Cảnh báo: Dùng kháng sinh theo kinh nghiệm dễ dẫn tới lạm dụng thuốc trong điều trị COVID-19

author 08:29 28/08/2021

(VietQ.vn) - Theo kinh nghiệm các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng sinh trước khi có kết quả kháng sinh đồ, chính điều này đã dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh.

Theo kinh nghiệm các bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh trước khi có kết quả kháng sinh đồ, vì cho rằng, nhiễm khuẩn nếu chờ đến khi có kết quả xét nghiệm thì tình trạng bệnh nhân sẽ chuyển nặng. Chính điều này đã dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh. Tuy nhiên, các kết quả từ thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy tỷ lệ bội nhiễm viêm phổi vi khuẩn ở bệnh nhân viêm phổi do COVID-19 rất thấp.

Đây là nghiên cứu quan sát tại Đại học Northwestern (Mỹ) nhằm xác định tỷ lệ và nguyên nhân bội nhiễm tại thời điểm đặt nội khí quản, cũng như tỷ lệ và nguyên nhân viêm phổi do thở máy (VAP) trên 179 bệnh nhân mắc viêm phổi do COVID-19 nặng cần thở máy.

Các tác giả đã cấy vi khuẩn và chạy xét nghiệm RT-PCR từ 386 mẫu dịch rửa phế quản của các bệnh nhân để biết được chính xác có bao nhiêu vi khuẩn. Ngoài ra, họ cũng so sánh lượng kháng sinh sử dụng trong thực tế và theo khuyến cáo.

Kết quả, chỉ có 21% người bệnh có bội nhiễm vi khuẩn trong 48 giờ sau khi đặt nội khí quản; 44% bệnh nhân mắc viêm phổi do thở máy, trong đó có 20,8% bệnh nhân mắc viêm phổi thở máy do vi khuẩn khó điều trị gây ra. Các nhà khoa học khuyến cáo, để chỉ định kháng sinh một cách hợp lý, các bác sĩ nên tiến hành thêm các phương pháp đánh giá chính xác hơn, thay vì chỉ dựa vào tình trạng lâm sàng, hoặc vào một số nguy cơ cẩn trọng quá mức (nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin, trực khuẩn mủ xanh hoặc viêm phổi cộng đồng). Các xét nghiệm chẩn đoán nhanh rất quan trọng để xác định viêm phổi nghi ngờ ở bệnh nhân được đặt nội khí quản... để dùng kháng sinh hợp lý.

Sử dụng thuốc kháng sinh trước khi có kết quả kháng sinh đồ, chính điều này đã dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh. Ảnh minh họa

Trong một thông cáo báo chí, WHO cho biết, tỷ lệ kháng kháng sinh (AMR) cao trong số các kháng sinh thường được sử dụng để điều trị bệnh nhiễm trùng thông thường, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bệnh tiêu chảy. Tình trạng này báo động nguy cơ thế giới đang dần hết cách hiệu quả để điều trị các loại bệnh này.

Tại 33 quốc gia ghi nhận báo cáo, tỷ lệ kháng với ciprofloxacin, một loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, dao động từ 8.4% đến 92.9%.

Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng do việc sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh trong đại dịch COVID-19. Trong khi chỉ có một phần nhỏ bệnh nhân COVID-19 cần tới kháng sinh để điều trị việc nhiễm khuẩn.

Chúng ta đều biết, COVID-19 là do SARS-CoV-2 gây ra, vì vậy kháng sinh không có tác dụng chống lại virus. Mặc dù một số bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị bằng kháng sinh, nhưng đó là biện pháp dùng để điều trị các nhiễm trùng cơ hội hay còn gọi là biến chứng do nhiễm khuẩn bội nhiễm. Nhưng các trường hợp này, việc dùng kháng sinh phải được khuyến nghị bởi các thầy thuốc, dựa trên tình trạng bệnh tật của bệnh nhân tại bệnh viện.

Liên quan tới tình trạng lạm dụng kháng sinh, mới đây WHO đã giúp đẩy nhanh nỗ lực nghiên cứu và phát triển các loại thuốc, vaccine phòng ngừa và điều trị COVID-19. WHO cũng ban hành hướng dẫn không sử dụng liệu pháp kháng sinh hoặc điều trị dự phòng cho bệnh nhân mắc COVID -19 nhẹ hoặc bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh COVID -19 trừ khi có một chỉ định lâm sàng phải sử dụng kháng sinh để điều trị.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: "Thế giới đang mất khả năng sử dụng các loại thuốc kháng sinh cực kỳ quan trọng. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng việc sử dụng kháng sinh. Điều này sẽ gây ra tỷ lệ kháng kháng sinh (AMR) cao hơn".

Gọi mối đe dọa của tình trạng kháng kháng sinh là "một trong những thách thức cấp bách nhất của thời đại", ông Tedros kêu gọi thế giới tìm ra mô hình mới để khuyến khích đổi mới bền vững trong vấn đề này nhằm bảo vệ những thành quả y tế đã đạt được trong thế kỷ trước và bảo đảm tương lai an toàn.

WHO đã thực hiện chương trình báo cáo Hệ thống giám sát sử dụng và kháng kháng sinh toàn cầu (GLASS) vào năm 2018. Khi đó, mới chỉ có 729 khu vực ở 22 quốc gia tham gia vào hệ thống giám sát này. Hàng năm, số lượng quốc gia tham gia hệ thống khảo sát đã tăng lên theo cấp số nhân. Chỉ trong 3 năm, GLASS hiện đã tổng hợp dữ liệu từ hơn 64.000 địa điểm giám sát với hơn 2 triệu bệnh nhân ở 66 quốc gia trên toàn thế giới.

TS. Balkhy - trợ lý Tổng giám đốc WHO về vấn đề kháng kháng sinh, cho hay: “Hướng dẫn rõ ràng về việc sử dụng kháng sinh trong đại dịch COVID-19 sẽ giúp các quốc gia vượt qua COVID-19 hiệu quả và ngăn chặn sự xuất hiện AMR”.

TS.Balkhy cho rằng phải tăng cường hợp tác và đối tác toàn cầu, bao gồm giữa khu vực công và tư nhân để cung cấp khuyến khích tài chính và phi tài chính nhằm phát triển các loại thuốc kháng sinh mới. Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc nào được khuyến nghị để ngăn ngừa hoặc điều trị COVID-19 một cách đặc hiệu. Những người bị nhiễm virus cần được cách ly chăm sóc thích hợp để làm giảm và điều trị triệu chứng. Người bị bệnh nặng cần được chăm sóc hỗ trợ tối ưu vẫn là biện pháp đang được thế giới áp dụng để “đối phó” với căn bệnh này.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang