Giá gạo xuất khẩu có khởi sắc từ nay đến cuối năm?

author 19:19 19/08/2022

(VietQ.vn) - Hiện, thị trường chưa có nhiều tín hiệu tích cực về việc giá xuất khẩu gạo sẽ sôi động trở tại, tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng lượng xuất khẩu gạo của năm 2022 vẫn đạt trên 6 triệu tấn với giá trị khoảng 3 tỷ USD.

Thị trường hiện chưa có nhiều tín hiệu tích cực về việc giá xuất khẩu gạo sẽ sôi động trở tại. Ảnh minh họa.

Giá gạo xuất khẩu giảm

Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 4,08 triệu tấn, tương đương trên 1,99 tỷ USD, tăng 17,3% về khối lượng, tăng 6% về kim ngạch so với cùng kỳ, giá xuất khẩu trung bình đạt 488,9 USD/tấn, giảm 9,6%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 48,6% trong tổng lượng xuất khẩu và chiếm 46,4% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 1,98 triệu tấn, tương đương 924,88 triệu USD, tăng tới gần 67% về lượng, 40% về kim ngạch nhưng giảm 10,9% về giá.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 11,4% trong tổng lượng và chiếm 12,2% trong tổng kim ngạch, đạt 466.225 tấn, tương đương 242,74 triệu USD, giảm 28% cả về lượng và kim ngạch; giá giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 396.759 tấn, tương đương 177,7 triệu USD, giá 447,9 USD/tấn, tăng mạnh 51,5% về lượng và tăng 32,8% kim ngạch nhưng giảm 12,4% về giá so với cùng kỳ, chiếm 9,7% trong tổng lượng và chiếm 8,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Được biết, giá lúa gạo hôm nay 19/8 cũng không ghi nhận điều chỉnh mới. Theo đó, giá gạo nguyên liệu ở mức 8.050 - 8.100 đồng/kg; giá gạo thành phẩm 8.650 - 8.700 đồng/kg. Giá mặt hàng phụ phẩm chững lại. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.400; cám khô 8.200 - 8.300 đồng/kg.

Xuất khẩu gạo năm 2022 vẫn đạt trên 6 triệu tấn 

Trao đổi với báo chí liên quan đến vấn đề giá gạo xuất khẩu năm nay không được như kỳ vọng, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, thông thường khi lương thực bị mất mùa, hàng hóa thiếu hụt thì giá mới lên. Thực tế năm nay, các nước sản xuất gạo lớn đều được mùa, sản lượng tăng, tồn kho cao, trong khi nhu cầu vẫn vậy. Do đó, giá đương nhiên sẽ xuống.

Hơn nữa, khi các nước có nhu cầu lương thực cao, Việt Nam cũng đổ một lượng nguồn cung quá cao. Bằng chứng là sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng gần 20% so với năm ngoái. “Tồn kho của các nước nhập khẩu bắt đầu tăng thì giá sẽ khó có thể tăng. Trong khi các nước được mùa, sản phẩm bắt buộc phải bán ra”, ông Đỗ Hà Nam cho hay.

Về những thị trường nhập khẩu gạo lớn, ông Nam cho biết, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn nguyên nhân chính là do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, năm nay, Trung Quốc có nhu cầu cao về gạo ST nhưng Việt Nam lại không có đủ để đáp ứng. Gạo ST chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Trong khi trước đây, thị trường này chủ yếu nhập khẩu là nếp, tấm nếp. Với tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc thì nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm, bởi nhu cầu gạo để chế biến sang các sản phẩm thấp đi, do nhu cầu tiêu dùng giảm xuống.

Với thị trường Philippines, từ nay đến cuối năm sẽ khó có tăng trưởng đột phá. Bởi từ đầu năm đến nay thị trường này đã nhập khẩu tăng 20% so với cùng kỳ. Cộng với việc nước này bắt đầu vào vụ mùa nên khả năng tăng trưởng thị trường này sẽ khó. Còn với thị trường châu Phi, thị trường này không có đột phá, lượng hàng xuất khẩu vẫn như hàng năm.

Mặc dù thị trường hiện chưa có nhiều tín hiệu tích cực nhưng ông Nam cho rằng, từ nay đến cuối năm xuất khẩu gạo sẽ được khoảng 2 triệu tấn. Lượng xuất khẩu gạo của năm 2022 vẫn đạt trên 6 triệu tấn với giá trị khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, kỳ vọng giá xuất khẩu lên thì khó được như mong muốn.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:xuất khẩu gạo

tin liên quan

video hot

Về đầu trang