Dược liệu Trung Quốc: Vừa dùng vừa lo rước bệnh

author 07:54 19/10/2016

(VietQ.vn) - Dược liệu giả, trộn hóa chất độc hại, chiết xuất mất hoạt chất ngày một phổ biến, gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và sức khỏe người sử dụng.

Dược liệu Trung Quốc: Vừa dùng vừa lo rước bệnhDược liệu Trung Quốc được nhập về Việt Nam khá phổ biến

Hàng lậu đắt khách

Tại hội nghị tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu của Bộ Y tế. Cục quản lý Y Dược cổ truyển cho biết, hàng năm, Việt Nam sử dụng khoảng 60 ngàn tấn dược liệu các loại. Trong đó khoảng 80 – 85% có nguồn gốc nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Nguồn cung trong nước chỉ chiếm 20%.

Trước hiện trạng trên, PV đã tìm đến xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội, không chỉ nổi tiếng với nghề buôn vải mà còn được biết đến như một chợ đầu mối dược liệu Đông y lớn nhất miền Bắc. Đến đầu xã Ninh Hiệp (xóm 8), sau những hàng bán vải rộng lớn là hàng loạt cửa hàng với mùi dược liệu xộc lên khắp cả khu phố, mỗi cửa hàng đều có hàng chục bao tải dứa đựng dược liệu.

Các mặt hàng được bày tràn lan trên mặt đất, nơi có bao dứa hoặc túi ni lông để lót, nơi để thẳng dưới mặt đất. Hai bên vỉa hè, các công nhân ngồi sơ chế thuốc. Bằng cách bỏ nguyên liệu vào chảo nóng, đổ đường vào rồi đảo đều, khoảng 10 phút là xong một mẻ. Một nữ công nhân đang sơ chế thuốc nói rằng, không biết nguyên liệu là loại gì, chỉ làm theo hướng dẫn.

Thấy có khách, một chủ cửa hàng kéo sang giới thiệu sản phẩm. Khi hỏi nấm linh chi, chủ cửa hàng giới thiệu 2 loại: Loại “xịn” giá 620 ngàn đồng/ kg, loại “Tàu” giá 300 ngàn đồng/ kg. Cả 2 đều được đóng trong bịch ni lông có in hình cờ Hàn Quốc, chữ in hoàn toàn bằng tiếng Hàn, không hề có dòng chú thích tiếng Việt nào. Chủ cửa hàng đưa ra lời khuyên, nếu muốn bán cho “khách xịn” Hà Nội thì nên mua loại 1, bỏ bao bì, tự đóng bao bì của cửa hàng. “Bán buôn không lấy bao bì, giảm cho 20 ngàn đồng, loại này bán rất chạy”, chị này nói.

Khi được hỏi về nguồn gốc của dược liệu Đông y, chị chủ cửa hàng không ngần ngại nói: “Đều nhập từ Trung Quốc cả, nhu cầu người dùng ngày một nhiều hàng trong nước không đáp ứng đủ, nguồn hàng Trung Quốc lúc nào cũng dồi dào, giá thành lại rẻ”. Hiện Trung Quốc có 2 dòng dược liệu, một loại có bảo quản lưu huỳnh, một loại không bảo quản. Về mức giá, loại có bảo quản rẻ hơn nhiều. Bên cạnh đó, dược liệu có bảo quản sẽ đẹp, mềm hơn và không bị vụn khi vận chuyển, chị này cho hay.

Dược liệu Trung Quốc: Vừa dùng vừa lo rước bệnh

Dược liệu Trung Quốc không nhãn mác có giá rẻ được bán tràn lan tại nhiều chợ đầu mối Ninh Hiệp (Gia Lâm, HN)

Dược liệu Trung Quốc: Vừa dùng vừa lo rước bệnh

 Những sản phẩm "thuốc đông y" được bán phổ biến trên thị trường nhưng hầu như không được kiểm định chất lượng

Thuốc đông y chứa chất gây ung thư

Theo số liệu của Cục quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2015 cơ quan này đã lấy 227 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm thì có tới 60% mẫu dược liệu không đạt chất lượng (không đạt chất lượng về hàm lượng, hoạt chất, làm giả dược liệu).

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền, đây là những mẫu dược liệu trong “tầm ngắm” của cơ quan chức năng bởi nhiều năm nay đã được phát hiện làm giả.

“Đây chủ yếu là các mẫu với các vị thuốc gồm Ý dĩ, Hoàng kỳ, Thăng ma, Thiên ma, Hoài Sơn vốn là những loại hay bị làm giả (sử dụng loài khác để làm vị thuốc này) nên khi kiểm nghiệm kết quả đều không đạt. Trong các mẫu này vị Huyết đằng cũng được lấy mẫu kiểm tra vì mỗi nơi sử dụng một kiểu khác nhau. Còn Khương hoạt thì hầu hết các mẫu đều cho thấy đã bị chiết hết hàm lượng, nên khi kiểm tra định lượng không tìm thấy chất trong loại thuốc này”, bà Phương nói.

Cũng trong đợt tiến hàng lẫy mẫu kiểm tra này có hai sản phẩm dược liệu là hồng hoa và chi tử. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy: Trong số 57 mẫu chi tử được kiểm nghiệm có đến 27 mẫu (chiếm hơn 50%) có chứa chất phẩm màu rhodamine B, với các hàm lượng khác nhau. Rhodamine B là hóa chất nhuộm màu phát quang, có khả năng gây độc cấp tính tới hệ thần kinh, gây độc trên da, thậm chí có thể gây ung thư.

Ngoài các mẫu do Cục Quản lý Y dược cổ truyền trực tiếp lấy, thời gian qua rất nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc đông y cũng đã gửi mẫu dược liệu hồng hoa, chi tử đến để kiểm nghiệm chất lượng.

“Qua kiểm nghiệm bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao, tỷ lệ mẫu chi tử có chứa chất phẩm màu rhodamine B chiếm tỷ lệ khá cao. Bên cạnh đó số mẫu dược liệu, đông dược được kiểm nghiệm có chứa những chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng chiếm tỷ lệ trung bình từ 8 - 10%. Nhiều sản phẩm đông dược có chứa tân dược như corticoid (giảm đau), chlopheniramin (chống dị ứng), paracetamol (hạ sốt)... rất nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh”, bà Phương chia sẻ thêm.

Trước sự “bát nháo” của thị trường dược liệu Đông y, các chuyên gia khuyến cáo người dùng không tự ý mua thuốc về dùng cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ, lương y. Nên mua tại các cơ sở đảm bảo có giấy phép kinh doanh.

Phát hiện 90% thuốc Đông y Trung Quốc có độc tố(VietQ.vn) - Các quốc gia trên thế giới liên tục phát hiện chất độc nguy hiểm trong thuốc Đông y Trung Quốc.

Tuấn Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang