Giá gạo Việt Nam liên tục đột phá thị trường mới

author 21:00 28/07/2022

(VietQ.vn) - Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Pakistan đang có nhiều phiên giảm sâu. Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam ổn định và đang ở mức cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay.

Cụ thể, ngày 26/7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 413 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 13 USD/tấn, hơn gạo Ấn Độ 70 USD/tấn. Còn với gạo 25% tấm, gạo của Việt Nam ở mức 393 USD/tấn.

Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức 3,5 triệu tấn (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước), đạt khoảng 1,72 tỷ USD. Trong đó, Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu, chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước.

Đặc biệt, thời gian qua, gạo Việt liên tục mở rộng sang các thị trường mới, cao cấp như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc. Vào đầu tháng 7, lần đầu tiên 100 tấn gạo ST25 Việt Nam được quảng bá, bày bán chính thức tại các siêu thị, cửa hàng tại thị trường Nhật Bản, đánh dấu mốc quan trọng khi gạo Việt Nam chính thức xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình Nhật.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA cho rằng, do ảnh hưởng xung đột giữa Nga-Ukraine nên thị trường lương thực thế giới đang biến động mạnh. Nguồn cung lương thực khan hiếm, tạo điều kiện cho gạo Việt xuất khẩu.

 Giá gạo Việt Nam liên tục đột phá thị trường mới. Ảnh minh họa

Theo ông Nam, nhu cầu thị trường gạo Việt 6 tháng cuối năm vẫn rất tốt, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng. Tuy vậy, theo ông doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược phù hợp.

Ngoài ra, tại một số thị trường khác thuộc Liên minh châu Âu, dù hiện nay lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều nhưng lại có yêu cầu rất cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này.

Đề cập về giải pháp xuất khẩu gạo bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, ngành sản xuất lúa gạo đang được thúc đẩy tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững với việc tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam.

Do đó, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các địa phương, DN tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đồng thời tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh.

Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn lực về tài chính, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững với các chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, như: SRP, GlobalGAP, VietGAP…

Để đạt mục tiêu về đích xuất khẩu gạo năm 2022 với 6,3 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và DN xuất khẩu gạo cần tiếp tục đảm bảo việc thu mua lúa gạo cho nông dân, không để lúa gạo tắc đầu ra sau thu hoạch.

Đặc biệt, DN cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang