Đừng bàn tăng năng suất lao động khi lương chưa đủ sống tối thiểu

author 18:56 25/11/2014

(VietQ.vn) - Trước hết phải cho người lao động ăn đủ năng lượng để làm việc, sau đó mới yêu cầu làm việc năng suất cao. HiệnlLương tối thiểu chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động…

 

Đó là nhận định chuyên gia tại Hội thảo chính sách tiền lương Việt Nam diễn ra hôm nay, 25/11.

Lương tối thiểu của Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia

Báo cáo cộng đồng ASEAN 2015, mức lương tối thiểu của Việt Nam dù cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar nhưng vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực.

Cụ thể, mức lương tối thiểu thấp, mức lương bình quân của Việt Nam hiện ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD) chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như: Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD).

Lương tối thiểu chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu của người lao động (bữa ăn công nhân tại khu công nghiệp)

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH thừa nhận chính sách tiền lương hiện còn nhiều thách thức khi GDP bình quân đầu người thấp, năng suất lao động thấp, chất lượng lao động còn nhiều vấn đề, chuyển dịch lao động chậm. Năng lực thương lượng, thỏa thuận tiền lương của người lao động hạn chế, dẫn đến tiền lương có xu hướng bị ép.

Theo ông Huân, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên xuất phát từ  yếu tố khách quan: nền kinh tế có điểm xuất phát thấp; cung-cầu lao động tạo nên sức ép về việc làm nên việc thương lượng chưa đi vào thực chất…

“Đây là thách thức trong thời gian tới, tăng cường thương lượng tập thể. Thỏa ước tập thể là một điểm mới trong chính sách tiền lương với 2 loại: Cấp quốc gia- Hội đồng Tiền lương Quốc gia xây dựng mức sàn, doanh nghiệp căn cứ vào đó để trả lương cao hơn và giữa chủ sử dụng lao động và lao động.”, ông Huân nhận định

Tuy nhiên, theo ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn cho rằng, thương lương tập thể để thiết lập mức tiền lương mới hiện gặp phải không ít khó khăn. Mặt khác, năng lực thương lượng của các bên còn hạn chế.

Vì thế, Tống Liên đoàn LĐVN đã xây dựng chương trình hành động nâng cao chất lượng thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, để việc thương lượng thực chất hơn, hiệu quả hơn.

“Khi dùng mọi biện pháp mà không cải thiện tiền lương thỏa đáng, xức đáng với sức lao động bỏ ra thì người lao động sẽ sử dụng vũ khí cuối cùng của mình là cùng nhau, hợp tác lại để yêu cầu giới chủ đáp ứng mong mỏi nguyện vọng chính đáng của người lao động”, ông Điều nói.

Tăng lương sẽ đi cùng với tăng năng suất lao động

Ông Malte Luebke, chuyên gia cao cấp về tiền lương của Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết:  Chỉ khoảng một phần ba số lao động có việc làm là được hưởng lương - nguồn thu nhập chính. Tỷ lệ này khá thấp so với trung bình trên thế giới (khoảng hơn 50%).

“Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này với thế giới bởi tỷ lệ lao động làm công ăn lương trên tổng số lao động có việc làm được dự báo là sẽ tăng nhanh trong những thập niên tới”, Ông Malte Luebke nhận định.

Theo ông Malte Luebke, sự khác biệt lớn về tiền lương giữa các quốc gia thành viên ASEAN phản ánh những khác biệt lớn trên nhiều phương diện trong đó có năng suất lao động.

“Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện cải cách cơ cấu và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động là những yếu tố tạo ra nên tảng cho hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp để chuyển đổi sang lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, mức lương tốt hơn”, vị chuyên gia ILO phân tích.

Tại hội thảo, chuyên gia quốc tế phân tích: Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách về chính sách tiền lương. Hiện mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Để có cơ sở để tăng tiền lương thì một trong những điều được đề cập đến nhiều là tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, bà Sandra Polaski, Phó tổng giám đốc ILO khẳng định, lương tối thiểu có vai trò rất quan trọng trong việc tăng năng suất lao động. Nghiên cứu mới nhất cho thấy tăng tiền lương khiến người sử dụng lao động tìm cách tăng năng suất lao động thông qua đầu tư kỹ thuật, quá trình làm việc hiệu quả hơn... Để tăng nắng suất lao động không chỉ đơn giản là yêu cầu người lao động làm việc chăm chỉ. Lương cần tăng cùng tăng năng suất; công nghệ- là công cụ để giúp lương tối thiểu được tăng lên đều đặn.

Đồng tình với quan điểm trên,  ông Đặng Quang Điều nhấn mạnh: Cần phân biệt tiền lương tối thiểu và tiền lương. Tiền lương gắn với năng suất lao động còn tiền lương tối thiểu gắn với mức sống tối thiểu.

“Quan niệm của tôi là đầu tiên phải cho người lao động ăn đủ năng lượng để làm việc, sau đó mới yêu cầu làm việc năng suất cao. Công đoàn rất mong muốn điều chỉnh tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu. Khi nào bằng thì khi đó chúng ta bàn bạc đến vấn đề năng suất lao động”, ông Điều nói.

Theo các chuyên gia, để có cơ sở để tăng tiền lương thì giải pháp quan trọng là tái cơ cơ cấu nền kinh tế, tạo năng suất lao động cao hơn, từ đó tái cơ cấu lao động- chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức, từ năng suất lao động thấp sang năng suất lao động cao; từ nông lâm nghiệp sang công nghiệp... Đồng thời, có các giải pháp để dần dần chủ sử dụng lao động không thể nghĩ đến chuyện trả lương thấp mà trả lương đúng với giá trị của họ.  

Theo các chuyên gia, để có cơ sở để tăng tiền lương thì giải pháp quan trọng là tái cơ cơ cấu nền kinh tế, tạo năng suất lao động cao hơn, từ đó tái cơ cấu lao động- chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức, từ năng suất lao động thấp sang năng suất lao động cao; từ nông lâm nghiệp sang công nghiệp... Đồng thời, có các giải pháp để dần dần chủ sử dụng lao động không thể nghĩ đến chuyện trả lương thấp mà trả lương đúng với giá trị của họ. 

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang