Doanh nghiệp tư nhân vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc

author 14:36 23/02/2025

(VietQ.vn) - Lời hiệu triệu “Kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư cùng với chỉ đạo “bỏ tư duy không quản được thì cấm" và yêu cầu “xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động, và môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu”, chắc chắn sẽ tạo làn gió mới, thôi thúc khát vọng của các doanh nhân, doanh nghiệp; đặc biệt là ở khu vực kinh tế tư nhân nỗ lực nhiều hơn để đóng góp vì đất nước.

Thời gian qua, kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Đặc biệt lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Ảnh minh họa.

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau gần 40 năm đổi mới và phát triển năng động, tại Việt Nam đang hình thành những doanh nghiệp có triển vọng vươn tầm khu vực và vượt ra phạm vi toàn cầu như Viettel, FPT, Hoà Phát, Vingroup… Để có một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu trong kỷ nguyên mới, Việt Nam cần có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam sánh vai cùng các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như ở Hàn Quốc có Samsung, Hyundai, LG, SK…; Trung Quốc có Tencent, Alibaba, Huawei, BYD,… hay Đài Loan (Trung Quốc) có TSMC, Foxconn, Pegatron…

Trước đây từng có nhiều băn khoăn về câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam không thể làm nổi ốc vít cho các doanh nghiệp điện tử FDI; nhưng nay, thật vui mừng chứng kiến đã có một FPT sánh vai cùng Nvidia xây dựng nhà máy AI, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trí tuệ nhân tạo của thế giới; có một Viettel với các khí tài quân sự hiện đại; có một VinFast “đi sau về trước” với công nghiệp ô tô, sản xuất xe điện vì tương lai xanh; có Hòa Phát đảm bảo năng lực làm được đường ray cho “công trình thế kỷ” đường sắt cao tốc vừa được Quốc hội phê duyệt chủ trương. Doanh nghiệp của Việt Nam giờ đã có thể sản xuất chip, máy bay, tên lửa... khẳng định năng lực làm chủ công nghệ và tham gia sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phạm Tấn Công, lời hiệu triệu “Kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư cùng với chỉ đạo “bỏ tư duy không quản được thì cấm" và yêu cầu “xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động, và môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu” , chắc chắn sẽ tạo làn gió mới, thôi thúc khát vọng của các doanh nhân, doanh nghiệp; đặc biệt là ở khu vực kinh tế tư nhân nỗ lực nhiều hơn để đóng góp vì đất nước.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, diễn ra vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, một thành phần quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Thủ tướng bày tỏ ấn tượng, ngưỡng mộ, khâm phục, tự hào và tin tưởng về những kết quả đã đạt được và sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong tương lai.

Thủ tướng nêu 8 mong muốn với các doanh nghiệp, doanh nhân: Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng; bao trùm, toàn diện, bền vững trong phát triển đất nước; đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo; tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân; ngày càng có nhiều doanh nghiệp dân tộc lớn tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh đúng luật, tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.

"Chính phủ, bộ, ngành, địa phương 'không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm'; chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển vươn mình, giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đất nước có khát vọng, Nhân dân mong muốn và chờ đợi, Nhà nước phải kiến tạo, doanh nghiệp phải đóng góp, đất nước phải phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Mai Phương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang