Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Mô hình phổ biến trong đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý doanh nghiệp

author 15:52 16/12/2019

(VietQ.vn) - Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) là một công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp tự đánh giá các hoạt động của mình. Qua đó có cách tiếp cận toàn diện trong việc quản lý các hoạt động của doanh nghiệp.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Ông Resbert Osterhoff, chuyên gia GTCLQG Hoa Kỳ đào tạo cho các Chuyên gia đánh giá GTCLQG tại Việt Nam ngày 9-12/12/2019.

Với việc gia tăng ngày càng nhiều các công cụ đánh giá hoạt động của doanh nghiệp như hiện nay, doanh nghiệp phải biết lựa chọn công cụ nào phù hợp cho mình. Hiện nay các doanh nghiệp trên thế giới thường sử dụng các công cụ sau để đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý của mình:

- Quản lý chất lượng toàn diện (TQM);

- Thẻ điểm cân bằng (BSC);

- Lập kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning - ERP);

- Giải thưởng chất lượng (hay còn gọi là Mô hình kinh doanh hoàn hảo)

Trong các công cụ nêu trên, Giải thưởng Chất lượng được thừa nhận như một hình thức tôn vinh về chất lượng cho các doanh nghiệp có các thành tích nổi trội, là các hình mẫu về áp dụng các hệ thống quản lý, đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh và có đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Hiện nay trên thế giới, Giải thưởng Chất lượng được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến để đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý của mình.

Trong những năm gần đây, đối với các nhà quản lý chất lượng và quản lý doanh nghiệp trên toàn thế giới, Giải thưởng Chất lượng ở tầm quốc tế, khu vực và quốc gia, như: Giải thưởng Deming, Giải thưởng Malcolm Baldrige (GTCLQG Hoa Kỳ), Giải thưởng Chất lượng châu Âu (EFQM Excellence Award), Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (Global Performance Excellence Award - GPEA)... có sức thu hút kỳ lạ - sức thu hút của những mô hình tự hoàn thiện để vươn tới sự tuyệt hảo về chất lượng quản lý.

Các Giải thưởng Chất lượng, với những tiêu chí và mô hình áp dụng, đều dựa trên các nguyên lý và phương pháp quản lý hiện đại. Đặc biệt, các Giải thưởng Chất lượng đều phù hợp với những nguyên tắc của chính sách chất lượng quốc gia (dù chính sách chất lượng quốc gia đã được thiết lập chính thức hoặc mới được thể hiện bằng những nét chấm phá trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước). Giải thưởng Chất lượng được xem như một sự thừa nhận về chất lượng ở cấp quốc gia, khu vực và thế giới. Việc hình thành Giải thưởng Chất lượng tại các nước và khu vực, dựa trên các mô hình quản lý chuẩn hiện nay trên thế giới như ISO 9000 và TQM, hoặc các triết lý về quản trị chất lượng của các nhà quản trị chất lượng nổi tiếng thế giới như Deming, chính là sự biểu hiện của xu thế khu vực hoá và toàn cầu hoá hoạt động chất lượng.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, khu vực và quốc tế thường là các giải thưởng chất lượng trao cho tổ chức, doanh nghiệp với mục tiêu là hướng vào việc cải tiến chất lượng quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các doanh nghiệp nhằm hệ thống hoá và cơ cấu hoá hệ thống quản lý để từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất. Sự thừa nhận rộng rãi mà Giải thưởng Chất lượng mang lại cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt giải chính là "giá trị gia tăng" mà các tổ chức, doanh nghiệp đó có được để tiếp tục cải tiến hoạt động của mình.

Giải thưởng Chất lượng được thiết lập ở các nước và khu vực với mục đích là:

Cung cấp công cụ mô hình tự đánh giá (self-assessment) để giúp tổ chức, doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống quản lý của mình thông qua việc áp dụng và duy trì thành công các mô hình, công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến và thực hành tốt nhất;

Tôn vinh xứng đáng những tổ chức, doanh nghiệp đạt những thành tích xuất sắc trong hoạt động, áp dụng thành công các mô hình, công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến và thực hành tốt nhất, đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội;

Thông qua Giải thưởng Chất lượng nhằm khuyến khích phong trào năng suất, chất lượng cũng như định hướng phát triển, chính sách của hoạt động năng suất, chất lượng tại từng quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn thế giới.

Ở Việt Nam, Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (sau gọi là Giải thưởng Chất lượng Quốc gia) được hình thành nhân dịp phát động Thập niên Năng suất chất lượng lần thứ nhất (1995-2005) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, xây dựng và áp dụng các công cụ, mô hình và hệ thống quản lý tiên tiến để nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng cường hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới. Một điểm đặc biệt của GTCLQG là nó chấp nhận mô hình và tiêu chí của GTCLQG Hoa Kỳ - một mô hình chuẩn được nhiều nước trên thế giới học hỏi và áp dụng.

Trải qua 2 thập niên hình thành và phát triển với 3 dấu mốc quan trọng: giai đoạn 1 (1996 - 1999): xây dựng những nền tảng ban đầu, các hoạt động chủ yếu mang tính tuyên truyền nhằm xây dựng phong trào năng suất chất lượng; giai đoạn 2 (2000 - 2008): đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Giải thưởng thể hiện ở hai sự kiện:

1) Năm 2000 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia chính thức Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) của Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (APQO);

2) Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng Bằng khen cho các doanh nghiệp đoạt giải Vàng. Điều này thể hiện sự quan tâm và đánh giá đúng mức vị trí và tầm quan trọng của GTCLQG đối với sự phát triển và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam;

Giai đoạn 3 (từ 2009 đến nay): Đây là giai đoạn phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, thể hiện rõ vị thế và vai trò của một giải thưởng ở tầm quốc gia. GTCLQG được quy định trong Luật Chất lượng SPHH năm 2007 và năm 2009 GTCLQG chính thức được triển khai theo Luật Chất lượng SPHH.

Tính từ năm 1996 đến nay, đã có 1.914 lượt doanh nghiệp được trao Giải thưởng, trong đó có 240 giải Vàng, 128 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 50 doanh nghiệp đoạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù hoạt động của GTCLQG còn một số hạn chế (chưa thực sự cuốn hút sự quan tâm của doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp là những tập đoàn, tổng công ty lớn chưa nhiều, thiếu đội ngũ tư vấn và chuyên gia đánh giá Giải thưởng...), nhưng không thể phủ nhận rằng GTCLQG đã mở ra một trang mới cho phong trào năng suất chất lượng, là một công cục hữu hiệu giúp các doanh nghiệp tự đánh giá các hoạt động của mình. Qua đó, giúp họ nhận ra các điểm mạnh/yếu và cơ hội cải tiến, hoàn thiện mình, từ đó có cách tiếp cận toàn diện trong việc quản lý các hoạt động của doanh nghiệp.

Có thể thấy rằng Giải thưởng Chất lượng là một công cụ thiết yếu cho mọi doanh nghiệp mong muốn kiểm soát và đo lường được hệ thống quản lý của mình, cho phép doanh nghiệp định kỳ xem xét các hoạt động nào vận hành như kế hoạch đề ra, hoạt động nào sụt giảm, hoạt động nào cần được củng cố, điều chỉnh và sự chênh lệch giữa kết quả mong muốn và kết quả đạt được như thế nào. Hơn thế nữa, mô hình tự đánh giá bằng Giải thưởng Chất lượng còn xem xét, đánh giá một cách tổng thể các hoạt động và kết quả của doanh nghiệp theo các chuẩn mực của tiêu chí Giải thưởng. Quá trình tự đánh giá cũng đo lường một cách toàn diện và mang tính hệ thống các điểm mạnh và cơ hội cải tiến cho doanh nghiệp, định hướng cho doanh nghiệp xây dựng và thực thi các kế hoạch hành động khả thi trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Theo Quỹ Quản lý chất lượng châu Âu (EFMQ), đơn vị chủ trì triển khai Giải thưởng Chất lượng châu Âu: "Tự đánh giá là việc xem xét, đánh giá về sự thông hiểu, mang tính hệ thống và định kỳ các hoạt động và kết quả của một tổ chức dựa trên Mô hình Giải thưởng Chất lượng châu Âu (EFQM Excellence Model). Quá trình Tự đánh giá cho phép tổ chức phân biệt rõ ràng những điểm mạnh và những lĩnh vực có thể thực hiện các cải tiến trong tổ chức của mình. Tiếp sau quá trình đánh giá, các kế hoạch cải tiến được đề xuất và thực thi, đồng thời cũng được kiểm soát để đạt được sự tiến bộ và thành công. Các tổ chức tiến hành chu trình đánh giá và thực thi này một cách liên tục để có thể đạt được sự cải tiến thực sự và bền vững".

Với định nghĩa này hoạt động Tự đánh giá bằng Giải thưởng Chất lượng được xem là một công cụ mang tính hệ thống cho phép tổ chức, doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch hành động căn cứ vào sự nhận diện rõ ràng những điểm mạnh và điểm yếu, thông qua đó tìm kiếm được những cơ hội cải tiến hoạt động quản lý của mình, cũng như tạo ra những định hướng cho các quá trình phát triển và đổi mới liên tục.

Hơn nữa, Mô hình tự đánh giá bằng Giải thưởng Chất lượng quản lý được toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do các tiêu chí của Giải thưởng đề cập đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm: vai trò của lãnh đạo; hoạch định chiến lược hoạt động; định hướng vào khách hàng và thị trường; quản lý thông tin, công nghệ thông tin và tri thức; quản lý nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động; kết quả và hiệu quả hoạt động; hành vi đạo đức và trách nhiệm xã hội. Việc chấm điểm, đưa ra các chuẩn đối sách (benchmarking) và so sánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp với các doanh nghiệp tốt nhất trong ngành, lĩnh vực cũng chính là mục tiêu hướng tới của Mô hình tự đánh giá bằng Giải thưởng chất lượng.

Đẩy mạnh áp dụng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng quốc gia, hoàn thiện mô hình hoạt động cho DN Việt(VietQ.vn) - Qua 24 năm, đã có 1.914 lượt doanh nghiệp đạt GTCLQG, trong số đó có 240 doanh nghiệp đạt Giải Vàng và 50 tổ chức, doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương.

Phùng Mạnh Trường (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang