Đưa doanh nghiệp gần hơn với mô hình sản xuất thông minh

author 13:20 30/11/2017

(VietQ.vn) - Chuyên gia đã cung cấp cho doanh nghiệp nhỏ về kiến thức về sản xuất thông minh, về các đặc điểm, tình hình hiện tại và xu hướng trong tương lai.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Tiếp nối dòng chảy mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), ngày 30/11 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp với Tổ chức Năng suất Châu á (APO) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Sản xuất thông minh - những công việc cần thiết chuẩn bị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam”.

Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp cho rằng, với sự xuất hiện của sản xuất thông minh (SXTM), Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được vai trò của SXTM và đưa ra phương pháp tiếp cận CMCN 4.0 thông qua Chỉ thị số 16 / CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một trong năm ưu tiên của Chỉ thị này là nâng cao nhận thức và kiến thức cần thiết về Công nghiệp 4.0. Với sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tích cực tham gia hợp tác quốc tế, tiếp cận kiến thức về SXTM.

"Việt Nam là một trong những nước sớm tiếp cận về SXTM, dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông minh, các doanh nghiệp Việt cần tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất của mình. Thông qua Hội thảo Tổng cục mong muốn cung cấp cho doanh nghiệp những kiến thức về sản xuất thông minh, về các đặc điểm, tình hình hiện tại và xu hướng trong tương lai" - Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp chia sẻ.

Tiến sỹ Sangsu CHOI, người có kinh nghiệm làm việc 16 năm trong lĩnh vực SXTM chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, Tiến sỹ Sangsu CHOI, người có kinh nghiệm làm việc 16 năm trong lĩnh vực SXTM cho biết, từ thế kỷ 18, cuộc cách mạng công nghiệp đã trải qua ba giai đoạn từ cơ giới hóa, sản xuất hàng loạt đến cuộc cách mạng và tự động hóa đến gần đây là cuộc CMCN 4.0.

Mục tiêu của CMCN 4.0 là một nhà máy thông minh (Smart Factory hoặc Smart manufacturing). Trong các nhà máy thông minh này, các hệ thống vật lý không gian ảo (CPS) sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với Internet vạn vật (IoT), các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, và thông qua mạng lưới dịch vụ (IoS) con người sẽ tham gia vào chuỗi giá trị thông qua tham gia các dịch vụ này.

Toàn cảnh Hội thảo

Nhà máy thông minh kết hợp các thành tựu tiên tiến nhất của CMCN 4.0 để tích hợp hoàn chỉnh và tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh nâng cao năng suất và cải tiến chất lượng, giảm giá thành cũng như tác động tới môi trường.

“SXTM đã được đẩy mạnh và xây dựng dưới nhiều hình thức trong các ngành công nghiệp cũng như trong chính sách của chính phủ ở Đức, Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Với Việt Nam, chúng ta có thể tận dụng các công nghệ tiên tiến và và ứng dụng công nghệ thông tin vào SXTM” - Tiến sỹ Sangsu CHOI nhận định.

Tại Hội thảo, Tiến sỹ Sangsu CHOI đã cung cấp các ví dụ thực tế về sản xuất thông minh từ một số ngành như dệt may ở các nước Mỹ, Đức, Hàn Quốc. Chuyên gia cũng chia sẻ phương thức đánh giá mức độ áp dụng SXTM để doanh nghiệp có những biện pháp phù hợp, tiết kiệm nhất để phát triển SXTM tùy thuộc tình hình thực tế tại doanh nghiệp, qua đó cải thiện các hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ và tiếp cận gần hơn với mô hình SXTM.

Huy Hùng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang