EU siết quy định về chất thải ngành dệt may: Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì?

author 15:19 11/08/2023

(VietQ.vn) - EU đã phát động chiến dịch Thiết lập lại xu hướng (Reset the Trend campaign) nhằm giải quyết tất cả tác nhân có thể gây ra chất thải ngày càng tăng trong ngành dệt may trong và ngoài châu Âu. Những quy định ngày càng khắt khe của EU được cho là tăng thêm áp lực cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu vào thị trường lớn này giảm sâu hơn nửa năm qua.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, chất thải dệt may của EU ngày càng nhiều. Hằng năm, người dân EU thải bỏ 5,8 triệu tấn hàng dệt may, trung bình khoảng 11,3kg/người. Số lượng hàng dệt may này phần lớn được đốt, chôn lấp hoặc xuất khẩu dưới dạng quần áo cũ.

Vì vậy, EU đã phát động chiến dịch thiết lập lại xu hướng, giải quyết tất cả tác nhân trong ngành may mặc: Nhà thiết kế, thương hiệu, nhà bán lẻ, người tiêu dùng cuối cùng và nhà sản xuất hàng may mặc trong và ngoài châu Âu.

Mục tiêu của chiến dịch là đến năm 2030 tất cả sản phẩm dệt may trên thị trường EU phải: Bền và có thể tái chế; làm bằng sợi tái chế càng nhiều càng tốt; không có chất độc hại và được sản xuất với sự quan tâm đến các quyền xã hội và môi trường. Tầm nhìn của chiến dịch cũng nêu rõ, vào năm 2030, các nhà sản xuất hàng may mặc phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sản phẩm và chất thải của mình.

Ngoài ra, theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, EU đang xem xét giới thiệu EPR rộng khắp châu Âu đối với hàng may mặc. Theo đó, EU buộc tất cả sản phẩm dệt may đưa vào thị trường đều phải bền, có thể sửa chữa và tái chế, giảm tác hại của thời trang nhanh với nền kinh tế. “Các doanh nghiệp Việt Nam cần có kế hoạch kinh doanh thích hợp, tránh trường hợp khi khuyến nghị EPR trở thành quy định bắt buộc sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh”, ông Trần Ngọc Quân nói.

Có thể thấy, những biện pháp mới này sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất hàng may mặc kinh doanh ở châu Âu trong tương lai. Phần lớn chất thải dệt may hiện chưa thể tái chế thành quần áo mới vì nguyên liệu kém chất lượng hoặc bị pha trộn lẫn lộn. Phát triển các sản phẩm có tuổi thọ cao hơn và dễ tái chế dường như là hướng đi thiết thực nhất đối với các nhà sản xuất hàng may mặc. Theo đó, các nhà sản xuất cần sử dụng sợi và vải chất lượng cao hơn, tốt nhất là bằng vật liệu tái chế. Cùng với đó, doanh nghiệp cần khám phá cách sản xuất mới, tập trung vào những cách dễ dàng để tân trang, tháo dỡ hoặc tái chế quần áo; có giải pháp thu hút người mua hàng tham gia quá trình này vì những chiến lược trên có thể sẽ liên quan đến việc sử dụng các vật liệu và phương pháp sản xuất tương đối đắt tiền.

Những quy định ngày càng khắt khe của EU được cho là tăng thêm áp lực cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa 

Tất cả quy định mới của EU được dự báo sẽ ảnh hưởng đến cách các nhà sản xuất hàng dệt may kinh doanh ở châu Âu trong tương lai. 

Với ngành dệt may Việt Nam, không thể phủ nhận việc tận dụng các ưu thế của Hiệp định EVFTA giúp xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tăng trưởng tốt vào EU. Năm 2022, xuất khẩu hàng dệt may sang EU đạt 4,46 tỷ USD, tăng 34,7% so với năm 2021. Mặc dù vậy, những quy định ngày càng khắt khe, chặt chẽ của EU được cho là tăng thêm áp lực cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu vào thị trường lớn này giảm sâu hơn nửa năm qua. Tuy nhiên, EU là thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất với mức tiêu thụ lên tới hơn 264 tỷ USD năm 2022, chiếm khoảng 33% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của thế giới. Đây cũng vẫn là một trong những thị trường trọng điểm của hàng dệt may Việt Nam. 

Mặt khác, trong xu hướng trung dài hạn, dự báo EU sẽ còn ban hành các chính sách khắt khe về tiêu chuẩn xanh, bền vững. Vì thế, giải pháp hiệu quả là doanh nghiệp và toàn ngành dệt may Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng, có chiến lược bài bản trong chuyển đổi sản xuất xanh để duy trì và tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường này.

Trên thực tế, thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam đã có những bước chuẩn bị từ khá sớm cho sự chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư, triển khai những dự án liên quan đến giảm rác thải, tái sử dụng nguồn nước, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu dệt may…

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này còn gặp không ít khó khăn. Trong đó, nguồn cung nguyên phụ liệu như bông, xơ, vải… vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, khó kiểm soát chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng. Khâu dệt nhuộm chưa hình thành được các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung và chưa được nhiều địa phương tiếp nhận, phê duyệt triển khai do lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.

Ngành còn thiếu nhân lực chất lượng cao phục vụ việc ứng dụng công nghệ 4.0; nhân lực đáp ứng vận hành các khâu đòi hỏi kỹ thuật cao, hiện đại như: dệt, nhuộm và thiết kế thời trang. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi sản xuất đòi hỏi nhu cầu vốn lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được… 

Theo các chuyên gia, giải pháp khuyến nghị cho các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may nói chung vào EU là phát triển các sản phẩm có tuổi thọ cao hơn và dễ tái chế. Trong đó chú trọng sử dụng các loại sợi và vải chất lượng cao hơn, tốt nhất là bằng vật liệu tái chế; thử nghiệm, áp dụng những cách sản xuất mới, tập trung vào những cách dễ dàng để tân trang, tháo dỡ hoặc tái chế quần áo.

Một giải pháp quan trọng khác là các nhà sản xuất nên tranh thủ, thu hút sự tham gia của người mua hàng, nhà nhập khẩu vào quá trình này vì liên quan đến việc sử dụng các vật liệu mới, hiện đại và phương pháp sản xuất tương đối tốn kém, đòi hỏi sự đầu tư lớn. Việc phối hợp với nhãn hàng để thực hiện thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái; liên kết ngành, liên kết sản xuất để thiết lập các mô hình tuần hoàn quy mô lớn… sẽ giúp các doanh nghiệp dần thích ứng được với những quy định mới của EU.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang