Giá cà phê cao kỷ lục trong gần 30 năm qua

author 11:40 11/11/2023

(VietQ.vn) - Niên vụ 2022-2023 được xem là năm thắng đậm của toàn ngành cà phê từ nông dân đến doanh nghiệp do giá bán tăng cao nhất trong gần 30 năm qua.

Chiều ngày 10/11, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã tổ chức hội nghị tổng kết niên vụ 2022-2023 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2023-2024.

Báo cáo tại hội nghị "Tổng kết niên vụ cà phê 2022 - 2023 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2023 - 2024", ông Đỗ Xuân Hiền - Chánh Văn phòng Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, mặc dù giá cà phê trong năm 2023 tăng cao nhưng nhiều diện tích cà phê đã chuyển đổi cây trồng trước đó để trồng sầu riêng, trái cây. Bởi giá cà phê trong những năm qua xuống quá thấp nên người nông dân chưa đầu tư nhiều cho cây cà phê chỉ trừ các công ty cà phê và một số hợp tác xã. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt hiện tượng El Nino gây khô hạn, ảnh hưởng lớn đến cà phê Robusta cả nước; Chi phí đầu vào đặc biệt phân bón tăng cao cũng là một trong những nguyên do khiến giá cà phê tăng cao.

Theo đó, kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao, 60kg/bao), giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay. Như vậy, giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.

Hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2022 - 2023 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2023 - 2024 đón nhận đông đảo sự quan tâm tham gia của các chuyên gia, khách mời doanh nghiệp

Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, cà phê Robusta chiếm tỉ lệ cao nhất với 1,49 triệu tấn, kim ngạch 3,25 tỷ USD, cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 41.500 tấn, kim ngạch 169 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein 36.000 tấn, kim ngạch 136 triệu USD. Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch khoảng 510 triệu USD (khối lượng chiếm khoảng 5,4% và kim ngạch chiếm khoảng 12,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ cà phê 2022- 2023).

So với niên vụ trước, niên vụ này cà phê Robusta xuất khẩu tăng khoảng 0,7% về khối lượng và tăng 10,8% về kim ngạch. Đồng thời, cà phê nhân đã khử cafein cũng tăng cả về khối lượng lẫn kim ngạch lần lượt khoảng 38,3% và 77,0%. Trong khi đó, cà phê Arabica giảm khoảng 30,7% về khối lượng và giảm 34,9% về kim ngạch. Cùng với đó, cà phê rang xay, hòa tan cũng giảm cả về khối lượng lẫn kim ngạch lần lượt khoảng 2,5% và khoảng 14,7%.

Về tình hình nhập khẩu, lãnh đạo VICOFA nhấn mạnh, kết thúc niên vụ 2022-2023, tổng khối lượng cà phê Việt Nam đã nhập khẩu từ các nước khác trên thế giới khoảng 102.100 tấn với giá trị 299,6 triệu USD, tăng hơn 14% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với niên vụ 2021-2022.

Trong đó, nhập khẩu cà phê nhân trong niên vụ 2022-2023 là 98.600 tấn, giá trị lên tới 246 triệu USD, tăng 19,1% về khối lượng và tăng 23,1% về kim ngạch so với niên vụ 2021-2022.

Trong khi đó, nhập khẩu cà phê chế biến trong niên vụ 2022-2023 khoảng 3.500 tấn, giá trị hơn 53 triệu USD, giảm 45,8% về khối lượng và giảm 28,6% về giá trị so với niên vụ 2021-2022.

Việt Nam nhập khẩu cà phê chủ yếu từ các nước: Lào, Indonesia, Brazil, Bỉ, Colombia, Đức, Papua New Guinea, Ấn Độ, Peru, Thái Lan, Honduras, Singapore,...

Ở một diễn biến khác, tình hình tiêu thụ cà phê nội địa đã có những bước phát triển mạnh trong trong những năm qua. Trong giai đoạn 2015-2020 tốc độ phát triển bình quân 3,94%/năm. Tổng số lượng cà phê tiêu thụ nội địa từ 158.000 tấn năm 2015 lên 220.000 tấn năm 2022. Tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 1,7kg năm 2015 lên 2,2kg năm 2022. Dựa theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tình hình tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025-2030 với tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/năm, đến năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000 - 300.000 tấn/năm.

Theo báo cáo thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam do iPOS thực hiện), đến hết năm 2022 Việt Nam có 338.600 nhà hàng/quán cà phê, giai đoạn 2016 - 2022 với tốc độ tăng hàng năm (CAGR) khoảng 2%, so với 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) thị trường đã có thêm 18.000 nhà hàng/quán cà phê mới. Như vậy, ngành cà phê xuất khẩu có thêm những điều kiện để giữ vững vị thế và chủ động cung cầu để mang về giá trị cao nhất.

VICOFA dự báo, niên vụ cà phê 2023 - 2024 sẽ thu hoạch muộn hơn niên vụ trước. Một số địa phương như Gia Lai, Kon Tum, Sơn La sẽ thu hoạch cà phê sớm hơn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, thu hoạch rộ cuối tháng 12 và tháng 12/2023.

Về sản lượng, VICOFA dự báo niên vụ cà phê 2023-2024 sản lượng giảm 10%. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái. Bên cạnh đó, do giá cà phê đang có xu hướng giảm nên một số vùng có hiện tượng hái xanh ảnh hưởng lớn đến chất lượng cà phê đầu niên vụ.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang