Duy trì kiểm tra đột xuất để đảm bảo chất lượng xăng dầu

author 09:51 01/12/2019

(VietQ.vn) - Ông Trần Quốc Tuấn cho rằng, trong quá trình thực hiện các điều chỉnh về mặt chính sách, các lực lượng chức năng cần phải tiếp tục duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất để đảm bảo chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Ngành chức năng “mạnh tay” với vi phạm xăng dầu

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, những thủ đoạn gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu ngày càng ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

Đơn cử như năm 2017, lực lượng QLTT đã phát hiện vụ pha chế và tiêu thụ 2 triệu lít xăng dầu ở địa bàn Nghệ An; gần đây nhất trong năm 2019, Công an tỉnh Đăk Nông đã triệt phá được một đường dây pha chế xăng giả xăng pha với chất dung môi hòa với chất tạo màu để tạo thành xăng RON95 và xăng E5. Riêng từ đầu năm 2018, lực lượng QLTT các địa phương đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến xăng dầu với gần 5.000 cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm hơn 1.000 vụ việc, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm và 1 cây xăng.

“Những hành vi vi phạm điển hình liên quan đến xăng dầu kém chất lượng thường xảy ra ngoài hệ thống phân phối chính thức. Nhiều đại lý vẫn kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực. Qua kiểm tra, có đến 50% mẫu xăng RON95 và gần 1% xăng E5 ở một vài cửa hàng không đạt kết quả theo tiêu chuẩn kỹ thuật”, ông Linh nêu thực trạng.

Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục TCĐLCL) cùng đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra một cơ sở kinh doanh xăng dầu có vi phạm tại Bắc Giang hồi tháng 11/2017. Ảnh: Huy Hùng

 

Là cơ quan có chức năng kiểm tra chất lượng xăng dầu, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KH&CN) cũng cho biết, theo quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa nói chung, công tác đối với kiểm tra kiểm soát chất lượng xăng dầu, Bộ KH&CN là đơn vị chịu trách nhiệm chính kiểm tra về chất lượng trong nhập khẩu.

Toàn bộ xăng dầu nhập khẩu chính ngạch phải thông qua kiểm tra nhà nước bởi chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Sau khi đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì bắt đầu được phép đưa vào lưu thông thị trường Việt Nam. Xăng dầu sản xuất trước khi đưa ra thị trường phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật mới được đưa ra thị trường.

Đối với xăng dầu lưu thông trên thị trường được thực hiện công tác kiểm tra: Bộ KH&CN ban hành Thông tư 15/2015/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, trong đó có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề phải đảm bảo chất lượng xăng dầu. Trong suốt quá trình từ nhập khẩu cho đến lúc đưa về các địa điểm thương nhân phân phối, đại lý, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ có quy định quản lý chặt chẽ tất cả các khâu để đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó cơ quan Nhà nước sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện vi phạm và xử lý. Theo quy định này, hằng năm, ngoài việc thực hiện kiểm tra định kỳ, có kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề.

Cũng theo ông Trần Quốc Tuấn, trong năm 2018, Bộ KH&CN đã tổ chức các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng tại 2.723 cơ sở đã phát hiện 113 cơ sở kinh doanh xăng dầu có vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng. Trong năm 2019, qua kiểm tra đột xuất trên thị trường, Bộ KH&CN cũng đã phát hiện ra một số cửa hàng xăng dầu vi phạm chất lượng tại khu vực Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang và có những cửa hàng đã bị xử phạt trên 200 triệu đồng, tịch thu hàng hóa và yêu cầu là các biện pháp bổ sung, tái chế các lô hàng vi phạm, ngừng sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu có thời hạn.

Cần sự chung tay từ nhiều phía

Nói về giải pháp ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, sản xuất, phân phối xăng dầu kém chất lượng, từ góc độ công tác quản lý, ông Trần Quốc Tuấn khẳng định, xăng dầu nhập khẩu chính ngạch và đã qua kiểm soát chất lượng và xăng dầu của các cơ sở sản xuất đã thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và thực hiện đầy đủ các yêu cầu của pháp luật về quản lý đo lường chất lượng kinh doanh xăng dầu thì xăng dầu đó đảm bảo chất lượng để đưa ra thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trên thị trường vẫn còn tình trạng xăng dầu kém chất lượng, thậm chí là xăng dầu giả do tình trạng gian lận trong kinh doanh và pha chế trái phép diễn ra trên thị trường. 

"Cái khó là trong lúc chờ đợi kết quả kiểm nghiệm thì xăng dầu vẫn phải lưu thông liên tục khi mà phát hiện ra sai phạm về chất lượng thì lúc đó xăng trong bồn đã tiêu thụ hết gây khó khăn trong vấn đề xử lý tang vật. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự điều chỉnh về mặt chính sách cũng như phối hợp giữa các bên thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng này. Nhưng trong khi chờ điều chỉnh, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục duy trì và thường xuyên hoạt động kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất để đảm bảo chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường”, ông Tuấn cho biết.  

Ông Trần Quốc Tuấn cho rằng, cần  tiếp tục duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất để đảm bảo chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. Ảnh: Huy Hùng

Theo ông Trần Hữu Linh, do hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn thông tin cũng như quy chế, cách thức phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt nên thời gian qua đã không phát hiện kịp thời các vụ vi phạm về chất lượng xăng dầu thì xăng dầu. Điều này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh cả về mặt chính sách cũng như cách phối hợp giữa các lực lượng thì mới ngăn chặn có hiệu quả gian lận thương mại xăng dầu trong thời gian tới.

“Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 12 này thì sẽ có Nghị định mới quy định về xử lý hành chính trong lĩnh vực xăng dầu và khí gas. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang tiến hành các quy trình để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83. Với những chính sách mới này được hi vọng là những chế tài đủ sức răn đe để hạn chế các hành vi buôn lậu,gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu”, ông Linh cho biết.

Còn ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đề xuất, các lực lượng chức năng cần phải thực hiện hết trách nhiệm cũng như rất quyết liệt mới nâng cao được công tác chống buôn lậu xăng dầu, từ tuyến biên giới, ngoài biển đến vào sâu trong đất liền. Điểm nữa là phải tăng cường thông tin, phát động quần chúng nhân dân chủ động, mạnh dạn tố giác những đối tượng như cửa hàng xăng dầu nghi vấn qua đường dây nóng của lực lượng quản lý thị trường.

Mặt khác theo ông Tiến, nếu có sửa đổi Nghị định cũng cần có quy định chặt chẽ việc hợp tác kiểm tra của các lực lượng chức năng đối với các thương nhân đầu mối, nhưng điều này cũng phải tránh chồng chéo, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp. “Tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ các đơn vị phân phối, bán lẻ cuối cùng để hạn chế tình trạng các cây xăng mua xăng dầu không có nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bán cho người tiêu dùng để thu lợi bất hợp pháp luật”, ông Tiến đề xuất.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc kinh doanh xăng dầu kém chất lượng hiện nay, ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho rằng, việc buôn bán xăng giả, xăng kém chất lượng chủ yếu xảy ra ở các cửa hàng nhỏ lẻ khi vẫn còn tình trạng bán lẻ xăng dầu không xuất hóa đơn, nhất là đối với những khách hàng mua nhỏ lẻ ít khi có nhu cầu lấy hóa đơn. Điều này khiến cho các đại lý xăng dầu rất dễ hợp thức hóa khi mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường.

Mặt khác, nguồn xăng dầu từ nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu, sản xuất pha chế của doanh nghiệp hiện nay vẫn thông qua qua phương tiện vận tải đến các hộ tiêu thụ trực tiếp.

“Đây chính là vấn đề phức tạp nhất và có tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất, đặc biệt là tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong bối cảnh ngày càng nhiều đường dây sản xuất, buôn bán xăng kém chất lượng, xăng không rõ nguồn gốc bị phát hiện và triệt hạ thời gian qua, thì vấn đề minh bạch xuất xứ và siết chặt quản lý chất lượng xăng dầu ngày càng trở nên cấp thiết", ông Toàn nhận định.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang