Đồng Nai: Hạn chế khai thác nước ngầm, ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường đất

author 15:28 26/03/2020

(VietQ.vn) - Tại một số nơi của tỉnh Đồng Nai, mặc dù hệ thống cấp nước đã vào đến tận nhà nhưng nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn dùng nước ngầm (nước giếng khoan). Việc sử dụng nước ngầm thiếu kiểm soát lâu dài sẽ gây hệ lụy lớn cho môi trường đất.

Nước sạch không dùng- dùng nước giếng khoan

Theo ông Ngô Dương Đại- Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), từ năm 2019, Công ty đã đầu tư mạng lưới phân phối nước sạch tới từng hộ dân và triển khai chính sách ưu đãi, miễn chi phí lắp đặt 4m ống nhánh và đồng hồ nước cho khách hàng là các hộ dân. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, hơn 11 ngàn đồng hồ được lắp đặt ban đầu, đến nay, Công ty buộc phải ngưng cung cấp gần 1 ngàn hộ do không sử dụng một mét khối nước nào trong suốt ba tháng liên tục. 

Lý giải về tình trạng trên ông Đại cho rằng, nguyên nhân chính do thói quen sử dụng nước giếng khoan tại chỗ của người dân và hiện nay chưa có khuyến nghị chính thức nào về chất lượng nước ngầm tại khu vực người dân sinh sống. Chính vì vậy, nhiều người dân chưa hiểu được việc bảo vệ nguồn nước ngầm cũng như chú ý đến chất lượng nước ngầm nơi mình sử dụng. 

Khoan giếng lấy nước ở xã Xuân Đồng, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai 

Nhiều người dân ở một số khu vực xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch cho biết, hiện tượng ô nhiễm nguồn nước ngầm là có, cụ thể nước giếng bị đóng váng và có mùi tanh khó chịu, không thể sử dụng được. Hiện nay, mặc dù nước máy đã vào tận nhà, nhưng do e ngại về chi phí nên nhiều gia đình chỉ sử dụng nước máy cho việc ăn uống, còn tắm giặt vẫn dùng nước giếng khoan. 

Điều đáng nói, không chỉ ở xã Hiệp Phước mà tại nhiều xã khác như Phú Hữu, Đại Phước…, người dân cũng vẫn dùng nước giếng khoan.

 Quản lý chặt việc khai thác nước ngầm

Thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo quyết liệt hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm, đặc biệt các doanh nghiệp phải ngưng khai thác nước ngầm chuyển sang sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống cấp nước tập trung của địa phương đã đến tận cửa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết, những đơn vị do UBND tỉnh cấp phép đã chấp hành đúng quy định khuyến khích sử dụng nước mặt, thay thế cho nước ngầm của tỉnh. Vì vậy các đơn vị do Trung ương cấp phép, tỉnh cũng sẽ đề xuất không cấp phép khai thác nước ngầm khi có nước sạch cung cấp đến nơi.

Theo đó, nhiều công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã chủ động chuyển đổi từ khai thác nước ngầm sang sử dụng nước từ hệ thống cấp nước sạch bằng nguồn nước mặt hiện hữu. Đơn cử như Công ty Cổ phần cấp nước Nhơn Trạch, Công ty CP Vinatex-Tân Tạo,… là các đơn vị đầu mối cung cấp nước sạch cho hàng trăm doanh nghiệp trong khu vực quản lý. Các đơn vị này đã chủ động ngưng khai thác nước ngầm theo giấy phép được cấp, chuyển sang sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước bằng nguồn nước mặt tập trung.

 Một góc nhà máy cấp nước của Công ty Cổ phần Cấp nước Nhơn Trạch.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, trữ lượng khai thác an toàn nước ngầm trên địa bàn tỉnh là hơn 2 triệu m3/ngày. Trên địa bàn tỉnh hiện khai thác và sử dụng gần 1,4 triệu m3 nước ngầm/ngày, chưa vượt mức khai thác an toàn. Tuy nhiên, xét cục bộ thì có 4 địa phương đang khai thác nước ngầm vượt ngưỡng an toàn là TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch.

Theo Quyết định số 884/QĐ-UBND ngày 8/3/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục vùng cấm khai thác nước dưới đất, vùng cấm xây mới các công trình khai thác nước dưới đất, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất thì khu vực KCN Nhơn Trạch 1 và KCN Nhơn Trạch 5 và một số khu vực khác ở huyện Nhơn Trạch được tỉnh xác định là vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, 16 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác nước ngầm đã ngưng khai thác, tiến hành đấu nối để sử dụng nước sạch. Trong khi đó, vẫn còn một số đơn vị khai thác nước ngầm với lưu lượng lớn, điển hình như Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và Khu công nghiệp IDICO. Đơn vị này hiện nay vẫn đang hoạt động khai thác theo các giấy phép có thời hạn đến ngày 20/7/2020 và ngày 10/2/2021.

Vì thế, ngày 27/3/2018, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2884/UBND-CNN gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét, điều chỉnh rút ngắn thời hạn các giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị rút ngắn thời gian khai thác nước ngầm của Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và KCN IDICO đến cuối năm 2018.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì trước đây, do hệ thống cung cấp nước mặt còn hạn chế nên UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho nhiều đơn vị được khai thác nước ngầm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết, những đơn vị do UBND tỉnh cấp phép đã chấp hành đúng quy định của tỉnh. Vì vậy các đơn vị do Trung ương cấp phép, tỉnh cũng sẽ đề xuất không cấp phép khai thác nước ngầm khi có nước sạch cung cấp đến nơi.

Được biết, những năm gần đây, để bảo vệ nguồn nước ngầm khỏi nguy cơ cạn kiệt, Đồng Nai đã đầu tư xây dựng, lắp đặt mới hàng trăm cây số đường ống để cung cấp nước sạch được khai thác từ các nguồn nước mặt.

K.L

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang