Giải pháp thúc đẩy sự năng động của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19

author 07:58 03/07/2022

(VietQ.vn) - Bài viết nêu rõ thực trạng năng suất hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự năng động của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.

Tóm tắt: Ứng phó với đại dịch COVID-19 và hậu quả từ đại dịch sẽ là một trong những thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp. Bài toán đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam là cần năng động, đổi mới sáng tạo, đồng thời chủ động linh hoạt nhiều giải pháp để phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19. 

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trung bình 97% số doanh nghiệp và 69% lực lượng lao động quốc gia, đóng góp trung bình 41% tổng sản phẩm quốc nội trong cùng thời kỳ. Cụ thể, tại Việt Nam, có nhiều cửa hàng, cửa hiệu, xưởng sản xuất và trang trại nhỏ dường như nằm ở khắp mọi nơi thuộc nhóm doanh nghiệp này. Mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp phi nông nghiệp mới đăng ký thành lập tại Việt Nam. Có 90% các doanh nghiệp là công ty gia đình, hầu hết có từ 3 lao động trở xuống. Phần lớn các doanh nghiệp này có quy mô rất nhỏ, thiếu vốn và tập trung vào những ngành nghề truyền thống. Các doanh nghiệp hiếm khi phát triển đến một quy mô đủ lớn để có thể hưởng lợi thế kinh tế của quy mô và tiếp cận dễ dàng đến các nguồn tài chính và công nghệ. Do đó, việc tăng cường tính năng động của các doanh nghiệp bằng sự đổi mới và quốc tế hóa sẽ là nhân tố then chốt đối với việc phục hồi các nước bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19.

2. Thực trạng năng suất hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam

Hiện số lượng các doanh nghiệp phi nông nghiệp ở Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, nhưng hiệu quả hoạt động còn cách xa các mức chuẩn năng suất của khu vực và trên toàn cầu. Hầu hết các doanh nghiệp ít đổi mới và ít đầu tư vì nhiều khó khăn như khó tiếp cận vốn, thủ tục hành chính rườm rà và mức hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo thấp. Mỗi tháng, hơn 10.000 cửa hàng và doanh nghiệp mới được đăng ký kinh doanh, tuy nhiên, số liệu thống kê chính thức cho thấy, hầu hết các công ty này đều có quy mô nhỏ, thiếu vốn và hoạt động trong các lĩnh vực không hiện đại.

Theo khảo sát doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới năm 2020, hơn 5,7 triệu doanh nghiệp phi nông nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, sử dụng khoảng 23 triệu lao động. Tương tự như thực tế tại các nước thu nhập thấp, gần 98% các doanh nghiệp này là công ty gia đình và công ty nhỏ hoạt động trong khu vực phi chính thức.

Một doanh nghiệp trung bình có 3 lao động (nếu bao gồm các công ty gia đình) và phần lớn hoạt động trong các lĩnh vực truyền thống (như xây dựng, sửa chữa, chế biến thực phẩm,…). Các doanh nghiệp chủ yếu hướng nội, tức là phục vụ thị trường trong nước. Chỉ có khoảng 17% các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong nước trực tiếp tham gia vào các hoạt động xuất khẩu. Nhìn chung, các công ty ngoài quốc doanh trong nước đóng góp khoảng 1/4 giá trị gia tăng của Việt Nam với mức lợi nhuận và tỷ lệ sinh lời của tài sản thấp. (Bảng a, Bảng b).

 

Mặc dù gia tăng nhanh về số lượng nhưng doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu có năng suất thấp. Điều này có thể thấy khi năng suất trung bình của các doanh nghiệp trong nước cách t xa đường biên năng suất mà hầu hết các nền kinh tế tiên tiến hoặc ngay cả ở các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương đương đã đạt được. (Bảng A, Bảng B)

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam ít sử dụng công nghệ mới hoặc không đủ vốn đầu tư. Tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam thương mại hóa sản phẩm sáng tạo chỉ bằng 1/2 so với con số báo cáo tại Trung Quốc hiện nay. Tích lũy tài sản gộp của Việt Nam ở mức khoảng 26%, vẫn cao hơn mức trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp, nhưng đã giảm xuống dưới mức trung bình dài hạn của Việt Nam.
 
Tỷ lệ này cũng thấp hơn nhiều khi so với tỷ lệ đầu tư của nền kinh tế tăng trưởng nhanh với khoảng 31% GDP khi họ ở mức thu nhập như Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, chất lượng đầu tư ở Việt Nam vẫn còn thấp, một phần phản ánh lợi nhuận giảm dần, nhưng cũng chỉ ra hiệu quả phân bổ vốn thấp. Điều này được chứng minh bằng hệ số sử dụng vốn (ICOR) còn cao ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, năng suất giữa các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế còn có sự chênh lệch rõ rệt. Khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI hoạt động có hiệu quả hơn, cao hơn gần năm lần so với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong nước. Nhóm này cũng có lợi nhuận trên tài sản và tỷ lệ lợi nhuận (trước thuế) so với doanh thu cao hơn lần lượt là 4,9 và 3,5 lần so với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong nước.

Nhóm doanh nghiệp nhà nước mặc dù có năng suất cao hơn khối tư nhân nhưng vẫn chỉ bằng 1/2 doanh nghiệp FDI. Điều này cho thấy, vấn đề tồn tại lâu năm trong các doanh nghiệp nhà nước là sự trì trệ, thủ tục chậm chạp, hoạt động doanh nghiệp kém hiệu quả, lãng phí tài nguyên,… (Hình 1)

Có thể thấy, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp và sự chênh lệch về năng suất giữa các doanh nghiệp phản ánh cả các yếu tố bên trong và bên ngoài. Ví dụ, năng suất của các doanh nghiệp FDI cao hơn do họ áp dụng công nghệ mới và năng lực quản lý tốt hơn. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ công, do đó không thể tối đa hóa lợi nhuận.
 
Ngoài ra, trách nhiệm chồng chéo và năng lực quản trị doanh nghiệp yếu có thể làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực trong khu vực nhà nước. Các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong nước lại thường có quy mô nhỏ, khó có thể tận dụng lợi ích kinh tế của quy mô. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh bị thiếu vốn và ít khi đầu tư vào các công nghệ mới.

Chất lượng môi trường kinh doanh là yếu tố tác động gây ra sự không đồng đều. Không phảo tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng trong môi trường kinh doanh, vì các doanh nghiệp nhỏ trong nước phải đối mặt với những thách thức lớn hơn so với các doanh nghiệp FDI lớn và doanh nghiệp nhà nước, những đơn vị có nguồn nhân lực và tài chính để vượt qua những rào cản này. Rào cản ở đây gồm khoa học công nghệ, tiếp cận vốn, hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo,…

Ví dụ cụ thể: Theo Khảo sát Doanh nghiệp năm 2019, chỉ 29% các doanh nghiệp nhỏ nhất (có từ 1 đến 20 lao động) đang được cấp tín dụng so với 57% doanh nghiệp lớn (có trên 100 lao động). Điều nghịch lý là những khó khăn về vốn xuất hiện trong một môi trường tăng trưởng tín dụng cao và thanh khoản dồi dào, nhưng thị trường tín dụng bị phân mảng mạnh giống như ở nhiều nước đang phát triển khác. Một mặt, các doanh nghiệp lớn (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước) và những doanh nghiệp có tài sản thế chấp được tiếp cận vốn từ thị trường tương đối dễ dàng.

Mặt khác, các doanh nghiệp không có lịch sử tín dụng hoặc không có tài sản thế chấp gần như không thể tiếp cận tín dụng. Khoảng 90% ngân hàng yêu cầu tài sản thế chấp với giá trị ước tính cao hơn 2,5 lần so với giá trị khoản vay. Do đó, tăng trưởng tín dụng cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ khoảng 3% mỗi năm, thấp hơn 4 - 5 lần so với mức tăng trưởng tín dụng trung bình của cả nền kinh tế. Chính vì vậy, đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thấp và phần lớn bằng vốn tự có.

3. Giải pháp thúc đẩy sự năng động của doanh nghiệp

Thứ nhất, ngoài hỗ trợ các chính sách về thuế, Chính phủ cần quan tâm nhiều đến tín dụng trong việc thực hiện miễn giảm lãi suất, gia hạn thời gian thanh toán nợ, cơ cấu lại nợ, tiếp tục tái đầu tư vốn… Vì phần lớn các doanh nghiệp đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ và gần như 100% đều có giao dịch với ngân hàng. Khi thực hiện các chính sách hỗ trợ cànnhanh, kịp thời và không bị vướng bởi những cơ chế, chính sách, hoặc quy định khắt khe từ các định chế tài chính.

Thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, phần lớn doanh nghiệp của tỉnh chưa tiếp cận được. Thứ hai, cải cách điều kiện kinh doanh phải trở thành trọng tâm chính sách của Chính phủ nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thân thiện với doanh nghiệp. Khi tổ chức thực hiện, một số nơi vẫn chưa nắm rõ những thay đổi, cải cách về điều kiện kinh doanh. Do đó, nâng cao chất lượng điều kiện kinh doanh vẫn là nội dung trọng tâm trong cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Gerner, Franz, Mark Alexander Giblett, Alwaleed Fareed Alatabani, Oliver Patrick Behrend, Sebastian Eckardt, và David John Santley. (2019). Vietnam – Maximizing Finance for Development in the Energy Sector. Washington, DC: World Bank.
  2. OECD. (2019). OECD, Vietnam: Multi-Dimensional Diagnostic. Paris: Organization for Economic Co-operation and Development.
  3. Tổng cục Thống kê (2020), Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2020.

(Theo Tạp chí Công thương)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang