Dư âm "bầu Kiên" ảnh hưởng trực tiếp đến ai?

author 13:27 11/08/2013

Có thể thấy trong suốt những năm từ 2005 đến 2011, thị trường tài chính, tiền tệ có những biến động rất khó lường.

Sự kiện:

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng luôn có những diễn biến bất thường. Lãi suất cho vay có những lúc tới hơn 27% khiến các doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn khiến sản xuất đình trệ.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do sự lũng đoạn của một số nhà tài phiệt mà Nguyễn Đức Kiên là một trong số đó.

Kết quả điều tra cho thấy từ năm 2005 - 2011, ngân hàng ACB huy động được từ dân lượng tiền nhiều với lãi suất cao nhưng việc cho vay lại gặp nhiều khó khăn. Việc gửi liên ngân hàng cũng không thực hiện được bởi nhiều ngân hàng cũng lâm vào tình trạng tương tự. Để giải quyết vấn đề này, Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc - đã đề xuất ủy thác cho nhân viên lấy tiền huy động được của dân đem gửi vào các tổ chức tín dụng khác để hưởng chênh lệch lãi suất. 

 Ông Nguyễn Đức Kiên


Đề xuất này đã được Nguyễn Đức Kiên chấp thuận và chỉ đạo thường trực HĐQT ngân hàng ACB thực hiện. Việc này được cụ thể hóa bằng Nghị quyết HĐQT ngân hàng ACB do ông Trần Xuân Giá làm chủ tịch, Lê Vũ Kỳ phó Chủ tịch, Lý Xuân Hải TGĐ, Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang là các thành viên cùng ký. 

Ngay sau khi có nghị quyết này từ 2005-2011, ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên ngân hàng và 4 Cty gửi tổng số tiền 130.785 tỷ đồng với lãi suất từ 8,5%-27%/năm và 81.258.329 USD với lãi suất 3%-6%/năm vào 29 ngân hàng và đã thu được số tiền lãi là 6.279 tỉ đồng và 1.882.405USD, lãi chênh lệch vượt trần thu được là 258 tỉ đồng.

Sở dĩ Nguyễn Đức Kiên thực hiện được điều này, theo cơ quan điều tra thì để tạo áp lực cho HĐQT và ban Giám đốc ngân hàng, trong mọi cuộc họp Nguyễn Đức Kiên đều tuyên bố: “Hiện tôi không tham gia gì trong HĐQT, tôi nói nhăng nói cuội gì các anh nghe hay không nghe thì tùy, nhưng tôi có quyền cách chức các anh” hoặc “Vai trò tư vấn của tôi, thành viên Hội đồng sáng lập được quy định trong quy chế hoạt động của Hội đồng sáng lập, tôi nói muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi, nhưng với tư cách cổ đông lớn tôi có quyền triệu tập Đại hội cổ đông bất thường để cách chức các anh ra khỏi HĐQT”. 

Chính vì là cổ đông lớn nên những tuyên bố của Nguyễn Đức Kiên đã tạo ra áp lực và quyền lực thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng ACB và làm mọi người ngầm hiểu là không thực hiện ý kiến của ông Kiên là không được. Vì vậy mọi ý kiến của Nguyễn Đức Kiên sau đó đểu phải trở thành nghị quyết của HĐQT.

Cơ quan điều tra cũng kết luận việc dùng tiền huy động, ủy thác cho các nhân viên gửi vào các tổ chức tín dụng là sai đối với điều 106 Luật các tổ chức tín dụng và làm sai lệch hệ thống thông tin liên quan đến báo cáo huy động từ dân cư của toàn hệ thống ngân hàng, làm rối loạn thị trường tiền tệ, gây hậu quả phi vật chất đặc biệt lớn trong việc ra chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và điều hành việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ.

Cơ quan điều tra khẳng định trách nhiệm chính của việc này là Nguyễn Đức Kiên. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn khẳng định Nguyễn Đức Kiên trốn thuế cả trăm tỉ đồng.

Tính đến 30/6/2013, tổng tài sản của ACB tiếp tục giảm so với thời điểm 31/12/2012, còn 169,4 nghìn tỷ đồng so với 176,3 nghìn tỷ đồng.
 
Thu nhập lãi thuần trong quý 2/2013 giảm mạnh so với quý 2/2012, cũng như lũy kế 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ. Trong quý 2/2013, khoản mục này của ACB chỉ đạt hơn 1.105 tỷ đồng, trong khi quý 2/2012 đạt gần 2.087 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm nay với năm ngoái tương ứng là hơn 2.337 tỷ đồng so với hơn 3.698 tỷ đồng.
 
Ở nguồn thu khác, đáng chú ý là ACB đã có lãi 30,3 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối, trong khi cùng kỳ 2012 lỗ gần 174 tỷ đồng; nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm 2013 vẫn lỗ 53,6 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 106,7 tỷ đồng.
 
Thêm vào đó, cũng như điểm chung ở một số ngân hàng khác, quý vừa qua ACB ghi nhận lợi nhuận đáng kể ở đầu tư chứng khoán, trong khi chi phí hoạt động tiếp tục được cắt giảm. Riêng chi phí hoạt động, ước tính ngân hàng này đã giảm lương bình quân khoảng 25% trong 6 tháng đầu năm nay.
 
Tính chung, trong quý 2/2013 lợi nhuận sau thuế theo báo cáo hợp nhất của ngân hàng này chỉ đạt hơn phân nửa so với cùng kỳ 2012, 409 tỷ đồng so với 773 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 716 tỷ đồng trong khi 6 tháng đầu 2012 đạt hơn 1.607 tỷ đồng.
 
Kết quả trên có thể xem xét ở ảnh hưởng từ sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên và một số lãnh đạo cao cấp bị cơ quan chức năng xử lý hồi tháng 8 năm ngoái đến nay vẫn còn. Cùng với đó, hoạt động tất toán trạng thái vàng và sự vắng mặt của vốn vàng trong cơ cấu chung có thể gây xáo trộn nhất định, ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận. Và đáng chú ý là một nguồn thu lớn của ACB đã bị co lại.
 
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 2/2013 so với quý 2/2012 giảm hơn 364 tỷ đồng là do số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm từ gần 56 nghìn tỷ đồng tại ngày 30/6/2012 xuống chỉ còn hơn 11 nghìn tỷ đồng tại ngày 30/6/2013, góp phần làm cho thu nhập lãi thuần quỹ 2/2013 so với quý 2/2012 giảm tới hơn 981 tỷ đồng.
 
Liên quan đến vàng, đến 30/6/2013, ACB đã hoàn tất việc tất toán trạng thái vốn vàng huy động. Có khoảng 15,5 tấn vàng, ứng với khoảng 400 nghìn lượng cuối năm 2012 đã được ngân hàng này xử lý xong.
 
Và một điểm được chú ý khác, như từng được kiểm toán lưu ý ở kỳ báo cáo trước, tại ngày 30/6/2013, ACB vẫn tiếp tục kẹt gần 719 tỷ đồng được nêu trong báo cáo tài chính là tiền gửi đã quá hạn liên quan đến một ngân hàng khác chưa thể thu hồi, mà còn tùy thuộc vào quyết định của toàn án.
 
Đây chính là khoản tiền mà nhân viên ACB đi gửi ở VietinBank, liên quan đến vụ án Huyền Như xảy ra trong năm 2012. Báo cáo kỳ này vẫn chưa cho thấy ACB thực hiện trích lập dự phòng cụ thể cho khoản này.
 
Một điểm khác nữa cũng đang chờ được nêu cụ thể hơn trong báo cáo kiểm toán là các khoản vay của ông Nguyễn Đức Kiên và các bên có liên quan, chất lượng, việc trả lãi định kỳ và khả năng thu hồi của nó như thế nào. Tổng các khoản nợ này được một số tổ chức đầu tư đề cập gần đây là 7.128 tỷ đồng.
 
Liên quan đến hoạt động cho vay, tính đến 30/6/2013 ACB đã đạt tăng trưởng tín dụng gần 7,5% so với 31/12/2012. Tỷ lệ nợ xấu đã suýt soát ở mức 3%; trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh từ 1.150 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2012 lên gần 1.782 tỷ đồng.
 
Có nhiều nhân tố ảnh hưởng bất lợi đến lợi nhuận, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2013, ACB cũng đã khẳng định được niềm tin đối với thị trường xét ở góc độ huy động vốn. Số dư tiền gửi của khách hàng đã tăng đáng kể và đạt gần 142 nghìn tỷ đồng so với mức hơn 125 nghìn tỷ đồng cuối 2012.
 
Và đây có thể là một động lực quan trọng để ngân hàng này tìm hướng trở lại, sau những ảnh hưởng lớn về rủi ro pháp lý xẩy ra một năm về trước.
 
Chí Tùng - Vũ Ca
Theo Lao Động - Vneconomy
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang