Giá sữa sau áp trần “đâu vẫn vào đấy”

author 17:41 11/08/2014

Sau một thời gian dài thực hiện áp trần giá sữa theo quy định của Bộ Tài chính, kết quả “dậm chân tại chỗ”, “đâu vẫn vào đấy”.

Sự kiện: Giá sữa, Thông tin giá sữa trên thị trường

Việc thay đổi mẫu mã sản phẩm là một chiêu lách luật tinh vi trong rất nhiều chiêu của các DN kinh doanh sữa. Và các ông bố bà mẹ vẫn phải “cắn răng” mua sữa mặc dù giá còn cao hơn trước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, biện pháp áp giá trần hiện nay chỉ là biện pháp tạm thời trong khi không có cách nào để quản lý được con ngựa bất kham này.

Áp trần giá sữa ... “đâu vẫn vào đấy” 

Khi có quy định áp trần giá sữa của Bộ Tài chính, những bậc phụ huynh đã kỳ vọng vào một chính sách mới sẽ giảm bớt được gánh nặng kinh tế. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tháng thực hiện, giá sữa dường như vẫn là con ngựa bất kham và gánh nặng đó nay còn nặng hơn.

 

Áp trần giá sữa nhưng vẫn không đem lại được kết quả khả quan, chỉ là biện pháp tạm thời

Áp trần giá sữa nhưng vẫn không đem lại được kết quả khả quan, chỉ là biện pháp tạm thời. Ảnh: baomoi.com

Có một thực tế hiện nay nếu để ý thì rất dễ nhận ra, đó là 25 mặt hàng sữa được Bộ Tài chính quy định áp trần giá sữa dường như đã “bốc hơi” khỏi thị trường và thay vào đó là những sản phẩm có mẫu mã mới… nhưng thành phần hầu như không khác gì những mẫu mã cũ. Và ngay cả những sản phẩm không nằm trong diện bị áp giá trần cũng vậy.

Đã xuất hiện một nghịch lý ở đây, đó là những sản phẩm mới được các hãng sữa tung ra có giá chênh lệch với sản phẩm cũ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng, trong khi chất lượng vẫn vậy. Sau ngày áp trần giá sữa, hãng Mead Johnson đã góp mặt thêm dòng sản phẩm mới “3600 Brain Plus”: Enfamil A+ 3600 Brain Plus, Enfa Grow A+ 3600 Brain Plus với giá bán lẻ cao hơn loại thường từ 80.000 - 100.000 đồng/hộp.

Và sau khi dòng sữa mới được ra mắt thì sữa thường đã trở nên “hiếm hoi” tại các đại lý và các siêu thị bán lẻ. Khi được hỏi, một nhân viên của cửa hàng bán lẻ trên phố Lãn Ông quảng cáo: “Giờ cửa hàng chỉ còn bán loại Enfamil và Enfa Grow loại mới thôi, mà cũng chẳng còn mấy hàng bán loại cũ nữa.

Bạn Hoàng Thu Hương cho biết, hai vợ chồng Hương đều là công chức Nhà nước, thu nhập trung bình của cả hai khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với 2 cháu nhỏ, một tháng Hương phải mua hết 5 triệu đồng tiền sữa, đó là một áp lực kinh tế không hề nhỏ với hai vợ chồng chị. Khi nghe tin Bộ Tài chính áp trần giá sữa, chị đã hy vọng áp lực này sẽ được giảm bớt, tuy nhiên đến thời điểm này chị cảm thấy hoàn toàn thất vọng bởi giá chẳng hề giảm mà ngược lại còn tăng.

“Cứ theo kiểu tăng giá sữa như thế này, em đang tìm sản phẩm sữa nội cùng loại cho con uống, vì giá cả rẻ hơn rất nhiều và thành phần cũng không khác nhau là mấy. Hy vọng con em sẽ hợp với sữa nội để bố mẹ đỡ được phần nào”, Hương chia sẻ thêm.

Bất kỳ một ông bố, bà mẹ nào cũng muốn con mình có được điều kiện phát triển tốt nhất và mua những sản phẩm sữa tốt nhất dành cho con. Tuy nhiên, với giá sữa như hiện nay, thì nó đang trở thành một món hàng “xa xỉ” đối với những gia đình có mức thu nhập như Hương.

Lý giải của cơ quan quản lý về giá sữa sau khi thực hiện áp trần

Trước thực trạng trên, các cơ quan quản lý dường như đã bó tay. Bởi, các cơ quan quản lý cũng “mù tịt” không hiểu chi phí thực để sản xuất là bao nhiêu và mặc định thừa nhận những gì được kê khai trên bảng kê khai đăng ký giá của các DN gửi đến. Và điều này cũng đồng nghĩa với đồng ý cho DN tự đưa ra mức giá cho các sản phẩm bán ra thị trường.

Bởi vậy mà mới đây, trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 7, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính đã phát biểu: “Chúng tôi thấy rằng 2 dòng sản phẩm này hoàn toàn khác nhau và việc hình thành giá cũng khác nhau, do vậy khi lựa chọn các dòng sản phẩm thì người tiêu dùng cũng chọn các dòng sản phẩm cho phù hợp với khả năng tài chính của mình để không bị thiệt hại trong quá trình sử dụng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi”.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thay đổi mẫu mã sản phẩm là một chiêu lách luật tinh vi trong rất nhiều chiêu của các DN kinh doanh sữa. Và các ông bố bà mẹ vẫn phải “cắn răng” mua sữa mặc dù giá còn cao hơn trước.

 

Các cơ quan quản lý cần có lời giải thích về giá sữa sau khi thực hiện áp trần

Các cơ quan quản lý cần có lời giải thích về giá sữa sau khi thực hiện áp trần. Ảnh: vietnamnet.vn

Đứng ở khía cạnh quản lý, các chuyên gia kinh tế cho rằng, biện pháp áp giá trần hiện nay chỉ là biện pháp tạm thời trong khi không có cách nào để quản lý được con ngựa bất kham này. Tuy nhiên để thực sự quản lý được giá sữa một cách chính xác và lâu dài, chúng ta có thể “học” kinh nghiệm từ các nước khác. Các cơ quan quản lý cần có các biện pháp mạnh tay hơn, họ cần phải hiểu một cách tường tận mới có thể quản lý được.

Cần phải thực hiện công tác thanh kiểm tra chặt chẽ đầu vào của những nguyên liệu để cấu thành nên một sản phẩm sữa, từ đó nắm rõ chi phí thực của sản phẩm để áp được mức giá hợp lý. Ngoài ra, có chế tài phạt nặng những DN cố tình lách luật, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa DN sản xuất sữa trong nước và nước ngoài.

Thiết nghĩ, ngay từ lúc này, các cơ quan quản lý và những người có trách nhiệm hãy cùng nhìn lại và có những biện pháp kịp thời. Đừng để lợi ích của một số DN, một số nhóm người mà thế hệ mai sau của đất nước không có được điều kiện phát triển tốt nhất.

Theo baomoi.com


 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang