ gỗ Hiệp Long cho biết, nhờ thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường và khách hàng, khi dịch Covid-19 xảy ra, xuất khẩu đi một số thị trường bị gián đoạn nhưng doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất hàng sang thị trường chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh để cân đối nguồn thu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nhanh chóng thay đổi phương thức tiếp thị bằng cách đẩy mạnh đầu tư cho website, chạy quảng cáo trực tuyến để tiếp cận người mua hàng từ các kênh thương mại điện tử.

“Mỗi giai đoạn và khu vực thị trường có đặc điểm, xu hướng tiêu dùng khác nhau. Dù có sự cố bất ngờ như dịch Covid-19 hay không thì việc tìm hiểu nhu cầu, phát triển sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của từng thị trường, nhóm đối tượng khách hàng luôn là chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài.”, ông Huỳnh Quang Thanh nhấn mạnh.

PGS. TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã đặt doanh nghiệp đứng trước hai lựa chọn, thích ứng để tồn tại và phát triển hoặc đứng yên chịu chết. Trong bối cảnh đó, tái cấu trúc doanh nghiệp một cách toàn diện về cơ cấu nhân lực, nguồn vốn, thị trường chính là cứu cánh giúp doanh nghiệp trụ lại và tận dụng cơ hội phát triển sau đại dịch. Doanh nghiệp nào tái cấu trúc, chuyển đổi số hóa càng nhanh thì càng có lợi thế tham gia vào chuỗi cung ứng mới.

Theo ông Thiên, tái cấu trúc doanh nghiệp và chuyển đổi số đã được khuyến nghị trong nhiều năm nhưng chỉ đến khi dịch Covid-19 xuất hiện mới tạo nên áp lực mang tính sống còn. Nhờ đó, tốc độ tái cấu trúc và chuyển đối số của doanh nghiệp trong năm 2020 đã tăng gấp nhiều lần so với những năm trước. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp trụ lại trong bối cảnh của dịch Covid-19, mà còn tạo nền tảng để cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng ứng phó với các biến động khác trong tương lai, đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững hơn…

Chào Xuân Tân Sửu: 'Con trâu - Đầu cơ nghiệp' trong tài sản trí tuệ Việt Nam(VietQ.vn) - Nếu như trong quá khứ, hình ảnh con trâu gắn với sáng tạo của cộng đồng, cá nhân và được thừa nhận nguồn gốc xuất xứ cũng bởi cộng đồng thì nay khá nhiều nhãn hiệu có chứa hình ảnh hoặc từ "trâu" đã được đăng ký, bảo hộ độc quyền.

Thanh Tùng 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang