Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chương trình phát triển kinh tế số của Liên bang Nga

author 13:52 31/08/2022

(VietQ.vn) - Bài viết đề cập đến một số định nghĩa về kinh tế số trên thế giới, mục tiêu và nội dung của các Chương trình phát triển kinh tế số của Liên bang Nga.

Tóm tắt: Trong thế kỷ XXI sự phát triển của nền kinh tế số ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Tại Liên bang Nga, các vấn đề liên quan cũng thu hút sự quan tâm của các cơ quan công quyền, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học và chuyên gia. Ở Liên bang Nga, phát triển nền kinh tế số là ưu tiên hàng đầu; một số sáng kiến số đã được thực hiện ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

Nghị định của Tổng thống “Về Chiến lược phát triển xã hội thông tin ở Liên bang Nga giai đoạn 2017 - 2030” xác định nền kinh tế số là một hoạt động kinh tế mà nhân tố chính là dữ liệu số có thể nâng cao hiệu quả của các loại hình sản xuất, công nghệ, thiết bị, lưu trữ, bán hàng, giao hàng và cung cấp dịch vụ.

Bài viết đề cập đến một số định nghĩa về kinh tế số trên thế giới, mục tiêu và nội dung các Chương trình phát triển kinh tế số của Liên bang Nga.

Kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và những mô hình kinh doanh mới được tạo ra từ việc áp dụng công nghệ số và dữ liệu số. Ảnh minh họa.

1. Khái niệm

Thuật ngữ “kinh tế số” lần đầu tiên được đưa ra trong cuốn sách “Nền kinh tế số: Triển vọng và hiểm họa trong thời đại trí tuệ nối mạng” (Theo Digital Economy: Promise and Peril in the Age of Networked Intelligence) của tác giả Don Tapscott vào năm 1995.

Khái niệm “nền kinh tế số” được Nicolaso Negroponte đưa ra trong chuyên khảo của ông “Being Digital” (1995). Tác giả đã xem xét những thiếu sót của hàng hóa và lợi thế của nền kinh tế mới và xây dựng các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế số.

Nền kinh tế số (theo định nghĩa của Cộng đồng châu Âu) là kết quả của hiệu ứng chuyển đổi công nghệ thông tin và truyền thông nói chung ảnh hưởng đến tất cả các ngành kinh tế và các hoạt động xã hội. Như vậy, kinh tế số là một hệ thống các quan hệ kinh tế, xã hội và văn hóa dựa trên công nghệ số.

Theo Ngân hàng Thế giới (2016), nền kinh tế số là một hệ thống các quan hệ kinh tế, xã hội và văn hóa dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông số.

Theo nhóm cộng tác Kinh tế số của Oxford, kinh tế số được định nghĩa là nền kinh tế vận hành dựa trên nền tảng công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet.

R.Bukht và R. Heeks đã đưa ra khái niệm tổng quan nhất về kinh tế số bằng cách đề ra hệ thống “Khung khái niệm về Kinh tế số”. Khung khái niệm này nêu rõ phạm vi của Kinh tế số lõi thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông (Core Digital Economy), phạm vi hẹp là Kinh tế số (Digital Economy) và phạm vi rộng Kinh tế số hóa (Digitalised Economy).

Trong đó (1) Kinh tế số lõi bao gồm chế tạo phần cứng, dịch vụ thông tin, phần mềm và tư vấn công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT - TT); (2) Kinh tế số bổ sung dịch vụ số (Digital services) và kinh tế nền tảng (Platform Economy) vào kinh tế số lõi. Hơn nữa, kinh tế số phạm vi hẹp còn bao gồm một bộ phận của kinh tế chia sẻ (Sharing Economy), kinh tế gắn kết lỏng (Gig Economy); (3) Kinh tế số hóa bổ sung kinh doanh điện tử, thương mại điện tử, công nghiệp 4.0 (Industry 4.0), nông nghiệp chính xác (Precision agriculture), kinh tế thuật toán (Algorithmic Economy), phần còn lại của kinh tế chia sẻ, kinh tế gắn kết lỏng vào kinh tế số.

Hình 1. Khái niệm kinh tế số theo phạm vi

Tất cả các giao dịch kinh tế diễn ra trên internet đều liên quan đến kinh tế số, do đó nó là thuật ngữ chung cho tất cả giao dịch kinh tế. Kinh tế số đôi khi cũng được gọi là kinh tế internet (Internet Economy), kinh tế mới (New Economy) hoặc kinh tế mạng (Web Economy). Các công nghệ số đã được triển khai ở các khu vực khác nhau của nền kinh tế quốc gia trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là trong các mạng truyền thông, nhưng chính internet và các liên kết hỗ trợ giao thức internet đã tạo ra nền tảng phổ biến để hình thành nền móng kinh tế số cho tất cả các lĩnh vực.

Sự khác biệt giữa nền kinh tế internet và nền kinh tế số dựa trên sự khác biệt về tác động của từng ngành. Nền kinh tế internet “đề cập đến các hoạt động kinh tế, đầu vào, đầu ra và việc làm liên quan trực tiếp đến việc sử dụng internet”. Ngược lại, nền kinh tế số dựa trên sự thúc đẩy liên kết giữa các mạng và khả năng tương tác của các nền tảng số trong mọi lĩnh vực của kinh tế - xã hội để cung cấp các dịch vụ.

Ví dụ: băng thông trao đổi giữa các mạng viễn thông và ngân hàng - chẳng hạn như trường hợp các ứng dụng thanh toán, ví điện tử hiện nay sử dụng nhà cung cấp dịch vụ mạng di động và tổ chức tài chính khác nhau. Với sự ra đời của công nghệ và quá trình toàn cầu hóa, nền kinh tế số và kinh tế truyền thống đang hòa làm một.

Kinh tế số được hiểu là hoạt động kinh tế phát sinh do hàng tỷ kết nối trực tuyến hàng ngày giữa mọi người, doanh nghiệp, thiết bị, dữ liệu và quy trình. Nói cách khác, có thể nói rằng đó là một nền kinh tế tập trung vào các công nghệ số dựa trên công nghệ số và điện toán. Vì vậy, kinh tế số bao gồm các hoạt động được hỗ trợ bởi web và công nghệ truyền thông số khác, bao gồm các hoạt động kinh doanh, kinh tế, xã hội, văn hóa.

Ngoài ra còn có nhiều định nghĩa khác về kinh tế số. Với sự lan tỏa của số hóa vào nền kinh tế thì việc phân định rạch ròi kinh tế số không đơn giản. Tuy nhiên, có thể khái quát, kinh tế số bao gồm các hiện tượng mới nổi, như công nghệ chuỗi khối (blockchain), nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, doanh nghiệp điện tử (ví dụ như thương mại điện tử, các ngành truyền thống như sản xuất hoặc nông nghiệp có sử dụng công nghệ số hỗ trợ); các doanh nghiệp liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông, các dịch vụ và đào tạo liên quan, cùng với doanh nghiệp tham gia sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT - TT).

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và những mô hình kinh doanh mới được tạo ra từ việc áp dụng công nghệ số và dữ liệu số.

Ở Nga, khái niệm “kinh tế số” được đề cập trong Sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga “Về Chiến lược phát triển xã hội thông tin ở Liên bang Nga giai đoạn 2017 - 2030”. Theo đó, nền kinh tế số là một hoạt động kinh tế mà nhân tố chính là dữ liệu số có thể nâng cao hiệu quả các loại hình sản xuất, công nghệ, thiết bị, lưu trữ, bán hàng, giao hàng và cung cấp dịch vụ.

Trên thực tế, nền kinh tế số là việc sử dụng rộng rãi CNTT - TT trong tất cả quá trình quản lý và kinh doanh, ảnh hưởng đến sự chuyển đổi của chính các quan hệ sản xuất. Trong chương trình “Nền kinh tế số của Liên bang Nga”, kinh tế số được định nghĩa là nền kinh tế “trong đó dữ liệu ở dạng số là yếu tố chính của sản xuất trong tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế và xã hội”.

Trong “Chương trình phát triển nền kinh tế số ở Liên bang Nga đến năm 2035”, của Trung tâm Nghiên cứu Nền kinh tế số được đăng trên trang web của Trung tâm Phân tích thuộc Chính phủ Liên bang Nga vào ngày 14 tháng 4 năm 2017 thì nền kinh tế số được định nghĩa rất chi tiết và khá chính xác: “Nền kinh tế số (điện tử là một tập hợp các mối quan hệ xã hội nảy sinh khi sử dụng công nghệ điện tử, cơ sở hạ tầng và dịch vụ điện tử, công nghệ phân tích khối lượng lớn dữ liệu và dự báo nhằm tối ưu hóa sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và nâng cao trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia”.

Như vậy có thể thấy, trên thế giới không có một định nghĩa thống nhất về kinh tế số, nhưng hầu hết đều hiểu kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế và bằng công nghệ số, nền tảng số, được tạo ra từ việc áp dụng công nghệ số và dữ liệu số, sử dụng mạng internet làm không gian hoạt động”. Một cách tổng quát, kinh tế số là nền kinh tế sử dụng kiến thức, thông tin được số hóa để hướng dẫn, nâng cao phân bổ nguồn lực, năng suất, mang lại tăng trưởng kinh tế chất lượng cao.

Một nền kinh tế trong đó bao gồm các mô hình kinh doanh và quản lý tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Phát triển kinh tế số là sự hội tụ của nhiều công nghệ mới, như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật - IoT, blockchain - chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo - AI, mạng không dây 5G. Công nghệ mới cho phép con người xử lý khối lượng công việc lớn, đưa ra quyết định thông minh hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với phân tích dữ liệu lớn tạo ra cấp độ mới trong phát triển kinh tế số.

Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Có thể thấy những ứng dụng của kinh tế số hàng ngày bao gồm: thương mại điện tử xuyên biến giới, bán lẻ trực tuyến, đồng tiền số chung, nền tảng công nghiệp số, khám bệnh trực tuyến, làm việc từ xa, vận chuyển, giao nhận, quảng cáo trực tuyến... cũng được tích hợp công nghệ số để đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho con người.

2. Chương trình phát triển kinh tế số của Liên bang Nga

Trong Thông điệp Liên bang Nga ngày 01/12/2016, Tổng thống Nga đã đề xuất khởi động “Một chương trình quy mô lớn mang tính hệ thống để phát triển nền kinh tế của thế hệ công nghệ mới được gọi là nền kinh tế số”. Để hiện thực nó cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp Nga, các trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của đất nước. Như nhận định của Tổng thống Putin “đây là vấn đề an ninh quốc gia và độc lập về công nghệ của Nga, theo nghĩa đầy đủ của từ này chính là tương lai của nước Nga”.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Putin trong Thông điệp Liên bang 2016, một văn kiện với tên gọi “Phát triển nền kinh tế số ở Liên bang Nga - chương trình đến năm 2035” đã được soạn thảo bởi Bộ Thông tin và Truyền thông Nga phối hợp với Bộ Phát triển Kinh tế Nga, Bộ Ngoại giao Nga, Bộ Tài chính Nga, Bộ Công thương Nga, Bộ Khoa học Giáo dục Nga, cùng với đó là sự tham gia của Hội đồng chuyên gia trực thuộc Chính phủ Nga và các đơn vị khác... được đăng trên trang web của Trung tâm Phân tích thuộc Chính phủ Liên bang Nga vào ngày 14 tháng 4 năm 2017. Chương trình này xác định những khuynh hướng cơ bản trong chính sách quốc gia của Nga nhằm hình thành nền kinh tế số với mục đích đạt được các lợi ích quốc gia và hiện thực hóa các ưu tiên quốc gia.

Một khía cạnh quan trọng trong hoạt động của nền kinh tế số đó là đảm bảo an ninh thông tin và an ninh kinh tế của quốc gia và doanh nghiệp, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền bất khả xâm phạm sự riêng tư của công dân Nga trong không gian số. Chương trình phát triển kinh tế số quốc gia cũng là định hướng xã hội hướng tới việc hình thành các điều kiện mới để cải thiện cuộc sống của tất cả các nhóm xã hội, các tầng lớp nhân dân.

Mục đích của chương trình đó là hình thành các điều kiện pháp lý và tổ chức một cách thuận lợi ở Nga để phát triển hiệu quả các thể chế của nền kinh tế số với sự tham gia của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội công dân và đảm bảo sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế quốc gia có tính đến sự thay đổi về chất, cấu trúc và hệ thống quản lý tài sản kinh tế của Nhà nước đạt được hiệu ứng “sự diệu kỳ của nền kinh tế Nga” trong điều kiện hình thành hệ sinh thái số toàn cầu.

Nhiệm vụ cơ bản của chương trình:

+ Đảm bảo sự dẫn đầu về mặt công nghệ trong điều kiện hình thành không gian số toàn cầu.

+ Hình thành cấu trúc mới về chất các hoạt động kinh tế đáp ứng ưu tiên về mặt kinh tế của nền kinh tế số.

+ Hình thành cách tiếp cận về mặt tổ chức các ngành nghề sản xuất, các ngành thương mại và dịch vụ có tính đến thành tựu của nền kinh tế số, mà đạt được hiệu quả trong điều kiện hình thành và phát triển không gian số toàn cầu.

+ Hình thành các nguyên tắc quản lý hiệu quả và hoàn thiện quản lý các tài sản (nguồn lực) kinh tế hiện có;

+ Tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp quốc gia tham gia tích cực vào việc hình thành không gian số của nền kinh tế thông qua việc tạo dựng các điều kiện hấp dẫn về mặt tổ chức, hành lang pháp lý, tạo dựng niềm tin vào môi trường số;

+ Hình thành các điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bằng cách thay đổi cấu trúc và chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực xã hội và tạo cơ hội mới cho các hoạt động lao động và sản xuất.

+ Đảm bảo an ninh và chủ quyền không gian kinh tế số quốc gia.

+ Đảm bảo sự tham gia hiệu quả của quốc gia vào tiến trình hình thành hệ sinh thái toàn cầu của nền kinh tế số và không gian số toàn cầu.

Việc đẩy mạnh giới thiệu công nghệ số trong nền kinh tế và xã hội những năm gần đây luôn được xem là một trong những mục tiêu phát triển quốc gia, được ghi rõ trong Sắc lệnh số 204 của Tổng thống Liên bang Nga ngày 7 tháng 5 năm 2018 “Về các mục tiêu quốc gia và các mục tiêu chiến lược cho sự phát triển của Liên bang Nga giai đoạn đến năm 2024”. Là một phần của việc thực hiện Sắc lệnh này, trên cơ sở chương trình “Nền kinh tế số của Liên bang Nga” được Chính phủ Nga phê duyệt ngày 28 tháng 7 năm 2017, năm 2019, chương trình quốc gia “Kinh tế số Liên bang Nga” đã được xây dựng và phê duyệt, trong đó xác định các mục tiêu, công cụ và triển vọng cho sự phát triển của nền kinh tế số ở Nga”.

Chương trình “Nền kinh tế số của Liên bang Nga” năm 2017:

Chương trình khá toàn diện, tập trung vào cả nền tảng analog (tương tự) và nền tảng số của chuyển đổi số và giải quyết các khía cạnh pháp lý, kỹ thuật, tổ chức và tài chính của quá trình này.

Tháng 07 năm 2017, Nga đã thông qua Chương trình Kinh tế số Liên bang Nga với ngân sách hàng năm dự kiến là 1,8 tỷ USD cho đến năm 2025 để giải quyết những điểm yếu hiện tại ngăn cản nước này gia nhập vào nhóm các quốc gia có nền kinh tế số dẫn đầu toàn cầu.

Chương trình ưu tiên những thay đổi trong khuôn khổ pháp lý và quy định; đề cập đến các khía cạnh chính của việc xây dựng kỹ năng số, giáo dục và nghiên cứu, phát triển (R&D); đề xuất đầu tư vào cơ sở hạ tầng số và an ninh mạng; nhấn mạnh các yêu cầu quản lý chương trình nghiêm ngặt; đề xuất các sáng kiến cụ thể trong chính phủ điện tử, thành phố thông minh và y tế điện tử. Với mức độ ưu tiên cao được giao cho chương trình này ở các cấp chính phủ cao nhất, cùng với nguồn kinh phí được phân bổ thông qua ngân sách liên bang, có nhiều lý do để tin rằng nếu được thực hiện đúng cách, chương trình sẽ cho phép Nga đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi số của mình.

Chương trình Kinh tế số năm 2017 có 88 trang, bao gồm 6 phần. Phần đầu đưa ra các quy định chung của Chương trình, mục tiêu và các tính năng thực hiện. Trong phần hai, các điều kiện kinh tế - xã hội để áp dụng Chương trình được đưa ra, mô tả về vai trò của công nghệ số, môi trường pháp lý và quy định. Phần ba mô tả vị trí của Liên bang Nga trên thị trường số toàn cầu. Phần thứ tư đề cập đến định hướng phát triển chính của nền kinh tế kỹ thuật số. Phần thứ năm thảo luận về việc quản lý sự phát triển này. Phần thứ sáu dành cho các chỉ số của Chương trình - nó chỉ ra các thông số chính phải đạt được vào năm 2024 trong tất cả lĩnh vực có trong Chương trình.

Chương trình xác định 5 thành phần tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế số, bao gồm: Các quy định, nguồn nhân lực và giáo dục, năng lực nghiên cứu và nền tảng công nghệ, cơ sở hạ tầng thông tin, an toàn thông tin là năm thành phần tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế số.

Chương trình Kinh tế số năm 2017 vạch ra ba mục tiêu chính như sau:

Mục tiêu đầu tiên là “tạo ra hệ sinh thái của nền kinh tế số của Liên bang Nga”, đảm bảo sự tương tác hiệu quả giữa doanh nghiệp, cộng đồng khoa học và giáo dục, Nhà nước và công dân Nga. “Chiến lược phát triển xã hội thông tin ở Liên bang Nga giai đoạn 2017 - 2030” xác định “hệ sinh thái của nền kinh tế số” là “sự hợp tác của các tổ chức đảm bảo sự tương tác liên tục của các nền tảng công nghệ, dịch vụ internet ứng dụng, hệ thống phân tích, hệ thống thông tin của các cơ quan công quyền của Liên bang Nga, các tổ chức và công dân”. Do đó, việc tạo ra hệ sinh thái của nền kinh tế số đồng nghĩa với việc tạo ra “mối quan hệ đối tác của các tổ chức”.

Mục tiêu thứ hai là “tạo ra các điều kiện cơ sở hạ tầng và thể chế cần và đủ, loại bỏ trở ngại và hạn chế hiện có đối với việc hình thành và (hoặc) phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao, ngăn ngừa sự xuất hiện của các trở ngại và hạn chế mới trong các ngành công nghiệp truyền thống, các ngành công nghiệp mới và thị trường công nghệ cao”.

Mục tiêu thứ ba là tăng khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp Nga và nền kinh tế nói chung trên thị trường toàn cầu.

Cơ sở pháp lý của chương trình phát triển kinh tế số của Liên bang Nga chính là Hiếp pháp của Liên bang Nga, Luật Liên bang ngày 28/6/2014 số 172 FZ về “Hoạch định chiến lược ở Liên bang Nga” cũng như các quy định của các Luật Liên bang, các Nghị định của Tổng thống và Thủ tướng Liên bang Nga cũng như các văn bản pháp lý chuẩn mực khác, điều chỉnh các lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông liên quan đến sự hình thành nền tảng công nghệ mới cho nền kinh tế quốc gia.

Chương trình quốc gia “Nền kinh tế số của Liên bang Nga” (2018 - 2024):

Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, thành công của số hóa Nga phụ thuộc chủ yếu vào việc hình thành một môi trường thể chế thuận lợi cho việc tạo ra và thực hiện các đổi mới số. Văn kiện chiến lược và nhận thức quan trọng của Chính phủ Liên bang Nga theo hướng này là chương trình quốc gia “Nền kinh tế số của Liên bang Nga” (được phê duyệt bởi Sắc lệnh số 195-p ngày 12 tháng 2 năm 2019), phản ánh một loạt ưu tiên pháp lý hành động với các mốc thời gian để áp dụng chúng, cũng như các bước chiến lược để tạo ra cơ sở hạ tầng cần thiết và đào tạo cho chuyển đổi số trong các ngành và lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân.

Chương trình quốc gia “Nền kinh tế số của Liên bang Nga” năm 2018, được phát triển trên cơ sở Chương trình Kinh tế số năm 2017, xác định lại các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2024. Bắt đầu phát triển 12 dự án (chương trình) quốc gia, một trong số đó là chương trình quốc gia “Nền kinh tế số của Liên bang Nga”.

Mục tiêu của Chương trình quốc gia “Nền kinh tế số của Liên bang Nga” đến năm 2024 là:

Thứ nhất là tăng gấp ba lần chi tiêu trong nước cho phát triển nền kinh tế số từ tất cả các nguồn (tính theo tỷ trọng GDP) so với năm 2017.

Thứ hai là tạo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông để truyền tải tốc độ cao, xử lý và lưu trữ khối lượng lớn dữ liệu mà mọi đối tượng của nền kinh tế quốc dân có thể tiếp cận được.

Thứ ba là triển khai chủ yếu phần mềm quốc gia vào hoạt động của các cấp chính quyền, các tổ chức công và cơ cấu doanh nghiệp.

Như vậy, so với chương trình trước đó, chương trình kinh tế số quốc gia có nhiều mục tiêu cụ thể hơn. Do đó, các chỉ số cũng đã được xác định lại cho phù hợp. Chúng được thể hiện trong Bảng 1.

Bảng 1: Các chỉ số chính của Chương trình quốc gia “Nền kinh tế số của Liên bang Nga năm 2018”

Trong khuôn khổ của chương trình này, các biện pháp được đưa ra nhằm tạo ra điều kiện về quy định, công nghệ, tài chính và tổ chức để đảm bảo sự phát triển hiệu quả của định dạng số của nền kinh tế Nga.

Theo Chương trình quốc gia “Nền kinh tế số của Liên bang Nga”, nền kinh tế số bao gồm ba cấp độ: thị trường và ngành, nơi diễn ra sự tương tác của các chủ thể cụ thể (nhà cung cấp và người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ); nền tảng và công nghệ, nơi hình thành năng lực phát triển thị trường và ngành công nghiệp; môi trường tạo điều kiện cho sự phát triển của các nền tảng và công nghệ và sự tương tác hiệu quả của các tác nhân thị trường, bao gồm các quy định, cơ sở hạ tầng thông tin, nhân sự và bảo mật thông tin. Chương trình tập trung vào “hai cấp độ thấp hơn của nền kinh tế số” và đặc biệt, sự phát triển của các thể chế quan trọng tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế số (quy định, nhân sự và giáo dục, hình thành năng lực nghiên cứu và công nghệ), các yếu tố cơ sở hạ tầng cơ bản của nền kinh tế số (cơ sở hạ tầng thông tin và an toàn thông tin).

Chính phủ Nga đã có những nỗ lực nhất quán để phát triển bộ quy tắc tổng thể quản lý việc phổ biến và sử dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực khác nhau và điều phối các chương trình, sáng kiến số hóa khác nhau trong một hệ thống toàn diện về kế hoạch chiến lược. Do đó, Chương trình Kinh tế số gắn liền với các văn bản đã có hiệu lực về chiến lược phát triển nền kinh tế Nga (Chương trình 2017). Nó bổ sung cho các mục tiêu của Sáng kiến Công nghệ Quốc gia và các tài liệu hoạch định chiến lược đã được thông qua, cụ thể là Dự báo Phát triển Khoa học và Công nghệ Liên bang Nga, giai đoạn đến năm 2030, Chiến lược Phát triển Khoa học và Công nghệ Liên bang nga (2016), Chiến lược phát triển xã hội thông tin ở Liên bang Nga giai đoạn 2017 - 2030, dự án ưu tiên “Cải thiện tổ chức chăm sóc y tế thông qua việc giới thiệu công nghệ thông tin” (2016), các tài liệu khác, bao gồm cả tài liệu của Liên minh kinh tế Á - Âu. Các tài liệu hoạch định chiến lược được thông qua đưa ra các biện pháp nhằm kích thích sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số và việc sử dụng chúng trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

Căn cứ Nghị định số 16 ngày 17 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ Liên bang Nga, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học thành lập Hội đồng trong bảy lĩnh vực ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ của Liên bang Nga (IMEMO 2019). Lĩnh vực ưu tiên đầu tiên và tên gọi của Hội đồng tương ứng là “chuyển đổi sang kỹ thuật số, công nghệ sản xuất thông minh, hệ thống robot, vật liệu mới và phương pháp thiết kế, tạo ra hệ thống xử lý dữ liệu lớn, máy học và trí tuệ nhân tạo”. Chức năng của nó bao gồm xây dựng và giám sát các chương trình và dự án khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này cũng như cung cấp hỗ trợ chuyên gia và phân tích để thực hiện các ưu tiên phát triển khao học và công nghệ của Nga.

Trong số các thành viên của Hội đồng có các viện sĩ, đại diện các trung tâm nghiên cứu và trường đại học hàng đầu, các doanh nghiệp lớn, cơ quan điều hành liên bang và các tập đoàn Nhà nước. Do đó, Hội đồng giám sát số hóa trong khuôn khổ Chiến lược Phát triển Khoa học và Công nghệ của Liên bang Nga không phải là tổ chức duy nhất chịu trách nhiệm về sự hình thành nền kinh tế số của Nga. Các chương trình và sáng kiến khác trong lĩnh vực này bao gồm Chương trình Kinh tế số và Sáng kiến Công nghệ Quốc gia, với các nhóm và hệ thống quản lý của riêng họ. Ngoài ra, hầu hết các Bộ đều có chương trình số hóa riêng.

Chương trình xác định 5 hướng cơ bản phát triển nền kinh tế số: Quy định điều tiết; Con người và giáo dục; Hình thành năng lực nghiên cứu và công nghệ nguồn; Cơ sở hạ tầng thông tin; Bảo mật thông tin.

Các tiêu chí cụ thể về thực hiện thành công nhiệm vụ trong từng định hướng nói trên cho năm 2024 đã được xác định (Bảng 2).

Bảng 2: Tiêu chí thực hiện thành công các nhiệm vụ của chương trình “Kinh tế số của Liên bang Nga” (theo các hướng cơ bản)

Về cấu trúc, chương trình quốc gia “Nền kinh tế số của Liên bang Nga” bao gồm 6 dự án liên bang phản ánh các lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số ở Nga, 1.634,9 tỷ RUB được lên kế hoạch chi cho việc thực hiện các dự án này (Hình 2).

Hình 2: Các chương trình liên bang tạo nên dự án quốc gia “Nền kinh tế số của Liên bang Nga”

Đánh giá theo quy mô của dự án Nhà nước về số hóa, chi phí nội bộ sẽ tăng từ 1,7% GDP lên 2,2% vào cuối năm 2019, 3% vào cuối năm 2021 và 5,1% vào năm 2024, nó sẽ trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong nước, hướng đầu tư của Nhà nước và tư nhân vào các lĩnh vực ưu tiên của phát triển kinh tế.

Cũng theo chương trình, đến năm 2024, Chính phủ dự định thực hiện quá trình chuyển đổi số toàn diện đối với nền kinh tế và xã hội của Nga. Do đó, cần xây dựng pháp luật về công nghệ số, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng số, áp dụng thực hành số hóa trong tất cả lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và hành chính công, tổ chức các chương trình đào tạo lao động cho thời kỳ chuyển đổi. Việc tạo ra các điều kiện về thể chế và cơ sở hạ tầng, loại bỏ trở ngại và hạn chế hiện có đối với việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao được thực hiện trong 6 lĩnh vực.

Cùng với đó, việc phát triển và sử dụng công nghệ số trong các ngành công nghiệp riêng lẻ đã được đưa vào các dự án quốc gia và chương trình cấp sở khác. Bộ Y tế Liên bang Nga trong khuôn khổ dự án quốc gia “Chăm sóc sức khỏe” sẽ thực hiện dự án liên bang “Chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số”, Bộ Xây dựng Liên bang Nga đã phê duyệt dự án số hóa nền kinh tế thành phố “Thành phố thông minh”, Bộ Công thương Liên bang Nga đã chuẩn bị dự án “Công nghiệp số”, Bộ Năng lượng Liên bang Nga đang phát triển dự án năng lượng số,...

Hai năm qua đã có hàng loạt sáng kiến đa dạng trong sự phát triển của nền kinh tế số; đã chuẩn bị xong các văn bản hoạch định chiến lược chính, xây dựng hệ thống quản lý phát triển nền kinh tế số, ngân sách Nhà nước cho giai đoạn 2019 - 2021 đã cam kết nguồn vốn phù hợp.

Một trong những công cụ quản lý là hệ thống giám sát sự phát triển của nền kinh tế số ở Liên bang Nga, hệ thống này không chỉ cho phép đánh giá tình hình hiện tại, mà còn đưa ra các quyết định sáng suốt về tác động đối với quá trình chuyển đổi số ở cấp quốc gia.

Giờ đây, giai đoạn quan trọng nhất của sự phát triển nền kinh tế số ở Liên bang Nga đã đến - đó là quá trình chuyển đổi từ các kế hoạch sang việc thực hiện chúng. Và thách thức chính đối với việc thực hiện này sẽ là sự phối hợp và hài hòa của nhiều sáng kiến ở cấp liên bang, khu vực và thành phố.

Kết luận

Chương trình Nhà nước “Nền kinh tế số của Liên bang Nga” có thể được coi là nỗ lực mới nhất của Chính phủ nhằm tiếp cận nhiệm vụ hiện đại hóa nước Nga trong điều kiện công nghệ mới. Để Nga có thể khai thác đầy đủ các lợi ích kinh tế và xã hội của cuộc cách mạng kỹ thuật số, công nghệ kỹ thuật số phải trở thành yếu tố then chốt trong quá trình hiện đại hóa các ngành công nghiệp của Nga cũng như tạo ra các ngành công nghiệp và thị trường hoàn toàn mới, đòi hỏi sự hỗ trợ có mục tiêu và hệ thống của Nhà nước trên một chiến lược rõ ràng và mạch lạc.

Về mặt này, Chương trình Kinh tế số là cột mốc quan trọng thể hiện nỗ lực phối hợp của Chính phủ Nga nhằm hình dung tương lai trung hạn của nền kinh tế kỹ thuật số ở Nga và soạn thảo một chiến lược toàn diện trong lĩnh vực này, ngay cả khi nó còn thiếu tiềm năng tác động chuyển đổi đối với ngành công nghiệp Nga.

Với tình hình phát triển hiện nay của các thiết bị và phần mềm CNTT - TT trong nước, việc số hóa nền kinh tế Nga xứng đáng là một nhiệm vụ chiến lược. Một định hướng chiến lược như vậy, đặc biệt là trong bối cảnh rộng hơn của việc chuyển từ quản lý xuất khẩu hydro cacbon sang quản trị công nghệ, là vô cùng quan trọng. Đồng thời, kinh nghiệm phát triển thời hậu Xô Viết cho thấy vấn đề chính không nằm ở các ý tưởng mà nằm ở việc thực hiện chúng. Một trong những lý do chính khiến các sáng kiến kinh tế trong quá khứ không thành công là do chúng được thực hiện mà không có đánh giá khoa học đầy đủ dựa trên những cân nhắc rất chung chung.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Chương trình này quá ngắn gọn và chung chung, do đó, không cung cấp đủ lý do cho vai trò chủ chốt của nền kinh tế số trong việc đảm bảo vai trò lãnh đạo kinh tế của Nga hoặc cho phép đánh giá đầy đủ các rủi ro và thách thức có thể xảy ra. Chương trình xác định nhiều chỉ số mục tiêu nhưng cung cấp bằng chứng rằng việc đạt được các chỉ số này sẽ làm giảm khoảng cách công nghệ của Nga với các nước hàng đầu.

Hơn nữa, nó thiếu các biện pháp thực tế để kích thích ngành công nghiệp điện tử trong nước và dựa vào việc hiện đại hóa mạng lưới thông tin liên lạc dựa trên thiết bị nhập khẩu. Sự phụ thuộc nghiêm trọng vào các linh kiện nhập khẩu ngăn cản sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghiệp trong nước và đi ngược lại với Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Phát triển Khoa học và Công nghệ của Liên bang Nga. Nếu không phát triển ngành công nghiệp điện tử trong nước, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số chỉ có thể được xem xét trong bối cảnh việc mua thiết bị điện tử ở nước ngoài có khả năng làm giảm quy mô của nền kinh tế số ở Nga hơn là tăng trưởng của nó.

Nếu giải quyết được những vấn đề như đã nêu ở trên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Tổng thống, Chính phủ và Quốc hội, Nga hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu số hóa nền kinh tế nhằm đưa quốc gia này lọt vào Top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong giai đoạn tới đây.

ThS. Nguyễn Thanh Lan - Viện Nghiên cứu châu Âu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang