Dữ liệu người dùng Telegram có thể bị đánh cắp

author 07:47 09/01/2025

(VietQ.vn) - Các chuyên gia khuyến cáo, người dùng cần thận trọng khi nhấp vào bất cứ link lạ nào được gửi từ những số điện thoại hay tài khoản chưa rõ danh tính.

Tính đến đầu năm 2024, có trên 32% người dùng Internet ở Việt Nam (từ 16 - 63 tuổi) sử dụng ứng dụng nhắn tin đa nền tảng Telegram, xấp xỉ khoảng 25 triệu người. Điều này cho thấy mức độ ngày càng phổ biến của ứng dụng Telegram tại Việt Nam. Cũng chính vì vậy, thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã thực hiện nhiều chiêu thức nhằm đánh cắp dữ liệu của người dùng ứng dụng này.

Mới đây, chị Hoàng Anh nhận được nhiều tin nhắn điện thoại, thông báo về việc tài khoản Telegram của chị cần phải được xác thực để tránh rủi ro. Cảm thấy nghi ngờ, chị Hoàng Anh đã tham khảo ý kiến những người xung quanh. "Số điện thoại này là những số điện thoại lạ. Mỗi lần tin nhắn tới là những số điện thoại khác nhau chứ không phải cùng một số. Mình có hỏi thử những người xung quanh xem họ có nhận được hay không thì không ai nhận được hết. Mình cũng cảm thấy nghi ngờ nên không dám click vào" - chị Trần Thị Hoàng Anh tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Để lừa đảo người dùng, kẻ xấu sẽ gửi tin nhắn Telegram yêu cầu nạn nhân xác minh danh tính, bảo mật hoặc ra thông báo về hành vi vi phạm. Đi kèm với nội dung tin nhắn là đường link dẫn đến các trang web giả mạo, với giao diện giống với trang web Telegram. Nếu người dùng đăng nhập thông tin tài khoản, nhập mật khẩu và mã OTP lên website giả mạo, họ sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân và các dữ liệu nhạy cảm đi kèm theo tài khoản.

Ở một số trường hợp tinh vi hơn, kẻ xấu còn tạo bot Telegram giả, khi người dùng nhấp vào tin nhắn, một “cửa sổ” đăng nhập mới sẽ xuất hiện ngay trong ứng dụng với mục đích đánh cắp tương tự.

Người dùng cần cảnh giác khi nhận được tin nhắn lạ gửi đến qua Telegram.

Nhóm Chống lừa đảo cho hay, sau khi phân tích mã nguồn, đơn vị này nhận thấy kẻ lừa đảo sử dụng ghi chú bằng nhiều loại ngôn ngữ, cho thấy chúng đến từ các quốc gia khác nhau. Điều này cho thấy chiến dịch lừa đảo đang nhắm vào người dùng Telegram tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, nhiều người dùng nhẹ dạ cả tin đã không chú ý đến lời cảnh báo của Telegram khi mã OTP được gửi đến nên khai báo đoạn mã này vào trang web, hậu quả tài khoản của họ bị kẻ xấu chiếm đoạt. Sau khi chiếm được tài khoản Telegram, kẻ xấu sẽ sử dụng cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc khai thác các nội dung riêng tư, cá nhân trong tin nhắn Telegram để sử dụng cho mục đích tống tiền…

Trên thực tế, chiêu lừa kể trên không mới. Ngoài Telegram, những kẻ lừa đảo cũng áp dụng chiêu trò tương tự để chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo… Việc mất tài khoản mạng xã hội không chỉ khiến người dùng bị kẻ xấu đọc trộm các nội dung tin nhắn riêng tư, quan trọng mà còn có thể khiến họ bị mất uy tín do kẻ xấu sử dụng các tài khoản này cho mục đích lừa đảo, mượn tiền…

Do vậy, người dùng nên đề cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo của kẻ xấu nhằm bảo vệ an toàn cho tài khoản mạng xã hội của mình.

 Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang