Nhiều nguy cơ của việc 'tự ý dùng đơn thuốc' tại nhà

author 16:47 07/01/2022

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh, hiện nay nhiều người dân đang tự ý dùng đơn thuốc tại nhà mà không kê đơn, thậm chí dùng đơn thuốc của người khác điều này vô cùng nguy hiểm.

Theo Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh, cùng với sự phát triển của xã hội, ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân cũng được nâng cao. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có hiểu biết đúng đắn trong việc sử dụng thuốc. Vẫn có tình trạng người bệnh dùng đơn thuốc của người khác (nhất là đơn thuốc tham khảo trên mạng), hoặc dùng đơn thuốc của chính mình dùng từ lâu để tự chữa bệnh. Tự dùng thuốc sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, gây nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người dùng thuốc và cộng đồng.

Thường gặp nhất là trường hợp người bệnh sau khi được bác sĩ chữa khỏi bệnh một thời gian dài, bệnh tái phát với các triệu chứng khá giống như trước, thế là họ tự ý dùng lại đơn thuốc cũ, mua thuốc dùng y hệt như trước đây. Đặc biệt, trường hợp bệnh nhi được mẹ mua thuốc theo đơn cũ để sử dụng cũng khá phổ biến.

Một số người bệnh khác khi thấy người quen đã bị bệnh có vẻ giống như bệnh của mình hiện giờ thì tìm cách mua thuốc theo đơn của người quen để tự sử dụng.

Cẩn trọng khi tự ý dùng thuốc tại nhà. Ảnh minh họa 

Tình trạng đáng báo động hơn nữa là vấn đề tự ý dùng thuốc qua thông tin trên mạng Internet. Nhiều người bệnh khi gặp các vấn đề về sức khỏe, lo lắng tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, thấy trường hợp nào giống như các triệu chứng của mình là mua thuốc theo như đơn trên mạng về sử dụng mà không cần đến bác sĩ.

Trong thực tế, việc tự ý dùng thuốc xảy ra khá phổ biến ở miền Nam trước năm 1975, các trường hợp bị cảm sơ sài nhưng lại dùng kháng sinh cloramphenicol (tên biệt dược nổi tiếng trước đây là Tifomycine) để tự chữa trị thường xuyên sau một thời gian dẫn đến tình trạng thiếu máu bất sản (loại rối loạn rất nặng do cơ thể không sinh ra được tế bào máu) và dẫn đến tử vong. Đã có nhiều trường hợp người bệnh tự ý dùng thuốc, sau đó phải nhập viện, nhẹ thì bị kích ứng da, nổi mẩn da, nặng thì sốt, hôn mê...

Những trường hợp nêu trên đều thuộc vấn đề "tự dùng thuốc” nói chung. Người bệnh gặp tác dụng không mong muốn, có thể nguy hiểm nếu: Thuốc sử dụng là thuốc thuộc loại bán theo đơn (kháng sinh và corticoid) sử dụng lâu dài sẽ gây tác dụng phụ, gây kháng thuốc. Tự ý dùng thuốc ở người hoàn toàn thiếu hiểu biết về thuốc.

Dùng thuốc không đúng che lấp dấu hiệu “cấp cứu ngoại khoa” (tức là phải được nhập viện để được mổ cấp cứu). Ví dụ, khi bị đau bụng không rõ nguyên nhân mà vội dùng thuốc chống co thắt để giảm đau, bụng hết đau nhưng bệnh vẫn còn (như viêm ruột thừa, chửa ngoài tử cung...), người bệnh không đi viện khám để được phát hiện và mổ cấp cứu kịp thời, đôi khi hậu quả vô cùng nguy hiểm.

Tự dùng thuốc cũng có thể làm cho bệnh nhẹ trở thành bệnh nặng vì không được chữa trị bằng thuốc đúng cách. Bác sỹ khi kê đơn thuốc cho người bệnh thì đơn thuốc đó là: dành cho một cá nhân cụ thể được dùng trong một thời điểm cụ thể. Cần xem mỗi người là một “cá nhân” trong dùng thuốc. Vì vậy, người bệnh khi gặp các vấn đề về sức khỏe, cần đi khám bác sỹ để được tư vấn, kê đơn thuốc phù hợp, tránh các tác dụng không mong muốn, vừa mất tiền vừa không khỏi bệnh, thậm chí còn khiến bệnh tiến triển nặng thêm.

Còn theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, không hẳn chỉ tác động về mặt sức khỏe và tính mạng, sự tự ý dùng thuốc cũng sẽ tác động vào “túi tiền” của bệnh nhân. Có một số bệnh, thực ra chỉ cần dùng những loại thuốc đơn giản, rẻ tiền nhưng hiệu quả thì bệnh nhân lại nghe theo đồng nghiệp, bạn bè, đi tìm mua thuốc “hàng hiệu”. Điều này thật sự không cần thiết. Hơn nữa dùng thuốc không đúng “hệ” thì càng làm cho bệnh lâu lành. Việc tự dùng thuốc càng vô cùng nguy hiểm khi điều trị các chứng trầm cảm, lo âu. Khuynh hướng sử dụng thuốc chống lo âu trước ngày thi ngày một tăng trong giới sinh viên học sinh. Nhiều trường hợp bị kích động, dẫn đến có hành vi bạo lực do tự dùng loại thuốc này.

Tự ý sử dụng thuốc còn dẫn đến hậu quả là nghiện thuốc. Tai hại càng tăng thêm khi người sử dụng thuốc không hiểu được sự tương tác giữa thuốc này với thuốc kia, sự tương tác giữa dược phẩm với thực phẩm, rượu bia... Đã có trường hợp một bệnh nhân uống thuốc aspirin khi bụng đói, hậu quả là xuất huyết bao tử.

Những dạng thuốc khác thường được sử dụng là các loại kem dưỡng da. Đừng nghĩ rằng thuốc bôi ngoài da là vô hại. Thuốc bôi qua da cũng sẽ đi vào hệ tuần hoàn máu. Trong các loại kem thoa da có chứa rất nhiều hóa chất vốn là “bạn” đối với da người này nhưng lại là “thù” đối với người khác.

Khi có bệnh, cần tập thói quen đi khám bệnh để được hướng dẫn dùng thuốc. Cũng cần giáo dục con cái về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc, không uống thuốc theo kiểu “truyền tai” từ bạn bè.

Trước thực trạng trên, các bác sĩ cho rằng, các nhà thuốc cần phải có dược sĩ túc trực để tư vấn cho bệnh nhân về những loại thuốc không cần có toa bác sĩ. Riêng các loại thuốc bắt buộc kê toa, nhà thuốc cũng cần từ chối bán cho khách hàng. Điều này nghe có vẻ khó thực hiện trong điều kiện hành nghề y dược ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, mạng người là trên hết.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang