Giảm ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa: Đâu là giải pháp?

author 17:44 02/03/2025

(VietQ.vn) - Rác thải nhựa đang tác động tiêu cực đến động vật hoang dã, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Cần có hành động quyết liệt, kịp thời hơn nữa để giảm những tác động tiêu cực ấy.

Sự gia tăng nhanh dân số, sự phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ với những vật liệu mới tiện dụng hơn đã khiến khối lượng sản phẩm nhựa sử dụng hằng năm tại Việt Nam tăng đáng kể. Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó có từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn bị thải ra biển; chỉ có 27% số rác thải nhựa được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.

Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg ni-lông/tháng. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi ni-lông. Trong khi đó, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Tình trạng này dẫn đến "gánh nặng" không nhỏ cho môi trường, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa "ô nhiễm trắng".

Theo các chuyên gia, rác thải nhựa thường tồn tại dưới các dạng vật thể như: ống hút, vỏ chai, túi ni-lông… là vật chất được tổng hợp từ hóa chất hữu cơ (như nhựa PE). Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước. Cụ thể, khi đốt rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc dioxin, furan gây ô nhiễm không khí, ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, ung thư.

Khi chôn lấp rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Trong khi đó, để phân hủy rác thải nhựa có thể kéo dài rất lâu từ hàng trăm đến hàng nghìn năm. Chính vì vậy, khi tích tụ quá nhiều hoặc nằm rải rác trên bề mặt nước, đất sẽ gây ra hiện tượng ô nhiễm trắng ảnh hưởng rất lớn đến các loài động vật, vi sinh vật và cả con người.

Với mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế rác thải nhựa, chị Huỳnh Thị Tường Vy - đại diện Dự án Echogreen (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã có ý tưởng làm túi lưới tái chế. Ý tưởng của Echogreen bắt nguồn từ mục tiêu giảm ô nhiễm, đặc biệt là vấn đề rác thải nhựa.

Người dân thành phố Hà Nội thực hiện phân loại chất thải tại nguồn.

"Từ thực tế khi nhìn thấy các bạn tình nguyện viên dọn sạch các con kênh và bờ biển, tôi nghĩ cần phải có giải pháp bền vững hơn để không chỉ xử lý rác thải mà còn ngăn chặn rác thải nhựa ngay từ đầu. Do đó, ý tưởng thu gom lưới ngư cụ đã qua sử dụng hình thành", chị Tường Vy cho biết.

Ban đầu, việc tái sử dụng lưới cũ thành túi lưới thay thế túi nylon là ý tưởng nhưng khi bắt đầu vào dự án, nhóm nhận thấy rất tiềm năng bởi vì nó chính là mô hình kinh tế tuần hoàn, vừa giảm thiểu rác thải, vừa nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh. "Túi lưới yêu môi trường" không chỉ là sản phẩm thân thiện môi trường mà còn tạo ra giá trị kinh tế - một công việc, một nguồn thu nhập mới, đặc biệt hỗ trợ người khuyết tật thông qua sản xuất sản phẩm bằng thủ công.

Nhóm bắt đầu thu mua lưới thải và xử lý nguồn lưới thải đầu vào, đồng thời cắt, may thành bán thành phẩm, sau đó may hoàn thiện, vệ sinh thành phẩm.

Tương tự, Trường Đại học Khoa học ứng dụng Ostfalia (Đức) đã phối hợp Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Hạ Long, Trường Đại học Kiên Giang và các đối tác tại Việt Nam thực hiện Dự án “Ngăn ngừa, giảm thiểu và tái chế rác thải ngư cụ gây ô nhiễm môi trường ở các vùng biển ven bờ Việt Nam” (REVFIN), với sự tài trợ của Bộ Môi trường, Bảo tồn tài nguyên, An ninh nguyên tử và Bảo vệ người tiêu dùng của Cộng hòa Liên bang Đức.

Mục tiêu của dự án là tập trung giải quyết vấn đề lưới thải ngư cụ ở các vùng biển của Việt Nam nhằm giảm lượng lưới đánh cá không được sử dụng đến, bị mất hoặc loại bỏ, nâng cao nhận thức để tránh tổn thất ngư cụ cho doanh nghiệp, ngư dân và cơ quan quản lý nghề cá, cũng như xã hội nói chung. Từ đó, hướng đến giảm tác động môi trường và tạo ra thị trường cho nguyên liệu thô tái chế từ các nguồn này nhằm tạo ra chuỗi giá trị khép kín.

Xuất phát từ thực tiễn, các chuyên gia môi trường khuyến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương sớm ban hành quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế. Cần tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa; thực hiện thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn.

Mặt khác, các địa phương cần xây dựng và nhân rộng mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn; đồng thời phát hiện biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là giải pháp, sáng kiến giảm rác thải nhựa tại gia đình, cộng đồng và đơn vị mình.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang