Gia tăng trẻ mắc bệnh tự kỷ do sử dụng thiết bị điện tử nhiều

author 11:24 08/02/2022

(VietQ.vn) - Theo kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết, ở độ tuổi lên 3 có 392 trẻ tự kỷ (chiếm 0,4%), trong đó 76% bé trai được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ (autism spectrum disorder) là một rối loạn bao gồm các biểu hiện lâm sàng đặc trưng với khả năng thiếu hụt về kỹ năng xã hội, các hành vi lặp lại và thiếu hụt hay thậm chí không có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ. Ngoài các biểu hiện nêu trên, trẻ tự kỷ còn có thể có những biểu hiện lâm sàng khác như co giật, động kinh, rối loạn vị giác, âm thanh, giấc ngủ, tăng động giảm chú ý, có vấn đề về hệ tiêu hóa, thường xuyên lo lắng, bồn chồn...vv.

Theo ghi nhận thì số lượng trẻ mắc tự kỷ được phát hiện ngày càng tăng. Tỉ lệ mắc chứng tự kỷ ở nam và nữ là khác nhau. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em trai có tỉ lệ mắc cao hơn trẻ em gái, (khoảng 4 lần). Có rất nhiều nguyên nhân khiến chứng tự kỷ gia tăng, một trong số đó phải nhắc tới tình trạng trẻ sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử.

Cụ thể theo nghiên cứu mới đây  nhất của các nhà nghiên cứu Nhật Bản phát hiện những bé trai nhìn màn hình điện thoại, TV nhiều có khả năng bị rối loại phổ tự kỷ lớn hơn những trẻ ít xem.

 Tỷ lệ bé trai mắc bệnh tự kỷ nhiều hơn bé gái do sử dụng thiết bị điện tử. Ảnh: VnExpress/iStock

Nghiên cứu "Môi trường và Trẻ em Nhật Bản" được công bố mới đây trên tạp chí Jamanetwork. Các nhà khoa học đã sàng lọc hơn 84.000 cặp mẹ con trong số 100.000 phụ nữ mang thai từ tháng 1/2011 đến 3/2014, để phân tích. Kết quả cho thấy ở độ tuổi lên 3 có 392 trẻ tự kỷ (chiếm 0,4%), trong đó 76% bé trai được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

Tỷ lệ trẻ tự kỷ tăng hơn khi xem thiết bị điện tử nhiều hơn, trong đó bé trai được chẩn đoán ASD gấp ba lần bé gái. Mặc dù cả bé trai và gái đều có thời gian sử dụng thiết bị giống nhau, nghiên cứu chỉ tìm thấy mối liên quan giữa thời gian sử dụng đồ điện tử và chứng rối loạn ở bé trai.

Tác giả chính Megumi Kushima và giáo sư Zentaro Yamagata, ở Đại học Yamanashi, Nhật Bản, cho biết ngày càng có nhiều bậc cha mẹ sử dụng các thiết bị như điện thoại thông minh để nuôi dạy con cái. Tất nhiên có những lợi thế khi cho trẻ tiếp xúc công nghệ sớm nhưng một số phụ huynh cho con xem trong thời gian dài, dẫn đến thiếu sự tương tác và từ đó gây ra nhiều tác hại cho trẻ.

"Nghiên cứu này gióng lên hồi chuông báo động về việc dùng màn hình để nuôi dạy con, đặc biệt trong hai năm qua khi Covid-19 đã biến các thiết bị điện tử thành một kênh liên lạc và tương tác xã hội chính", giáo sư Kushima nói.

Phó giáo sư dịch tễ học và sức khỏe dân số Kristin Sainani, Đại học Stanford, Mỹ cho biết, nghiên cứu này chưa giải thích đầy đủ về mối liên hệ giữa màn hình và chứng tự kỷ, không cung cấp bằng chứng chắc chắn về mối liên hệ nhân quả giữa thời gian sử dụng thiết bị của trẻ sơ sinh và chứng tự kỷ.

Tuy nhiên, hai tác giả Kushima và Yamagata cho biết phát hiện của họ có ý nghĩa trong thời đại kỹ thuật số, khi mà 90% trẻ tiếp xúc với màn hình từ chưa được một tuổi. Thông qua kết quả nghiên cứu, hai chuyên gia khuyên phụ huynh nên giới hạn thời gian sử dụng thiết bị không quá một giờ mỗi ngày, ít nhất cho đến khi trẻ được một tuổi, sẽ làm giảm nguy cơ tự kỷ.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng khuyến cáo trẻ sơ sinh không nên tiếp xúc với thiết bị điện tử. Học viện Nhi khoa Mỹ cảnh báo không nên sử dụng thiết bị công nghệ cho đến 18 tháng tuổi, trừ khi trẻ trò chuyện video với người thân.

Thời gian sử dụng thiết bị là một trong những yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự khởi phát và mức độ của hội chứng tự kỷ, bên cạnh nhiều lý do môi trường khác vẫn chưa tìm ra. Ngoài ra rối loạn phổ tự kỷ còn do các yếu tố bẩm sinh, chẳng hạn như đột biến gen hay các nguy cơ trong quá trình mang thai...

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang