ESG - chuẩn 'xanh' cho doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm

author 14:29 20/12/2023

(VietQ.vn) - Các giải pháp hướng đến thị trường sản phẩm nông nghiệp xanh, bền vững được xem là “chìa khóa” quan trọng để thực hành ESG trong nông nghiệp, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu.

Ngày 20/12, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị "Tiêu chuẩn xanh cho doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm". Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm tiếp cận xu hướng xanh hóa thông qua việc cải thiện chỉ số ESG trong quá trình sản xuất, hướng đến năng lượng xanh, sản xuất xanh, tăng trưởng xanh nhằm tăng chỉ số ESG giúp doanh nghiệp phát triển, tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu.

 Ông Trương Vĩnh Khang, Trưởng bộ phận phát triển bền vững BSI Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC cho biết, ESG (môi trường – xã hội – quản trị) đang dần trở thành một trong những thước đo tiêu chuẩn để đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp và là chìa khóa phát triển mạnh mẽ và dài hạn trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn ESG này còn khá mới với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Theo ông Lữ, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào chiến lược kinh doanh. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống từng bước thực hiện phát triển bền vững như sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, quan tâm đến phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt tập trung vào sản xuất sản phẩm xanh và sản phẩm được gắn nhãn xanh bởi tổ chức uy tín trong nước.

Trong đó, sản phẩm xanh là sản phẩm đáp ứng 4 tiêu chí, gồm: sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn cho môi trường và sức khỏe thay thế sản phẩm độc hại, sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng (ít chất thải, sử dụng năng lượng tái sinh, ít chi phí bảo trì), sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe.

Các giải pháp sử dụng bao bì thực phẩm xanh, thân thiện môi trường thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp sản xuất.

Tuy nhiên, việc phát triển ESG của doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm xây dựng công cụ hỗ trợ doanh nghiệp kiểm kê khí nhà kính và xuất báo cáo; giải pháp tối ưu hóa quy trình vận chuyển và quản lý chuỗi cung ứng một cách bền vững thông qua các chứng chỉ Carbon, ESG; thúc đẩy phát triển ngành sản xuất bao bì thực phẩm xanh, thân thiện với môi trường…

Tại hội thảo, các khách mời tham dự đã được các chuyên gia chia sẻ về xu thế ESG toàn cầu, các mức độ ảnh hưởng và chiến lược chính cho ngành thực phẩm thực hiện ESG, các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp kiểm kê khí nhà kinh và xuất báo cáo. Ngoài ra, các giải pháp để tối ưu hóa quy trình vận chuyển và quản lý chuỗi cung ứng một cách bền vững thông qua chứng chỉ carbon, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường cũng là các giải pháp được đề cập tới nhằm hướng đến một thị trường sản phẩm nông nghiệp xanh, bền vững.

Ngọc Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang