EU yêu cầu kiểm tra chất lượng, hiệu quả của vaccine đối với các biến thể mới của SARS-CoV-2

author 12:36 13/02/2021

(VietQ.vn) - Cơ quan Quản lý dược phẩm (EMA) của Liên minh châu Âu (EU) đề nghị các nhà sản xuất kiểm tra chất lượng, hiệu quả của các sản phẩm vaccine trong việc bảo vệ con người trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Cụ thể, EMA cho biết cơ quan này đang soạn thảo một bản hướng dẫn mới dành cho các nhà sản xuất đang lên kế hoạch điều chỉnh vaccine hiện tại để ứng phó với các biến thể mới của virus. Để cân nhắc các khả năng thử nghiệm và phát triển vaccine có hiệu quả với các biến thể mới, EMA "đã đề nghị tất cả các hãng dược điều tra xem liệu vaccine của họ có thể bảo vệ con người chống lại các biến thể mới của virus hay không". Các biến thể mới này bao gồm cả các biến thể đã được xác định tại Anh, Nam Phi và Brazil.

EMA cũng đề nghị các nhà phát triển "công bố các dữ liệu liên quan", đồng thời cho biết "có nhiều lo ngại rằng một vài biến thể mới có thể tác động ở mức độ khác nhau đến khả năng vaccine bảo vệ con người trước dịch bệnh". Tuy nhiên, EMA cũng nói rõ rằng thông tin về việc vaccine giảm hiệu quả bảo vệ đối với bệnh thể nhẹ "không đồng nghĩa với việc giảm khả năng bảo vệ đối với các thể nặng", vì vậy "cần có thêm bằng chứng".

Ảnh minh họa

Đến nay, EMA đã phê chuẩn 3 vaccine để sử dụng trong Liên minh châu Âu (EU), gồm vaccine của các hãng dược Pfizer/BioNTech (Mỹ - Đức), Moderna (Mỹ) và AstraZeneca/Oxford (Thụy Điển - Anh).

Về các cam kết liên quan tới tính hiệu quả của vaccine, trước đó, hãng Pfizer/BioNTech cho biết vaccine của họ vẫn hiệu quả đối với các biến thể mới và các phát hiện sơ bộ "không cho thấy cần một vaccine mới". Moderna cũng thông báo các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy vacine của họ bảo vệ tốt trước các biến thể được phát hiện tại Anh và Nam Phi. Còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định vaccine của AstraZeneca/Oxford có thể sử dụng cho người trên 65 tuổi "trong trường hợp các biến thể xuất hiện".

Trước đó, truyền thông tiết lộ nội dung thư của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, trong đó viết rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể sử dụng "các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo sản xuất và cung cấp vaccine hiệu quả cho dân EU".

Việc xuất khẩu vaccine sẽ cần tới giấy phép đặc biệt của EU và họ sẽ chỉ cấp phép sau khi đảm bảo các nhà sản xuất giao đủ liều cho những nước trong liên minh theo hợp đồng. Hai quan chức trên cho biết các trường hợp như các nước nghèo và chương trình COVAX hoặc cơ chế phân phối vaccine quốc tế do WHO đồng dẫn dắt thì được miễn trừ và không cần xin giấy phép.

Covid-19 bùng phát hồi tháng 12/2019, xuất hiện tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 102 triệu ca nhiễm, 2,2 triệu ca tử vong và hơn 74 triệu người đã bình phục. Châu Âu là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch, với 4 quốc gia thành viên EU nằm trong nhóm 10 nước ghi nhận số ca nhiễm cao nhất thế giới là Pháp, Tây Ban Nha, Italy và Đức.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang