Dùng thuốc tân dược không rõ nguồn gốc: Hậu quả khôn lường
Phố thương mại Paradise Walk - điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư
VinFast và IRONMAN công bố hợp tác toàn cầu
Theo đó, trong lúc tuần tra kiểm soát chống buôn lậu trên địa bàn TP.Châu Đốc, khi đến tỉnh lộ 995A, khóm Vĩnh Chánh, phường Châu Phú A, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phát hiện đối tượng điều khiển xe mô tô có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành dừng phương tiện kiểm tra.
Vừa phát hiện Tổ công tác, đối tượng tăng ga bỏ chạy, khi đến khu vực hẻm 89, khóm 1, phường Châu Phú A, đối tượng liền ném một thùng giấy xuống đường nhằm ngăn cản sự truy đuổi của Tổ công tác.
Tiến hành kiểm tra thùng giấy trên, Tổ công tác phát hiện bên trong chứa 3.000 vỉ (10 viên/01vỉ = 30.000 viên) thuốc tân dược hiệu BROMALEX (loại 6mg) xuất xứ nước ngoài, nghi vấn thuốc nhập lậu.
Tổ công tác tiến hành bàn giao vụ việc cho Công an TP.Châu Đốc lập biên bản tạm giữ số thuốc tân dược trên để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ xử lý theo quy định.
Trước đó, Tổ công tác thuộc lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy, Công an huyện Chợ Mới trong lúc tuần tra kiểm soát chống buôn lậu, khi đến khu vực ấp Long Hòa, thị trấn Chợ Mới phát hiện một đối tượng đang điều khiển xe môtô 66B1- 709.70 chở hai bao hàng hóa, có dấu hiệu nghi vấn vận chuyển hàng cấm. Lập tức, Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra.
Qua kiểm tra, đối tượng khai tên Đặng Văn Vũ, sinh năm 1969, trú ấp Thạnh An, xã Tân Long, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Tiến hành kiểm tra hai bao hàng hóa Vũ đang chở, lực lượng Công an phát hiện bên trong có chứa nhiều gói thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ, trọng lượng 50kg.
Tại cơ quan Công an, Đặng Văn Vũ khai nhận vận chuyển thuê số tân dược trên cho một người lạ tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) về thị trấn Chợ Mới, khi đến khu vực trên đã bị phát hiện, bắt giữ.
Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, lượng lớn thuốc tân dược nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ được vận chuyển trót lọt vào Việt Nam tiêu thụ. Điều này sẽ gây ra nhiều nguy cơ cho người sử dụng vì mua phải dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng.
Theo cơ quan chức năng có đến hơn 80% lượng dược liệu đang lưu hành trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) và tỉ lệ dược liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng rất thấp. Thuốc tân dược giả, kém chất lượng cũng được “lách luật” đưa vào thị trường nước ta dưới dạng nhập khẩu nông sản hoặc được nhập lậu tại các vùng biên giới nên việc kiểm soát chất lượng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo các bác sĩ, nếu sử dụng phải thuốc tân dược không rõ nguồn gốc không những không mang lại hiệu quả điều trị mong muốn mà có thể gây hậu quả khôn lường cho người sử dụng như gây dị ứng, ngộ độc cấp, mạn tính, suy gan, thận, đặc biệt là đối với trẻ em từ 0-5 tuổi. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc, một vài trường hợp tử vong do biến chứng suy gan, thận trước khi tử vong do bệnh lý.
Trong số đó, tổn thương gan và thận là hai loại tác dụng phụ được khuyến cáo nhiều nhất. Các chất độc có trong thuốc tân dược có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc tích lũy dần trong cơ thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nhiều trường hợp ngộ độc kim loại nặng đã được ghi nhận sau khi sử dụng dược liệu kể cả ở người lớn lẫn trẻ em.
Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hình thức xử phạt hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điểm c Khoản 6 Điều 40 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc không được phép lưu hành.
Ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng theo quy định tại Khoản 7, buộc hoàn trả toàn bộ số tiền thu được và tiêu hủy số thuốc theo quy định tại Khoản 8 điều này.
An Nguyên (t/h)