Giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

author 13:37 24/07/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt với khó khăn dai dẳng về vấn đề nguồn vốn. Đây là nút thắt lớn cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 60,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% so với cùng kỳ; 8,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%... Đây là những chỉ báo đáng quan ngại về tình hình sức khỏe của doanh nghiệp khi chỉ còn hơn 5 tháng nữa là kết thúc năm 2023.

Nhiều chuyên gia đánh giá, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt với khó khăn dai dẳng về vấn đề nguồn vốn. Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra, nhu cầu vốn của doanh nghiệp luôn là vấn đề thường trực và có đến gần 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt với khó khăn dai dẳng về vấn đề nguồn vốn. Ảnh minh họa.

Nhìn nhận thực tế, nhiều chuyên gia cho biết, có một số nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn, đó là: quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế; nhiều doanh nghiệp có số liệu tài chính thiếu minh bạch, thiếu chính xác, thiếu tài sản bảo đảm; phần lớn doanh nghiệp không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.

Mặt khác, đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới. Do đó, tổ chức tín dụng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có sự chỉ đạo, đồng hành từ cấp Chính phủ, tới Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, bởi nếu thiếu sự đột phá về chính sách thì các ngân hàng khó có thể mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp như mong muốn của Ngân hàng Nhà nước.

Về doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực hoạt động – quản trị, xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp lâu dài, hướng tới minh bạch hóa về tài chính, đầu tư kỹ thuật – công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, nhằm đáp ứng các điều kiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách giải pháp tiền tệ và tài khóa đã ban hành, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách triệt để trong việc thực thi công vụ.

“Chúng ta có rất nhiều những tổ chức tài chính phi ngân hàng, cho thuê tài chính, công ty tài chính tiêu dùng, quỹ tín dụng nhân dân... Bây giờ phải củng cố để họ phát triển tốt hơn, bởi gánh nặng quá nhiều vào hệ thống ngân hàng cũng không thể được, đặc biệt đối với nguồn vốn trung dài hạn.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, củng cố và phát triển hệ thống bảo lãnh tín dụng. Cùng đó bản thân doanh nghiệp phải tái cơ cấu, tiết giảm chi phí, đa dạng hoá nguồn vốn, phải ứng dụng công nghệ nhiều hơn và quan tâm hơn đến kiểm soát rủi ro liên quan đến quản trị doanh nghiệp”, ông Lực chia sẻ.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang