Chính sách phát triển nền kinh tế số của Pháp và một số gợi mở cho Việt Nam

author 07:11 02/08/2022

(VietQ.vn) - Bài viết đi sâu phân tích chính sách và thực trạng triển khai phát triển nền kinh tế số của Pháp, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn đã và đang tác động tiến trình số hóa nền kinh tế từ đó đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam.

Tóm tắt: Trong thời đại bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số đã và đang trở nên phổ biến và là xu hướng tất yếu đối với bất cứ quốc gia nào nếu không muốn tụt lại phía sau. Đặc biệt, trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với tác động của dịch Covid-19 làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, học tập, làm việc, kinh doanh buôn bán thì càng đòi hỏi các nước đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nền kinh tế số. Bài viết đi sâu phân tích chính sách và thực trạng triển khai chính sách phát triển nền kinh tế số của Pháp, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn đã và đang tác động tiến trình số hóa nền kinh tế từ đó đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam.

1. Chính sách phát triển nền kinh tế số của Pháp

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và năng suất, cải thiện phúc lợi xã hội và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thông qua tiết kiệm chi phí và thời gian. Tuy nhiên, để phát triển nền kinh tế số đòi hỏi cơ sở hạ tầng đồng bộ và khả năng tài chính, nguồn lực và quỹ đầu tư dài hạn. 

Do đó, việc lựa chọn và ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm để đầu tư phát triển là yếu tố then chốt quyết định sự thành công trong việc phát triển nền kinh tế số của một quốc gia. Pháp là một trong những quốc gia đi đầu nắm bắt xu thế chuyển đổi số, chính phủ đã có những chính sách tập trung nguồn lực hiệu quả trong một số lĩnh vực để phát triển nền kinh tế số, cụ thể như sau:

- Xây dựng cơ sở hạ tầng số

Để phát triển nền kinh tế số yếu tố quan trọng đó là cơ sở hạ tầng số phải phát triển. Tuy nhiên, trong những năm đầu của quá trình chuyển đổi số, nền tảng kỹ thuật số của Pháp trong việc mở rộng băng thông rộng và tốc độ truy cập internet di động còn kém so với các nước châu Âu khác. Thậm chí Pháp còn tụt hậu so với các nước về sự phát triển của một xã hội số hóa. Năm 2016, Pháp chỉ đứng ở vị trí thứ 16 về Chỉ số Kinh tế và Xã hội số (DESI 2016), cùng với Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungari và Slovakia.

Để đẩy mạnh phát triển nền tảng kỹ thuật số, Pháp đã đưa ra một số sáng kiến dựa trên công nghệ mạnh mẽ - chẳng hạn như “Tour de France digitale”, “France Digital”, “Mission France Tré Haut Débit” và gần đây nhất là “plan France Très Haunt Débit”. Với mục tiêu cải thiện vùng phủ sóng kết nối tốc độ cao, tăng tốc độ triển khai của mạng cáp quang và kết nối tốc độ cao, tăng tốc độ triển khai của mạng cáp quang và kết nối tất cả hộ gia đình với mạng chạy ở tốc độ 30 Mbps (trở lên) vào năm 2022.

Kế hoạch này bắt đầu triển khai từ năm 2013 và Pháp vẫn tiếp tục đầu tư ước tính tổng cộng 20 tỷ euro (trong đó 3,3 tỷ euro của Nhà nước đầu tư để bù đắp cho sự thiếu hụt đầu tư của khu vực tư nhân trong một số lĩnh vực). Cho đến nay việc triển khai cáp quang với mục tiêu tốc độ 2025 gigabit đạt 90% ở khu vực đông dân cư và gần 60% ở khu vực ít dân cư, 15% ở khu vực nông thôn. Mặc dù khu vực tư nhân đã đáp ứng khoảng 62,5% mục tiêu theo kế hoạch này, nhưng việc triển khai trong khu vực công ở những nơi có mật độ dân cư thấp mới chỉ đạt khoản 28,4% vào cuối năm 2019. 

Bảng 1 dưới đây thể hiện rõ các chỉ số hạ tầng của Pháp so với các nước EU khác. Nguồn: European Commission DESI 2020.

Qua bảng số liệu trên có thể thấy, với điểm kết nối tổng thể là 49,8 điểm, Pháp đứng thứ 18 trong số các nước thành viên và thấp hơn một chút so với mức trung bình của EU là 50,1 điểm. Điểm số của Pháp tăng liên tục hầu như ở mọi chỉ số. Tỷ lệ sử dụng băng thông rộng cố định ở mức 71%, thấp hơn một chút so với mức trung bình 78% của EU và không có sự thay đổi quan trọng về mặt thống kê so với năm trước.

Phạm vi phủ sóng băng thông rộng nhanh (NGA) đã tăng lên ở mức 62% vào năm 2019 so với 58% vào năm 2018. Nhờ thỏa thuận đạt được giữa Chính phủ Pháp và các nhà khai thác di động, vùng phủ sóng 4G đã tăng lên khi ở mức 99% vào năm 2019 so với 95% vào năm 2018. Tỷ lệ tiêu thụ băng thông rộng di động của Pháp thấp hơn một chút so với mức trung bình của EU tương ứng là 96 và 100. Mức độ sẵn sàng cho 5G của Pháp cao hơn đáng kể mức trung bình của EU, của Pháp ở mức 22% so với 21% của EU. Cuối cùng, chỉ số giá băng thông rộng của Pháp đứng ở mức 80% so với 64% của EU.

Sử dụng các dịch vụ internet ở Pháp trong 3 năm từ 2019 đến 2020 cũng tăng nhẹ. Pháp đứng thứ 21 trong số 28 nước EU. Việc sử dụng các cuộc gọi điện video đã tăng mạnh, từ 35% lên 53% vào năm 2019, mặc dù vẫn thấp hơn mức trung bình của EU là 60%. Tỷ lệ người chưa bao giờ sử dụng internet giảm xuống còn 7%, thấp hơn 2 điểm phần trăm so với mức trung bình của EU. Đồng thời, tỷ lệ người dùng internet tăng từ 85% lên 87% vượt qua mức trung bình của EU.

Người dùng Pháp truy cập trực tuyến để giao dịch ngân hàng, bán hàng và mua sắm, thứ sau là điểm số cao nhất của Pháp trong bộ chỉ số này (với 77% người dùng internet). Ngược lại, Pháp có tỷ lệ người dùng internet trên mạng xã hội thấp nhất (47%) năm 2020, thấp hơn so với tỷ lệ được ghi nhận vào năm trước. Ngoài ra, tương đối ít người dùng internet ở Pháp đọc tin tức trực tuyến (60% so với 72% ở cấp độ EU) hoặc lên mạng để nghe nhạc, xem video và chơi trò chơi hoặc tham gia các khóa học.

- Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Để phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách của Pháp đã tập trung vào cấu trúc ngành và hỗ trợ những doanh nghiệp đóng vai trò chính. Một trong những chính sách cụ thể được gọi với cái tên là Công nghệ Pháp “La French Tech” được thành lập từ năm 2013 nhằm mục đich tập hợp các hệ sinh thái kỹ thuật số nổi bật nhất khắp trên nước Pháp. Đây cũng là một phần của sáng kiến do Bộ Kinh tế, Tài chính và Phục hồi; Phái đoàn Công nghệ của Pháp tạo ra, để củng cố hệ sinh thái này với sự hỗ trợ của chính phủ Pháp.

Kể từ năm 2018, mục tiêu của nó là đảm bảo sự phát triển của hệ sinh thái Công nghệ Pháp và đưa nó trở thành một trong những hệ sinh thái hấp dẫn và toàn diện nhất thế giới. Sứ mệnh La French Tech đóng góp vào mục tiêu này thông qua các chương trình đặc biệt, tài trợ, nghiên cứu, các dịch vụ công hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực và mạng lưới ấn tượng gồm hàng chục cộng đồng Công nghệ Pháp tại Pháp và trên thế giới.

Nhiều quan điểm cho rằng danh tiếng và sức hấp dẫn mạnh mẽ của những chính sách này khiến việc thu hút các doanh nhân trẻ từ khắp nơi trên thế giới đã tạo thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực của nền kinh tế số. Vào tháng 5/2015, Chính phủ Pháp và Thành phố Paris đưa ra chính sách với tên gọi “The French Tech Ticket”, nhằm mục đích thu hút những người nước ngoài muốn tạo dựng hoặc phát triển công ty khởi nghiệp của họ tại Paris, ngoài những khoản hỗ trợ đào tạo họ còn được tạo điều kiện để có được giấy phép cư trú tại Pháp.

Giai đoạn này nhiều nhà nghiên cứu đã tranh luận rằng Pháp có thể tạo ra một phiên bản khác của Thung lũng Silicon trong lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng Pháp vẫn chưa thể tạo ra môi trường kỹ thuật số tối ưu. Ví dụ, nhà nghiên cứu Idriss Aberkane tin rằng trong khi phần cứng (cơ sở hạ tầng và môi trường) ở mức hài lòng, nhưng phần mềm (tinh thần và văn hóa doanh nhân, kĩ năng công nghệ của người dân) vẫn còn thiếu rất lớn, vẫn cần phải đào tạo những doanh nhân trẻ, đầy tham vọng, không sợ thất bại, chính điều này ngăn cản tham vọng có một Thung lũng Silicon của người Pháp.

Để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ, Pháp đã đưa ra một số sáng kiến nhằm nâng cao trình độ, kĩ năng số của người dân, tập trung vào các nhóm đối tượng khác nhau. Năm 2019, Pháp đã thiết lập khung quốc gia về năng lực kỹ thuật số (Cadre de Référence des Compétences Numériques francais, CRCN) sử dụng Khung năng lực kỹ thuật số châu Âu, bao gồm các cấp học từ tiểu học đến đại học. Điều này bổ sung vào nền tảng PIX hiện có cho các kỹ năng kỹ thuật số.

Ngoài ra, để thúc đẩy các kỹ năng kỹ thuật số của học sinh, Pháp đã đưa hai khóa học bắt buộc mới về kỹ thuật số và khoa học máy tính áp dụng cho các trường trung học vào năm 2019. Theo Bộ Giáo dục Pháp, các khóa học đã được giảng dạy trong hơn một nửa số trường công lập của Pháp.

Để nâng cao trình độ kỹ năng kỹ thuật số của đội ngũ giảng viên, Pháp đã tạo ra một văn bằng liên thông đại học mới (Diplôme Interuniversitaire, DIU) được gọi là Giảng dạy CNTT trong các trường trung học phổ thông vào năm 2019. Cho đến nay, hơn 2.000 giáo viên đã được đào tạo tại 19 trường đại học. Các sáng kiến khác bao hồm thiết lập MOOC cho giáo viên trung học phổ thông, do Viện Khoa học kỹ thuật số của Pháp (llinstitut national de recherche dédié aux sciences dunumérique, INRIA) phát triển. Hơn 13.000 giáo viên đã đăng ký khóa học kể từ khi nó được triển khai vào tháng 2/2019.

Về nâng cao năng lực công nghệ của người trưởng thành, Pháp đang trong quá trình thực hiện Kế hoạch “National pour un Numérique Inclusif”, tập trung vào các biện pháp thúc đẩy sự hòa nhập kỹ thuật số của mọi công dân. Kế hoạch bao gồm tiếp cận những người dễ bị tổn thương nhất được triển khai vào tháng 3/2019.

Để tăng số lượng chuyên gia kỹ thuật số, Pháp đã đưa một sáng kiến chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI), mở ra vai trò mới cho các chuyên gia AI. Ngoài ra, để thu hút nhiều tài năng kỹ thuật số hơn, Pháp đã thiết lập một hệ thống thị thực công nghệ giúp giảm bớt các thủ tục cho chuyên gia công nghệ nước ngoài chuyển đến Pháp.

Tổ chức Liên minh việc làm và kỹ năng kỹ thuật số của Pháp thực hiện một số sáng kiến để thúc đẩy kỹ năng kỹ thuật số. Năm 2019, đã tổ chức một cuộc thi dành cho các bạn trẻ về nghề trong tương lai. Tổ chức này cũng đã thiết lập quan hệ đối tác với Bộ Lao động để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong việc phát triển AI. Vào năm 2019, một số trường học và các tổ chức khác đã tham gia Tuần lễ mã EU, một phong trào nhằm khuyến khích mọi người mọi lứa tuổi lập mã.

Đến nay Pháp đã tổ chức hơn 500 sự kiện thu hút hơn 90.000 người tham gia. Các biện pháp của Pháp nhằm cải thiện kỹ năng kỹ thuật số của người dân, cả thông qua giáo dục chính thức và các biện pháp cộng đồng, đang được tiến hành chắc chắn sẽ tạo ra kết quả rõ ràng trong những năm tới nhằm nâng cao kỹ năng lực lượng lao động cho nền kinh tế kỹ thuật số và thúc đẩy phát triển nâng cao kỹ năng kỹ thuật số, trong AI và trong các lĩnh vực khác.

Bảng 2: Kỹ năng công nghệ của người dân Pháp so với EU. Nguồn: European Commission DESI 2020.

- Trong lĩnh vực tích hợp công nghệ số của doanh nghiệp

Trong lĩnh vực tích hợp công nghệ số của các doanh nghiệp, Pháp đứng thứ 11 so với các quốc gia EU khác và đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chung và khẳng định xu hướng tích cực trong những năm qua. Tỷ lệ các công ty sử dụng các giải pháp chia sẻ thông tin điện tử cao hơn nhiều so với mức trung bình của EU, là 48% so với mức trung bình của EU là 34% năm 2020. Có 16% công ty Pháp sử dụng các giải pháp dữ liệu lớn, cao hơn 4% so với mức trung bình của EU năm 2020.

Tuy nhiên, mặc dù tăng 6%, số lượng công ty hoạt động trên mạng xã hội vẫn dưới mức trung bình của EU. Tương tự, mức độ tiếp nhận thương mại điện tử của các công ty Pháp vẫn thấp hơn mức trung bình của EU và thay đổi đáng kể theo quy mô công ty: chỉ có 15% công ty vừa và nhỏ bán hàng trực tuyến so với gần 45% các công ty lớn. Ít công ty Pháp sử dụng các giải pháp đám mây (15%) so với mức trung bình của EU (18%), xem chi tiết tại bảng 3.

Bảng 3: Chỉ số tích hợp công nghệ của các công ty Pháp so với EU. Nguồn: European Commission DESI 2020.

Để cải thiện tình hình, Pháp đã bắt đầu một chiến lược toàn diện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc số hóa hoạt động kinh doanh và phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số năng động thúc đẩy sự xuất hiện của các công ty có tốc độ tăng trưởng cao.

Pháp đã thực hiện các biện pháp cụ thể để hỗ trợ chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ, chẳng hạn như chương trình khấu trừ thuế 40% đối với đầu tư vào chuyển đổi số và robot và hỗ trợ tài chính để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ công nghiệp triển khai công nghệ kỹ thuật số, chuyển đổi mô hình kinh doanh và hiện đại hóa phương thức sản xuất, thông qua sáng kiến ngành công nghiệp của tương lai.

Ngoài ra, kể từ tháng 7/2018, Hội đồng Công nghiệp Quốc gia (Conseil National de l’industrie – CNI) có một nhánh dành riêng cho kỹ thuật số, tập hợp các lĩnh vực công nghiệp và Liên minh Công nghiệp của Tương lai, với sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ. Mục đích là xây dựng một kế hoạch hành động chiến lược chung để hỗ trợ các ngành công nghiệp xác định và đưa ra giải pháp kỹ thuật số phù hợp với nhu cầu của ngành. Ví dụ: CNI đang đóng góp vào việc triển khai công nghệ blockchain trong nông nghiệp.

Ngoài ra một loạt sáng kiến khác đã được chính phủ đưa ra cụ thể: Với tên gọi “France Num” – Sáng kiến quốc gia của chính phủ Pháp nhằm hỗ trợ số hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một website quốc gia hoạt động vào tháng 10/2018 cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ từ mọi lĩnh vực có thể thực hiện dự án số hóa của họ bằng cách kết nối các công ty này với mạng lưới các nhà tư vấn chuyên ngành (cả nhà nước và tư nhân) và nhà cung cấp dịch vụ, đồng thời cung cấp cho họ quyền truy cập vào nhiều nội dung và khuyến nghị phù hợp, bao gồm cả các gói tài trợ có sẵn.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với sự khó khăn do bùng phát của dịch Covid-19, một nguồn dữ liệu thông tin liên tục đã được đăng tải trên trang web France Num để cung cấp thông tin cụ thể và trực tiếp của các cơ quan nhà nước trung ương, địa phương và các sáng kiến của khu vực tư nhân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về các xu hướng số hóa mới nhất. Trên trang web France Num còn lưu trữ danh sách những bài phát thanh của một trong những đài phát thanh hàng đầu của Pháp (FrenchWeb) nhắm mục tiêu đến doanh nghiệp nhỏ để giới thiệu các sự kiện, số liệu và xu hướng chính trong lĩnh vực số hóa, bao gồm “Tin tốt trong ngày” như một cách để vực dậy tinh thần trong thời điểm khó khăn.

Sáng kiến này đã có tác động tích cực đến các doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận được những thông tin quan trọng, cập nhật và đáng tin cậy trong thời kỳ khủng hoảng. Nó cũng thể hiện mong muốn mạnh mẽ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc số hóa mô hình kinh doanh của họ để phục hồi nhanh hơn khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại và có vị trí tốt hơn để vượt qua cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Hay sáng kiến kêu gọi các công ty kỹ thuật số lớn trong lĩnh vực thị trường kỹ thuật số, nền tảng giao hàng, giải pháp thanh toán trực tuyến..., cung cấp quyền truy cập vào toàn bộ các mã giảm giá, ưu đãi của họ để cho phép các chủ cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ tiếp tục kinh doanh trong thời gian đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh. Mục đích là giúp các cửa hàng địa phương tiếp tục bán các sản phẩm và dịch vụ của họ thông qua kênh kỹ thuật số trong bối cảnh mà việc mua sắm thực tế bị hạn chế do quy định về phòng dịch, thậm chí ngay cả sau khi thời hạn giãn cách đã được dỡ bỏ.

Kết quả của sáng kiến cho đến nay, hơn 40 giải pháp kỹ thuật số đã được liệt kê lên trang web của chính phủ, chia thành 5 danh mục khác nhau: thương mại điện tử, thanh toán điện tử, giao hàng/hậu cầu, tìm kiếm thị trường, thông tin liên lạc/khắc phục khủng hoảng. Và nhiều công ty kỹ thuật số dự kiến sẽ tham gia sáng kiến này trong tương lai gần. Những lời kêu gọi như vậy của chính phủ Pháp đang được ngày càng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẵn sàng tăng tốc số hóa để tiếp cận khách hàng thông qua các kênh mới.

Chính phủ Pháp cũng phát hành vào giữa tháng 3/2020 một bộ hướng dẫn trên cổng thông tin France Num dành cho thợ thủ công, chủ cửa hàng và chủ doanh nghiệp để giúp họ duy trì kinh doanh trong thời kỳ khủng hoảng. Hướng dẫn họ về cách cập nhật thông tin của cửa hàng, doanh nghiệp của mình lên trang web, cách tiếp tục công việc kinh doanh từ xa và giữ liên lạc với khách hàng, cách để bắt đầu số hóa doanh nghiệp và cách để nhận hỗ trợ tài chính, tư vấn để đối phó với khủng hoảng. Trong bối cảnh mà tin tức giả mạo, không đáng tin cậy và lừa đảo lan truyền rất nhanh trên internet, có thể dựa vào các hướng dẫn chính thức là rất quý giá đối với doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương. Những hướng dẫn như vậy cũng có thể giúp thu hút sự quan tâm từ các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ tham gia vào quá trình số hóa.

- Trong lĩnh vực đầu tư

Vào đầu tháng 12/2020, Chính phủ Pháp đã công bố gói kích thích trị giá 120 tỷ USD (100 tỷ euro) để phục hồi sau suy thoái kinh tế - gói kích thích này tương đương 4% GDP của Pháp. Trong đó dành một khoản đáng kể chi cho những lĩnh vực liên quan tới kỹ thuật số - đầu tư khởi nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi kỹ thuật số. Bộ trưởng kỹ thuật số của Pháp, ông Cédric O cho biết Pháp sẽ chi 8,4 tỷ USD (7 tỷ euro) cho các khoản đầu tư kỹ thuật số. Đây là kế hoạch đầu tư mới trong hai năm tới. Nó khác với kế hoạch giải cứu kinh tế đã được triển khai vào đầu năm 2020. Với 7 ty euro, lĩnh vực kỹ thuật số là lĩnh vực nhận được đầu tư lớn nhất so với tất cả lĩnh vực khác, ngoại trừ lĩnh vực môi trường.

- Đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ. Mười năm trước, chính phủ Pháp đã khởi động một chương trình đầu tư dành riêng cho đổi mới, từ nghiên cứu khoa học đến chi tiêu cho R&D. Đến nay đây là lần khởi động lại thứ 4 của chương trình này (Progam d’investissements d’avenir). Đó là một kế hoạch đầu tư trị giá 13 tỷ USD (11 tỷ euro) và nó bao gồm rất nhiều thứ. Nhưng gần 1 tỷ USD (800 triệu euro) sẽ được dành để viện trợ nhà nước cho các công ty khởi nghiệp của Pháp trong vài năm tới. Nếu nhìn vào các công cụ hỗ trợ đổi mới do Bpifrance quản lý, có thể thấy mức tăng là 60%. Ngoài ra, như một phần của chương trình đổi mới, Pháp sẽ chi 3 tỷ USD (2,5 tỷ euro) trong 5 năm tới để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp với Bpifrance hoạt động như một công ty VC truyền thống và các quỹ VC trực tiếp với tư cách là đối tác hạn chế.

- Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết không phải là công ty công nghệ, chính phủ Pháp cũng sẽ đầu tư vào quá trình chuyển đổi số của các công ty này với khoản đầu tư 460 triệu USD (385 triệu euro). Ngoài doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sản xuất ô tô và ngành hàng không sẽ nhận được 240 triệu USD (200 triệu euro) cho chuyển đổi số.

Chính phủ cũng chi 300 triệu USD (250 triệu euro) để đưa kỹ thuật số vào các cơ quan công quyền giúp đỡ người cao tuổi và các dịch vụ hành chính đơn giản hơn. Trước đây, chính phủ Pháp cũng đã phân bổ một số tiền để đưa kỹ thuật số vào hoạt động quản lý nhà nước, nhưng kế hoạch trước đó chỉ là 18 triệu USD (15 triệu euro).

Trong lĩnh vực giáo dục Pháp cũng chi 360 triệu USD (300 triệu euro) cho giáo dục về lĩnh vực công nghệ. Một khoản chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng cũng đã được tính đến, chẳng hạn như chi thêm 290 triệu USD (240 triệu euro) cho mạng cáp quang và 2 tỷ USD (1,7 tỷ euro) để hiện đại hóa hệ thống thông tin công cộng.

- Đối với chiến lược đầu tư vào các quỹ, khủng hoảng kinh tế là giai đoạn chuyển tiếp với nhiều doanh nghiệp hơn, nhiều hoạt động hợp nhất, mua lại doanh nghiệp diễn ra. Để đảm bảo rằng các công ty của Pháp có thể hợp nhất với nhau hơn là để công ty nước ngoài mua lại. Chính phủ tập trung đầu tư mạnh hơn vào các công ty công nghệ lớn để có tiềm lực tài chính mạnh sẽ có thể mua lại các công ty nhỏ hơn có nhu cầu bán lại, hoặc hợp nhất.

Theo chính phủ, việc thúc đẩy các công ty khởi nghiệp phát triển thông qua đầu tư công có thể mang lại lợi ích cho hệ sinh thái kỹ thuật số của Pháp. Nếu không, những “gã khổng lồ công nghệ”, chẳng hạn như Google và Facebook, sẽ mua lại các công ty khởi nghiệp hứa hẹn phát triển trong tương lai. Có thể thấy đây là những chính sách kích thích chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế đầy tham vọng của Pháp, giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với công nghệ thông tin, bắt kịp xu hướng phát triển trong tương lai.

Ngoài ra, chính phủ Pháp cũng quan tâm kỹ lưỡng đến các vấn đề bản quyền công nghệ kỹ thuật số, quản trị internet, bảo vệ các quyền tự do cơ bản, khả năng ảnh hưởng của internet đến chuẩn mực xã hội, các chính sách và công nghệ công nghiệp, thuế, làm chủ cơ sở hạ tầng và an ninh mạng.

Như vậy có thể thấy, từ nhiều chính sách khác nhau để thúc đẩy nền kinh tế số, đến nay Pháp sẵn sàng phát triển và hưởng lợi từ những cơ hội vượt trội do nền kinh tế số mới tạo ra. Năm 2019, 77% người Pháp sở hữu điện thoại thông minh và 76% trong số họ có máy tính xách tay.

Một sự tăng trưởng tuyệt vời trong thương mại điện tử khi 40 triệu người tiêu dùng điện tử Pháp đã chi 103,4 tỷ euro trực tuyến vào năm 2019, tăng 11,6% doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Paris, thủ đô của Pháp là thị trường lớn nhất châu Âu tính theo GDP và lớn thứ 5 trên thế giới. Sau Tokyo, Paris có nhiều trụ sở đa quốc gia hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới, bao gồm nhiều trụ sở trong danh sách Global Fortune 500. Thành phố này cũng là một trung tâm chiến lược cho lưu lượng truy cập internet của Pháp và trao đổi lưu lượng giữa châu Âu và Hoa Kỳ.

2. Những thuận lợi và khó khăn

Để có được thành công trên trước hết phải kể đến đó là Pháp đã có những chính sách đúng hướng tập trung đầu tư phát triển những lĩnh vực chủ đạo, tiếp theo phải kể đến đó là:

Thứ nhất, Pháp là quốc gia mạnh về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Với 8.241 đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế PCT vào năm 2016, Pháp được xếp hạng thứ năm trên thế giới, sau Đức (18.621 đơn). Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo, đây được xem là phần không thể thiếu của Hiệp ước Năng suất năm 2025. Pháp đang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có một nền kinh tế đột phá dựa trên công nghệ.

Thứ hai, có thể nói, đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều khó khăn khiến mọi hoạt động của các quốc gia rơi vào tình trạng bị khóa hoàn toàn, nhưng nó cũng là cú huých để Pháp nói riêng và các nước trên thế giới nói chung mạnh tay hơn trong việc đầu tư phát triển nền kinh tế số, nêu bật tầm quan trọng của việc có một chiến lược kỹ thuật số. Các nước có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tốt đã vượt qua sự gián đoạn và nhanh chóng chuyển hướng sang những cách thức mới để tham gia và tương tác từ xa về mặt xã hội.

Thứ ba, sự phát triển ra quốc tế của các công ty kỹ thuật số của Pháp và sự hấp dẫn của quốc gia đối với công ty nước ngoài là những ưu thuận lợi của Pháp trong phát triển nền kinh tế số. Có khoảng 10 công ty quy mô toàn cầu của Pháp trong lĩnh vực viễn thông và phần mềm, trong khi các lĩnh vực kỹ thuật số mới (thành phố bền vững, nhà ở thông minh và giao thông, đối tượng liên kết, sức khỏe điện tử) cung cấp động lực tăng trưởng cho hàng trăm doanh nghiệp sáng tạo vừa và nhỏ ở Pháp. Với trung tâm đổi mới kỹ thuật số tạo điều kiện cho sự hiệp đồng địa phương giữa các khu vực nghiên cứu và doanh nghiệp và với mạng lưới cơ sở hạ tầng viễn thông thuộc hàng tốt nhất trên thế giới về chất lượng, tính khả dụng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, Pháp là địa điểm rất hấp dẫn và đang thu hút những người khổng lồ kỹ thuật số từ các nước khác.

Bên cạnh những thuận lợi trên thì cũng có một số khó khăn sau:

Thứ nhất, mặc dù có những lợi thế ấn tượng như vậy, nhưng theo quan điểm văn hóa, Pháp có xu hướng không phải là nước đón đầu mà dễ dàng bắt kịp các nước khác một khi xu hướng kinh tế số được thiết lập. Bởi các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ dữ liệu, vốn đã làm chậm tiến độ số hóa ở các nước châu Âu khác, cũng là một yếu tố đối với Pháp. Trên thực tế, luật bảo vệ dữ liệu của Pháp có từ năm 1978 được cho là đã truyền cảm hứng cho Chỉ thị của Liên minh châu Âu về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Gần đây, Pháp và Hà Lan đã đề xuất với EU quy tắc chặt chẽ hơn để giám sát các công ty công nghệ lớn, tập trung vào quyền truy cập vào dữ liệu và dịch vụ cũng như khả năng tương tác.

Thứ hai, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, với mục tiêu cải thiện vùng phủ sóng kết nối tốc độ cao, Pháp đang triển khai kế hoạch băng thông rộng được gọi là “kế hoạch France Très Haut Débit”. Nhằm mục đích tăng tốc độ triển khai của mạng cáp quang và kết nối tất cả các hộ gia đình với mạng chạy ở tốc độ 30 Mbps (trở lên) vào năm 2022. Tuy nhiên, mức độ phủ sóng bao phủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở khu mật độ dân cư thấp và khu vực nông thôn mới chỉ đạt khoảng 28,4% mục tiêu vào cuối năm 2019, chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo công bằng về đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế số đồng đều giữa các khu vực.

Thứ ba, chuyển đổi sang nền kinh tế số là lĩnh vực khá rộng và phân mảnh, từ đơn giản như chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, mua thiết bị hiện đại cho sản xuất công nghiệp đến thành lập một chi nhánh thương mại điện tử... Hiện có khoảng 3 triệu công ty ở Pháp, 1,5 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ mà việc tiếp cận những công ty này là một thách thức đối với chính phủ.

Thứ tư, bên cạnh mặt tích cực mà nền kinh tế kỹ thuật số đem lại thì nó cũng đang làm phát sinh những lo ngại liên quan đến tương lai của việc làm. Ngoài tác động đối với một số ngành nghề nhất định, nó đang gây ra những thay đổi về cấu trúc đối với phân phối việc làm trong toàn xã hội và mất việc làm gia tăng trong lực lượng lao động làm công ăn lương. Điều này đặt ra thách thức mới về pháp luật lao động và an sinh xã hội của Pháp.

3. Một số gợi mở cho Việt Nam

Kinh tế số là xu thế tất yếu trong tương lai vì thế hầu hết quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển và các nước đang phát triển đều rất coi trọng và đưa ra các mục tiêu riêng. Với Việt Nam, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phấn đấu để Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Với dân số hơn 96 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế, tuy nhiên chỉ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng internet, trung bình 1 ngày người Việt dành 6h47phút sử dụng internet trên các thiết bị.

Qua nghiên cứu những chính sách phát triển kinh tế số của Pháp nổi lên một số giá trị tham khảo đối với Việt Nam để tận dụng được những thuận lợi và khắc phục hạn chế để phát triển nền kinh tế số trong tương lai, cụ thể:

Thứ nhất, về cơ sở hạ tầng số, với nguồn lực tài chính công còn hạn chế, Nhà nước cần có các chính sách cụ thể để thúc đẩy thu hút nhiều hơn nữa lĩnh vực tư nhân vào đầu tư cho phát triển hạ tầng số, đảm bảo bao phủ sóng trên tất cả các vùng miền, tạo sự công bằng về cơ hội tiếp cận dịch vụ số cho người dân trong cả nước, đảm bảo 100% hộ gia đình được kết nối internet tốc độ cao... Nhà nước cũng cần xác định những ngành, lĩnh vực đột phá giúp đẩy nhanh mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng như thông tin số, liên lạc số, giải trí số, thương mại điện tử... để có giải pháp, chính sách hợp lý trong đầu tư phát triển. Hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển nền kinh tế số.

Thứ hai, nguồn nhân lực, đây là nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số. Việt Nam đang thiết hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, truyền thông, nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), giáo dục Việt Nam chưa theo kịp xu thế phát triển của kinh tế số.

Chính vì thế nhà nước cần có những chính sách thu hút các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới, trang bị cho người dân kỹ năng số cơ bản thông qua việc: chuẩn hóa giáo dục khung kỹ năng số, đưa kiến thức, kỹ năng số vào hệ thống giáo dục từ tiểu học đến đại học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thúc đẩy giảng dạy qua môi trường số, đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo trong giáo dục phổ thông, thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Thứ ba, tuyên truyền phổ biến cho người dân, doanh nghiệp nhận thức rõ hơn giá trị, cơ hội của công nghệ thông tin đem lại cho phát triển kinh tế của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước. Tuyên truyền, hướng dẫn giới trẻ sử dụng internet hiệu quả, biết tận dụng, khai thác kho kiến thức khổng lồ này trong việc học tập, kinh doanh, phát triển bản thân, tránh lãng phí quá nhiều thời gian vào những hoạt động không cần thiết.

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố cuối tháng 5/2019 cho thấy có tới 85% doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn nằm ngoài nền kinh tế số, và chỉ có 13% ở cấp độ mới bắt đầu. Nhận thức về kinh tế số, nhu cầu và hành động theo xu thế kinh tế số còn chậm chạp, chưa đồng đều, thống nhất từ trên xuống dưới, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân là một hạn chế góp phần làm chậm xu hướng số hóa nền kinh tế Việt Nam.

Thứ tư, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi sang kinh tế số, thành lập các website chính thức của chính phủ để thông tin, hỗ trợ hỏi đáp, tiếp cận nguồn vốn, nhận tư vấn từ các chuyên gia giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn thông tin tin cậy, có định hướng tốt giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, loay hoay trong quá trình chuyển đổi số.

Thứ năm, việc bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin. Nền kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, internet luôn chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu, của các chủ thể tham gia kinh tế số. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong 3 năm gần đây. Tập đoàn công nghệ BKAV công bố chương trình đánh giá an ninh mạng Bkav thực hiện vào tháng 12/2020. Theo đó, năm 2020, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã đạt kỷ lục mới, vượt mốc 1 tỷ USD (23,9 nghìn tỷ đồng).

Theo nghiên cứu, thống kê của hãng bảo mật Kaspersky, Việt Nam hiện đứng thứ 21 trên thế giới về các vụ tấn công lừa đảo với 673.743 cuộc tấn công được ghi nhận năm 2020. Điều này cho thấy, có một lỗ hổng lớn của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin. Nếu không bảo đảm an ninh mạng và an toàn thông tin sẽ cản trở mục tiêu đưa kinh tế số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế nước ta.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách sớm giải quyết mặt trái phát sinh trong phát triển kinh tế số; xác định rõ những ngành nghề sẽ bị “khai tử”, những ngành nghề mới xuất hiện, những lao động sẽ bị thay thế bằng robot, trí tuệ nhân tạo; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian số; an ninh mạng, an ninh thông tin; các mâu thuẫn, xung đột giữa các loại hình, cơ chế kinh doanh truyền thống với những loại hình, cơ chế kinh doanh mới xuất hiện... để có những giải pháp, chính sách phù hợp.

Kết luận

Kinh tế số là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang lan tỏa mạnh mẽ đến kinh tế thế giới. Các quốc gia, cả những nước phát triển và đang phát triển nếu không muốn tụt lại phía sau thì đều tìm cho mình những cách khác nhau để phát triển nền kinh tế mới nổi này.

Mặc dù so với các quốc gia trong EU và quốc tế, Pháp có kém hơn ở một số chỉ tiêu liên quan đến số hóa như tốc độ kết nối, số hóa một số khía cạnh xã hội và số hóa kinh tế. Tuy nhiên, bằng những chính sách đúng trọng tâm và với lợi thế là một trong những quốc gia thân thiện với sự đổi mới, đứng thứ 6 về chi cho nghiên cứu và phát triển, Pháp có cơ sở vững chắc cho khả năng cạnh tranh toàn cầu. Việc nghiên cứu những chính sách phát triển nền kinh tế số của Pháp trong giai đoạn này có giá trị tham khảo hữu ích cho các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ths. Chử Thị Nhuần – Viện Nghiên cứu châu Âu

Đỗ Thị Thu Hương – Đại học Luật Hà Nội

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang