Giải pháp xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU dưới tác động của Hiệp định EVFTA

author 09:52 08/05/2022

(VietQ.vn) - Bài viết tập trung nghiên cứu những thuận lợi và khó khăn trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam dưới tác động của Hiệp định EVFTA, từ đó đưa ra một số gợi mở về giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) là khu vực thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU). Đây là hiệp định toàn diện và chất lượng cao, đảm bảo lợi ích cân bằng cho cả Việt Nam và EU, có cân nhắc đến sự khác biệt về trình độ phát triển giữa hai bên. Khi có hiệu lực, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản cũng như sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.

1. Thực trạng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU kể từ khi EVFTA có hiệu lực

Hiệp định EVFTA mở rộng cánh cửa cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trên thực tế kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tổng trị giá xuất khẩu nông sản của Việt Nam các nước thành viên EU đã tăng tới 32,4%. Từ năm 2010 đến nay, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam luôn ở mức cao, đóng góp một phần không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng từ 10,6 tỷ USD năm 2010 lên 18,7 tỷ USD năm 2018 (tăng trưởng bình quân 7,9%/ năm). Đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong bối cảnh thương mại nông sản thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp với những biến động khó lường, quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn trở nên căng thẳng, chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện trở lại, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn duy trì được kết quả tích cực trong năm 2018.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong số mặt hàng nông sản, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh và đều qua các năm như hạt điều, nhóm hàng rau quả, cà phê, cao su, riêng mặt hàng gạo có tăng trưởng âm trong giai đoạn 2012-2016 và tăng trở lại vào giai đoạn 2016-2018. Xét về giá trị nông sản xuất khẩu, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đã tăng mạnh trong năm 2017 và có xu hướng giảm trong năm 2018.

Điều này cho thấy sự thiếu bền vững trong giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Ba mặt hàng có giá xuất khẩu tăng là gạo (giá xuất khẩu trung bình đạt 501,0 USD/tấn, tăng 10,7%), chè (giá xuất khẩu trung bình đạt 1.710,7 USD/tấn, tăng 5,0%), sắn và các sản phẩm từ sắn (giá xuất khẩu trung bình đạt 394,9 USD/tấn, tăng 49,8%).

Nhiều mặt hàng nông sản chính của Việt Nam có vị thế xuất khẩu lớn trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam là Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2017, mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam đứng vị trí thứ ba trên thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu.

Đặc biệt, cơ cấu gạo xuất khẩu đã có bước chuyển biến tích cực khi tỷ lệ gạo thơm, gạo chất lượng đang tăng cao. Đối với sản phẩm cà phê xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là hạt cà phê xanh chưa rang (xuất khẩu thô), chiếm tới hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu. Rau quả là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây và cũng là mặt hàng mà Việt Nam đã có nhiều thành công trong mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng như tiêu và hạt điều xếp vị trí thứ nhất về giá trị xuất khẩu trên toàn thế giới. Đây là một nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc xuất khẩu nông sản trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2016, sự phát triển theo chiều rộng và chiều sâu của nông nghiệp Việt Nam trong vài thập kỷ qua đã khiến cho môi trường bị ảnh hưởng nặng nề. Một phần của hiện tượng này liên quan đến thực tế sử dụng quá nhiều vật tư đầu vào và sử dụng lãng phí nước. Môi trường xuống cấp dưới nhiều hình thức tại các vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam.

Ví dụ, việc mở rộng nuôi tôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã dẫn đến phá hủy rừng ngập mặn trên diện rộng và gây ra ô nhiễm nguồn nước. Theo hình thức nuôi thâm canh, nông dân thường sử dụng quá nhiều hóa chất và thuốc kháng sinh cho các đầm nuôi tôm với mật độ quá cao. Chất thải từ đầm tôm cũng chứa lượng lớn chất thải hữu cơ làm ô nhiễm nguồn nước ngọt lân cận và các vùng nước ven biển.

Một ví dụ khác về việc mở rộng canh tác cà phê và cao su tại Tây Nguyên cũng đóng góp nhiều vào việc phá hủy rừng, làm mất đa dạng sinh học và làm cạn kiệt nguồn nước ngầm. Ngoài ra, chăn nuôi phát triển nhanh nhưng cũng đóng góp nhiều vào ô nhiễm nguồn nước và phát thải khí nhà kính. Thâm canh lúa làm thoái hóa đất, ô nhiễm nước, tổn hại tới đa dạng sinh học và tăng phát thải khí nhà kính.

Về phía người sản xuất lại không phải trả đầy đủ khoản chi phí tài nguyên mà họ sử dụng. Bên cạnh đó, kiến thức về nông nghiệp xanh tại Việt Nam đang dần hình thành nhưng vẫn còn hạn chế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến năm 2018, tỷ trọng lao động đang làm việc trong ngành sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tới 37,7%. Tuy nhiên, nông nghiệp chỉ đóng góp 14,48% vào GDP. Điều này dẫn đến tình trạng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức năng xuất lao động rất thấp, thấp nhất trong các khu vực kinh tế. Tuy vậy, tốc độ tăng năng xuất lao động lại ổn định và cao nhất, kể cả trong giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô 2009-2013.

Đến năm 2018, năng suất lao động ngành nông nghiệp theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 38,9% năng suất lao động toàn nền kinh tế, bằng 30,4% năng suất lao động của khu vực công nghiệp và xây dựng, bằng 33,7% khu vực dịch vụ. Trong các nước ASEAN, năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Malaysia gấp 11,9 lần mức năng suất lao động của Việt Nam, Indonesia gấp 2,4 lần, Thái Lan gấp 2,1 lần và Philipin gấp 1,8 lần.

Những yếu tố góp phần làm giảm mức tăng năng suất nông nghiệp gồm thiếu đầu tư và nghiên cứu cùng hệ thống đổi mới sáng tạo kém phát triển.

2. Thuận lợi khi xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực

Đối với xuất khẩu 

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU. Ảnh minh họa. 

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ giúp nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều đều có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với sản phẩm chăn nuôi, thuế bằng 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực với động vật sống, thịt lợn, thịt trâu bò đông lạnh và lộ trình sau 5-7 năm đối với thịt gia cầm và thịt gia súc qua chế biến. Xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đối với 17 dòng thuế rau quả và chế phẩm rau quả (tương đương 5,94%), đồng thời xóa bỏ tất cả dòng thuế thuộc nhóm sản phẩm này trong vòng từ 6-8 năm và không duy trì bất kỳ biện pháp hạn ngạch nào với nhóm sản phẩm này.

Mặt hàng cà phê xuất khẩu sang EU đang phải chịu thuế 7,5-11,5%, nhưng đã đạt 1,09 tỷ USD năm 2019 (chiếm 37,9% giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam). Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu cà phê từ Việt Nam và EU sẽ được xóa bỏ hoàn toàn. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vào thị trường rất quan trọng này.

Với mặt hàng gạo, năm 2019, Việt Nam chỉ xuất khẩu sang EU với giá trị khiêm tốn là 10,7 triệu USD, bởi thuế suất mà EU áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao, cụ thể là thuế tuyệt đối 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm, 211 EUR/ tấn với lúa.

Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với gạo tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm.

Đối với mặt hàng thuỷ sản, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ tháng 9/2020 bắt đầu hồi phục với mức tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 10/2020, xuất khẩu tôm tiếp tục đà tăng trưởng từ những tháng trước với mức tăng trên 21%, đạt gần 419 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng lên 3,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với sản phẩm thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn/năm.

Đối với cá viên, EU dành hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam là 500 tấn/năm. Các sản phẩm hải sản khác như hàu, điệp, mực sẽ được giảm thuế nhập khẩu ngay về 0% từ mức 20%. Các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh hiện đang chịu mức thuế 6 - 8% sẽ giảm ngay về 0%, mức thuế với sản phẩm cá cờ kiếm từ 7,5% giảm về mức 0%.

Đối với nhập khẩu 

Hiệp định EVFTA không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu, mà còn có giá trị đối với việc nhập khẩu nguyên liệu của các ngành hàng khác nhau từ các nước thành viên EU.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên EU tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa nhập khẩu với mức giá giảm hơn trước, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

3. Thách thức với xuất khẩu nông sản Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực

Bên cạnh những cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, hàng nông sản của Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức do tác động của Hiệp định EVFTA. Những thách thức chính bao gồm: Sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa, những quy định liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, lao động, quy trình công nghệ sản xuất và chế biến.

Ngoài ra, do cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế nên các nước thành viên EU sẽ rất chú trọng tới quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Trên thực tế, Hiệp định EVFTA hướng tới mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế.

Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thỏa mãn quy tắc xuất xứ. Đây có thể là cản trở đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) chứ không phải mức thuế suất 0% như quy định trong Hiệp định EVFTA.

Ngoài ra, Hiệp định EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS (hiệp định áp dụng biện pháp kiểm định động thực vật) linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của Việt Nam như chè, rau quả, vẫn nhỏ lẻ, tự phát, trong khi ở một số nơi, nông dân chưa được hướng dẫn về sản xuất sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu cho nông sản.

Hơn nữa, các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu hàng hóa ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn, vì thế nguy cơ hàng Việt bị “mượn danh” xuất khẩu sang EU cũng từng được các chuyên gia kinh tế cảnh báo. Điều này gây ra nhiều hệ lụy khiến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU có thể bị áp thuế chống bán phá giá cao.

Ngoài ra, thị trường EU là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới do yêu cầu của EU buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt về lao động và môi trường. Sự khắt khe của thị trường EU với nhiều tiêu chuẩn mới, đòi hỏi cao hơn về kỹ thuật, môi trường, vệ sinh an toàn, bảo vệ quyền người lao động, cùng với chính sách bảo hộ nông nghiệp.

Việc EU tập trung vực dậy thị trường nội khối, thắt chặt chi tiêu và hạn chế đầu tư ra bên ngoài sẽ có những tác động nhất định đến việc thu hút dòng đầu tư chất lượng cao của Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì để từng doanh nghiệp xử lý và vượt qua những rào cản này, Hiệp định EVFTA cũng tạo ra các khuôn khổ hợp tác để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu và khắc phục những trở ngại trong quy trình thực hiện Hiệp định này.

4. Đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU

Để tận dụng cơ hội và ứng phó với những thách thức mà Hiệp định EVFTA mang lại, các giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới như sau:

Về phía doanh nghiệp 

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Đồng thời, cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định EVFTA để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Thứ hai, tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch giá trị cao vào thị trường EU. Bên cạnh đó, tái cơ cấu một số ngành hàng, đặc biệt là các sản phẩm trái cây ngành nông nghiệp cần tái cơ cấu theo hướng gắn với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đảm bảo giá trị lao động gắn liền với sản phẩm xuất khẩu.

Thứ ba, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Bên cạnh đó, người nông dân và các doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy phát triển thương hiệu. Không chỉ thương hiệu quốc gia, mà còn là thương hiệu ngành hàng, đồng bộ trên cả 3 trục sản phẩm gồm cấp quốc gia, cấp tỉnh và của Chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Thứ tư, cần tìm cách vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trước tiên, các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP.

Ngoài ra, năng lực chế biến nông sản cũng cần được tăng lên để phù hợp hơn với thị trường EU, nơi có khoảng cách địa lý lớn với Việt Nam, do đó phải phát triển các sản phẩm đồ hộp, có thể bảo quản dài ngày đối với cả trái cây lẫn thủy sản. Sau khi có sản phẩm, một vấn đề nữa là phân phối sâu rộng vào thị trường EU.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu sang EU cần kết nối với kênh phân phối lớn và hiện đại ở khu vực này, thông qua các nhà buôn lớn, nhà nhập khẩu lớn trong khu vực để duy trì kim ngạch xuất khẩu nông sản. Qua đó, giải quyết được vấn đề bán hàng qua trung gian, giúp người nông dân không bị thương lái trục lợi, ép giá.

 Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản.

Về phía Nhà nước

Một là, tăng cường quản lý chuỗi cung ứng. Quản lý chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chính sách giá cả vì nó giữ cho chi phí kinh doanh ở mức tối thiểu và lợi nhuận cao nhất có thể. Quản lý chuỗi cung ứng bao gồm tất cả việc di chuyển và lưu trữ nguyên vật liệu, hàng tồn kho trong quá trình sản xuất và thành phẩm từ điểm xuất xứ đến điểm tiêu thụ.

Trong thị trường toàn cầu với tính cạnh tranh cao ngày nay, chất lượng hàng xuất khẩu dẫn đến áp lực buộc các tổ chức phải tìm ra những cách thức mới để tập trung phát triển nông nghiệp bền vững và theo chiều sâu, thay vì số lượng nhằm tạo ra và cung cấp giá trị ngày càng lớn hơn cho mặt hàng xuất khẩu.

Hai là, mở rộng và đa dạng hóa thị trường (tăng cầu) đối với các nông sản thông qua mở rộng thị trường cho nông sản, nhất là mở rộng xuất khẩu nông sản ra thị trường EU với các chương trình hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Kiểm soát lượng cung thông qua kiểm soát quy mô sản xuất để hỗ trợ giá cho nông sản, chẳng hạn như giảm bớt sản lượng, cho vay vốn canh tác và thu mua sản phẩm theo giá hợp đồng định trước để đảm bảo nông dân không bị thiệt khi được mùa.

Ba là, để khắc phục các trở ngại về năng lực cạnh tranh và phát triển nông nghiệp bền vững trong quá trình chuyển đổi và trong dài hạn cần thực hiện những cải cách sâu rộng trong toàn nền kinh tế, nhất là trong những vấn đề liên quan đến đất đai (quyền sở hữu/nắm giữ, sử dụng), các chính sách, thể chế liên quan đến khoa học, công nghệ, các mô hình phân cấp quản lý, phối hợp hoạt động của Nhà nước.

Nhìn chung, xuất khẩu nông sản Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm xuất khẩu, thu hút đầu tư và công nghệ sản xuất hiện đại để đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng bền vững trong bối cảnh tham gia Hiệp định EVFTA.

Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức lớn. Một mặt, xuất phát từ những hạn chế trong nội tại quá trình phát triển của ngành nông nghiệp. Mặt khác, do thách thức khách quan từ những cam kết ngày càng khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường.

Do vậy, để có thể tận dụng được các cơ hội từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa từ phía các doanh nghiệp, người sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước để có thể nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản vào thị trường EU và mở rộng thị trường tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ở châu Âu nhằm hỗ trợ đắc lực cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

TS. Lê Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh & Đầu tư Châu Âu - Hội Luật gia Việt Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang