Đổi mới sáng tạo nhằm tối ưu chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ

author 14:19 07/10/2023

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh kinh tế thị trường có nhiều biến động thì việc đổi mới sáng tạo lại càng trở nên quan trọng và phải phát huy tối đa công tác đổi mới sáng tạo để tối ưu chi phí hoạt động và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022; đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Cũng theo báo cáo này, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào Đổi mới sáng tạo: Tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57 (đầu vào Đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của doanh nghiệp).

 Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Ảnh minh họa.

Giới chuyên gia đánh giá, với cộng đồng doanh nghiệp, công tác đổi mới sáng tạo là tất yếu, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thị trường có nhiều biến động thì việc đổi mới sáng tạo lại càng trở nên quan trọng và phải phát huy tối đa công tác đổi mới sáng tạo để tối ưu chi phí hoạt động và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Để áp dụng đổi mới sáng tạo cũng như ứng dụng tiến bộ công nghệ tại doanh nghiệp hiện nay, ông Vũ Trọng Trung - Giám đốc Khối Nghiên cứu & Phát triển - Công ty CP Tập đoàn Austdoor cho rằng cần có các yếu tố sau:

Sự đầu tư và cam kết lâu dài: Đổi mới sáng tạo nói chung, ứng dụng công nghệ, chuyển đối số nói riêng là hoạt động dài hơi cần sự đầu tư và quyết tâm rất cao của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như toàn bộ tổ chức.

Văn hoá đổi mới: Việc cải tiến, thay đổi cao hơn là sáng tạo, nếu chỉ hô hào sẽ rất khó mang lại hiệu quả, nó cần được xây dựng, duy trì, nhân rộng trong tổ chức như một nét văn hoá.

Năng lực cốt lõi và khả năng triển khai: Việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cần dựa trên cơ sở có sản phẩm tốt, nguồn nhân lực tốt, mô hình kinh doanh phù hợp, đây cũng là thách thức mà các doanh nghiệp phải xác định rõ ngay từ đầu để có thể phát huy được đúng giá trị của công nghệ.

Ngày 11/05/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (Quyết định số 569/QĐ-TTg). Trong đó, mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao;

góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang