Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng

author 17:02 19/01/2024

(VietQ.vn) - Ngày 19/1, Trung ương Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 và ra mắt Trang thông tin điện tử Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, từ Đại hội thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lần thứ I nhiệm kỳ 2018-2023 tổ chức ngày 29/11/2018 tại Hà Nội, đến nay văn phòng Trung ương Hội đã kết nối với 53 Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành lập 3 tổ chức trực thuộc, kết nạp 10 tổ chức thành viên và 2.238 hội viên mới. Đến nay, tổng số hội viên của Hội cùng tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 141.022 người.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phát biểu tại Đại hội

Bằng những hành động thiết thực, Trung ương Hội và các hội tỉnh thành viên đã có đóng góp tích cực trong đóng góp ý kiến tham gia xây dựng pháp luật, công tác khảo sát, nghiên cứu, tuyên truyền, tư vấn, phổ biến kiến thức pháp luật tiêu dùng, phản biện, giám định xã hội và hợp tác quốc tế về các chủ đề liên quan bảo vệ người tiêu dùng.

Trong đó, có thể kể đến một số các hoạt động điển hình như: tham gia đóng góp ý kiến xây dựng phát luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tham gia Tổ Biên tập Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Bộ Công Thương thành lập.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Trung ương Hội đã dự và tham luận tại các hội thảo của: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Liên hiệp Hội Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gửi các công văn đóng góp ý kiến đối với nhiều dự thảo văn bản pháp quy do các cơ quan chủ trì soạn thảo gửi đến.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhiệm kỳ qua cũng tích cực đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương về: Kế hoạch tổ chức Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam 15/3 hàng năm; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Quy chế phối hợp liên ngành xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ người tiêu dùng; ban hành Chỉ thị về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức Chương trình “Doanh nghiệp cam kết vì Người tiêu dùng”; Đề nghị Sở Công Thương các tỉnh phối hợp thành lập các tổ hòa giải tranh chấp, khiếu nại của người tiêu dùng;...

 Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lần II nhiệm kỳ 2023-2028.

Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc khảo sát, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giám định xã hội liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, Hội đã phát động thực hiện chương trình Khảo sát và công bố kết quả “Hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy” và trao Giấy chứng nhận cho các hàng hóa, dịch vụ Top 10, Top 50 hàng năm bắt đầu từ năm 2022 và đang nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo Đảng, Trung ương, địa phương và sự hưởng ứng tích cực của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mọi ngành nghề.

Tuyên truyền giới thiệu, tư vấn pháp luật, những quyền cơ bản và nghĩa vụ của người tiêu dùng được ghi trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa,… và các thông tin quan trọng khác tiếp tục được phổ biến đến người tiêu dùng, kể cả những chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ như: Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 30/CT-TW của Ban Bí thư; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình Phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2022-2025 của Chính phủ.

Hội cũng phối hợp với các Tổng Công ty Điện lực miền và thành phố tổ chức thành công 6 lớp tập huấn “Người tiêu dùng sử dụng điện Tiết kiệm - An toàn - Hiệu quả” tại TP.Bình Dương, TP.Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh, TP.Vũng Tàu, TP. Bạc Liêu và TP. Đà Nẵng. Tổ chức Lễ phát động hưởng ứng các hoạt động Phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày 31/5/2022 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ngày 26/11/2022 và TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa ngày 22/6/2022 với hơn 2.000 người tham dự, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Phối hợp với Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo “Người tiêu dùng hướng tới Tiêu dùng Xanh” ngày 04/12/2020 tại Hà Nội, với gần 200 đại biểu tham dự. Sau Hội thảo, Trung ương Hội đã gửi văn bản kiến nghị tới các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ.

Đối với các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội đã phối hợp với Văn phòng Đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Cộng hoà Liên bang Đức (GIZ) tại Hà Nội tổ chức thành công 2 Hội thảo “Nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam” ngày 07/4/2021 tại Hà Nội và ngày 16/4/2021 tại TP.Hồ Chí Minh. Đón tiếp và làm việc với đoàn Hội mạng lưới người tiêu dùng Nhật Bản (JACONET) về triển vọng hợp tác giữa 2 Hội; với Cơ quan Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia nhằm tăng cường quan hệ hợp tác; với Đoàn chuyên gia Australia về Dự án Khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

Hội còn tham dự Diễn đàn Hợp tác ASEAN do Ban Thư ký ASEAN và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phối hợp tổ chức ngày 28/11/2019 tại Hà Nội và trình bày bài tham luận “Hợp tác giữa các Cơ quan Nhà nước về người tiêu dùng và các Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam về bảo vệ người tiêu dùngtrong bối cảnh gia tăng thương mại điện tử và mậu dịch biên giới”.

Tích cực tham gia các cuộc trao đổi, tọa đàm trực tuyến về người tiêu dùng do Mạng lưới người tiêu dùng ASEAN (ACAN) thuộc Ban Thư ký ASEAN tổ chức và các cuộc tham vấn trực tuyến về người tiêu dùng của Tổ chức CUTS Thụy Sỹ.

Đặc biệt, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đang nỗ lực đổi mới, đào tạo lực lượng trẻ kế cận có tư duy, trình độ khoa học - công nghệ, có tâm huyết nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội theo tôn chỉ, mục đích của Hội, pháp luật của đất nước và các quyết định Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 12/7/2021 phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025; Điều 50, Luật số 19/2023/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XV thông qua ngày 20/6/2023; Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Nguyễn Quỳnh Anh.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Nguyễn Quỳnh Anh nêu rõ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là công tác toàn dân, vừa là công tác bảo vệ quyền, lợi ích của từng người dân, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia mong muốn Ban Chấp hành khóa mới sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được của Ban Chấp hành khóa I. Trong đó, chú trọng lựa chọn, bầu ra nhân sự tham gia Ban Chấp hành có năng lực, tâm huyết góp phần hiệu quả và công tác nâng cao năng lực Hội trong thời kì mới; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với bối cảnh.

Nguyễn Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang