Giải bài toán thiếu hụt lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

author 13:02 08/04/2022

(VietQ.vn) - Mặc dù thiếu hụt lao động không còn là tình trạng căng thẳng như thời điểm năm 2021, nhưng vẫn là vấn đề nan giải đối với nhiều doanh nghiệp.

Thời gian vừa qua, dù thiếu hụt lao động không còn là tình trạng căng thẳng như thời điểm năm 2021, nhưng vẫn là vấn đề nan giải đối với nhiều doanh nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân tác động mạnh tới tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tốc độ phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.

Cụ thể, đại diện một doanh nghiệp cho biết: “Giá xăng dầu tăng do bất ổn của tình hình thế giới, ảnh hưởng chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí doanh nghiệp và người lao động. Việc nữa, thoạt nghe tưởng không ảnh hưởng trực tiếp nhưng lại ảnh hưởng lớn vì nhân sự bị Covid-19 phải nghỉ 1-2 tuần do sức khoẻ không tốt, không ổn định. Mặc dù là những trường hợp đơn lẻ nhưng điều đó ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Thực chất số nhân viên bị ảnh hưởng lên đến 20-30% chứ không ít. Người lao động trong Covid-19 đã khó khăn rồi, hậu Covid-19 càng khó do giá tiêu dùng lại tăng. Nội lực của doanh nghiệp là 1 phần, chính sách hỗ trợ rất là cần, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động”.

Thiếu hụt lao động vẫn là vấn đề nan giải đối với nhiều doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Đồng quan điểm, PGS. TS Vũ Thành Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thời gian qua, dù doanh nhân - doanh nghiệp đã nỗ lực rất nhiều nhưng các yếu tố khách quan xuất hiện ngày càng nhiều và tác động ngày càng mạnh, doanh nghiệp không dễ dàng xoay chuyển, rất cần sự hỗ trợ chính sách từ cấp vĩ mô.

“Đây là khó khăn kép với doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang có sự thay đổi lớn về mặt cấu trúc tổ chức hoạt động kinh doanh. Tâm thế làm việc của người lao động trong doanh nghiệp bây giờ cũng khác. Trước kia, họ gắn bó với doanh nghiệp, sống chết với doanh nghiệp nhưng qua dịch Covid-19 giờ họ nghĩ khác – không phải là lúc nào doanh nghiệp cũng cứu được họ. Việc huy động và tuyển dụng nhân viên của doanh nghiệp bây giờ không hề dễ. Vừa rồi, Chính phủ đã có những chính sách rất hay, hỗ trợ cho người lao động. Tôi nghĩ chính sách phải làm thế nào để việc hỗ trợ phải tạo được mối liên kết, gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động”, PGS.TS Vũ Thành Hưng cho biết.

Trước diễn biến phức tạp từ dịch bệnh, thời gian qua, Chính phủ đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho công nhân - lao động nói chung như: hỗ trợ tiền thuê nhà cho 3.400.000 người lao động, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, điều hành bình ổn giá xăng, dầu và giá cả các loại mặt hàng thiết yếu…, nhưng bối cảnh “khó khăn kép”, nhiều ý kiến đề xuất cần hỗ trợ nhiều hơn cho người lao động.

Điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, quan trọng nhất là cần nghiên cứu, thống nhất, điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu: “Phần đông người lao động đang rất khó khăn. Nhiều anh chị em phải vay nợ trong suốt thời gian Covid-19 và có thực tế rất đáng suy nghĩ là khi nhà máy đóng cửa, lao động từ thành phố lớn, các khu công nghiệp về quê chính là thông điệp cho thấy người công nhân đang rất khó khăn, khó khăn về nhà ở, điều kiện việc làm, do vậy, sự chung tay của toàn xã hội trong việc nuôi dưỡng người công nhân thông qua đảm bảo tiền lương, việc làm, sức khoẻ, thu nhập là rất cần thiết, là điều kiện tiên quyết để chúng ta có phục hồi được kinh tế”.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang