EU ra quy định mới về dư lượng hóa chất trong nông sản, thực phẩm

author 07:19 11/03/2023

(VietQ.vn) - Ủy ban châu Âu vừa ban hành quy định mới liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) đối với hoạt chất isoxaben, novaluron và tetraconazole trong hoặc trên một nông sản thực phẩm.

Cụ thể, các sản phẩm nông sản, thực phẩm như rau, củ, quả tươi và đông lạnh; Nhóm các loại hạt điều, cà phê, chè, nhóm sản phẩm gia vị, ngũ cốc, hạt có dầu và sản phẩm động vật trên cạn thịt các loại, trứng sữa, mật ong…

Mức MRL các hoạt chất trên các loại sản phẩm khác nhau từ 0,01 mg/kg. Tuy nhiên, EU cũng đưa ra mức quy định dư lượng MRL của một trong các hoạt chất trên từ 0,05 mg/kg, 0,07 thậm chí 1,5 mg/kg trong các nhóm sản phẩm như: rau, củ, rau gia vị, thịt và nội tạng động vật. Năm 2023, EU tập trung sửa đổi rất nhiều quy định MRL tại Quy định (EC) số 396/2005. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 26/9/2023.

Cùng với đó, Ủy ban châu Âu ban cũng ban hành Quy định mới liên quan đến mức MRL asen tối đa trong một số loại thực phẩm như: gạo, các sản phẩm chế biến từ gạo, thực phẩm dinh dưỡng trẻ em, nước hoa quả, sản phẩm hoa quả cô đặc, muối. Ngưỡng MRL Asen dao động từ 0,01 đến 0,15 mg/kg sản phẩm. Quy định này áp dụng trực tiếp trên tất cả thành viên EU và có hiệu lực từ ngày 26/3/2023.

Ủy ban châu Âu ban hành Quy định mới liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) đối với hoạt chất isoxaben, novaluron và tetraconazole 

 

Trước đó, Ủy ban châu Âu cũng ban hành Quy định 2023/174 sửa đổi Quy định 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp đối với một số hàng hóa được nhập khẩu vào EU.

Cụ thể, quy định sửa đổi một số mặt hàng của Việt Nam như sau: mì ăn liền có chứa gia vị, bột nêm hoặc nước sốt, quả thanh long sẽ có tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật là 20%; đậu bắp và ớt chuông thuộc giống capsicum vẫn duy trì tần suất kiểm tra là 50%. Đây không phải là điểm mới.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, các điểm mới trong qui định này là đậu bắp sản xuất tại Việt Nam bị yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật do phía Việt Nam cấp. Song cũng theo qui định mới, 4 sản phẩm của Việt Nam là mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà được EU gỡ bỏ kiểm soát, không còn bị kiểm soát ở mức 50% khi xuất khẩu vào thị trường EU như trước đây.

Điều đáng lưu ý, theo bà Thuý, định kỳ 6 tháng một lần, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu họp để xem xét, đánh giá mức độ vi phạm về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của các quốc gia xuất khẩu vào EU. Sau đó, Ủy ban châu Âu sẽ thông báo những thay đổi trong quy định về các biện pháp kiểm soát. Có những sản phẩm bị tăng cường kiểm soát, có sản phẩm được loại bỏ kiểm soát.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU cần lưu ý các ngưỡng kiểm soát để không vi phạm. Vì chỉ vài doanh nghiệp vi phạm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành hàng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu đã ban hành Quy định 2022/741 kiểm soát mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa và đánh giá mức độ phơi nhiễm của người tiêu dùng đối với dư lượng thuốc trừ sâu trên và trong thực phẩm có nguồn gốc động vật. Các quốc gia thành viên sẽ lấy và phân tích mẫu cho các tổ hợp thuốc trừ sâu được nêu trong quy định. Các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra là cam, táo, chuối, kiwi, bưởi, hành tây, cà rốt, bông cải xanh, cải bắp, đậu, ớt, gạo xát vỏ, mỡ gia cầm, sữa bò, trứng gà…

Ngoài việc kiểm tra tại cửa khẩu, các sản phẩm này sẽ bị hậu kiểm, lấy ngẫu nhiên hàng tại siêu thị để kiểm tra. Nếu có dấu hiệu vi phạm, cơ quan hữu quan sẽ đến kho hàng nhập khẩu để tiếp tục kiểm tra. "Sản phẩm vi phạm bị thu hồi và phải đăng tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh hàng hóa của Việt Nam trong khi việc xây dựng hình ảnh tại các thị trường khó tính này vốn đã rất khó khăn”, bà Thúy nhấn mạnh.

 Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang