Doanh nghiệp Việt thờ ơ với chỉ dẫn địa lý

author 21:53 22/12/2021

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh hội nhập, việc xây dựng, khai thác và quản lý càng nhiều sản phẩm có chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại càng nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt thờ ơ trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý nông sản tại nước ngoài.

Trong những năm gần đây, số lượng chỉ dẫn địa lý nông sản tại Việt Nam tăng mạnh. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn đang thờ ơ trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý nông sản Việt tại nước ngoài, gây ra nhiều rủi ro cho sản phẩm khi xuất khẩu.

Doanh nghiệp thờ ơ

Chỉ dẫn địa lý là một dấu hiệu dùng để chỉ các sản phẩm có danh tiếng, chất lượng đặc thù hoặc các đặc tính khác biệt được tạo nên do các điều kiện tự nhiên, con người của một địa phương, khu vực hay một quốc gia nhất định. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý như một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, mà còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Theo đó, trên thế giới, hiện có khoảng hơn 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, với giá trị giao dịch thương mại hàng năm ước đạt 50 tỷ USD.

 Chưa nhận thức đúng tầm về chỉ dẫn địa lý khiến nông sản Việt khó nhận diện thương hiệu tại nhiều thị trường.

Đặc biệt, các nguyên tắc về sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã ký có nêu rõ, nếu như có ai đó đã đăng ký chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu thì người đó sẽ có quyền chống lại các chỉ dẫn địa lý khác. Như vậy đã rõ, để khẳng định chất lượng, thương hiệu và quảng bá được những sản phẩm đặc sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế thì khâu quan trọng là đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện có tới hơn 80% lượng hàng nông sản của nước ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Ví dụ như chè Việt Nam là một sản phẩm có tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý thương hiệu ở tầm quốc gia và 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, song rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam. Lý do là phần lớn chè của chúng ta được xuất khẩu ở dạng thô, rời, chưa chế biến sâu. Các doanh nghiệp nước ngoài sau khi nhập về mới chế biến và bán dưới tên, thương hiệu chè của nhiều nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc...

Như vậy, nếu không đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, chỉ dẫn địa lý có thể bị cá nhân hoặc tổ chức khác đăng ký độc quyền. Rất nhiều trường hợp chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của Việt Nam đã bị “âm thầm lấy mất” theo cách này nhưng doanh nghiệp vẫn không phát hiện ra, tiêu biểu là vụ việc chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

Vào tháng 6/2011, nhờ thông tin trên internet, công ty SHTT Bross & Partners đã tình cờ phát hiện ra nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam từ năm 2005) đã bị một công ty Trung Quốc đăng ký độc quyền nhãn hiệu thời hạn 10 năm, bắt đầu từ 2010 và 2011 cho một số loại sản phẩm cà phê trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Mặc dù lý lẽ thuộc về Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đi kiện, “đòi” lại tên “Buôn Ma Thuột”. Rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra với nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre,...

Vai trò của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý 

Bảo hộ sở hữu trí tuệ có nguyên tắc cơ bản là bảo hộ theo lãnh thổ cho nên nhãn hiệu của chúng ta được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì chỉ có giá trị tại Việt Nam, không được bảo hộ tại lãnh thổ của nước khác. Do đó, nếu không đăng ký ở một nước khác đồng nghĩa với khả năng nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý có thể bị đăng ký bởi một doanh nghiệp khác và họ trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, độc quyền sở hữu nhãn hiệu cho sản phẩm đã được đăng ký.

Hệ quả là, họ có quyền yêu cầu cơ quan hải quan ngừng thông quan nhập khẩu đối với hàng hóa cùng nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý vào thị trường đó vì đã bị coi là vi phạm sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, để bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp cần chủ động xác định, chọn thị trường tiêu thụ quan trọng ở nước ngoài để đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình.

Được biết, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đó việc này rất quan trọng để bảo vệ thị trường của chúng ta ở nước ngoài. Vấn đề sắp tới đây là cần phải hỗ trợ, hướng dẫn và giúp các địa phương có sản phẩm đặc sản tiến hành thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ không chỉ ở trong nước mà cả các nước là thị trường tiềm năng.

Để thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống từ Nhà nước, đến chính quyền địa phương, tất cả các hội nghề nghiệp, các nhà sản xuất, chế biến và các bên liên quan. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất và người dân cần thiết phải liên tục cải tiến sản phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, có như thế mới giữ vững được thương hiệu.

Hơn thế nữa, cần xác định lộ trình, ưu tiên thứ tự, hướng dẫn địa phương trình tự thủ tục, đăng ký cũng như xây dựng quy chế quản lý, khai thác tài sản trí tuệ, chỉ dẫn địa lý…

Hoài Thương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang