Giảm phát thải nhà kính trong chuỗi cung ứng tôm để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường

(VietQ.vn) - Giảm phát thải trong chế biến, sản xuất tôm chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị điện dùng cho lắp đặt trong gia đình
Người dùng Android và iOS bị tấn công bởi ứng dụng gián điệp
Tác dụng phụ phổ biến và nghiêm trọng liên quan đến thuốc GLP-1RA điều trị tiểu đường và giảm cân
Thực hiện quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả để đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ và châu Âu đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Còn thị trường Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Triển vọng xuất khẩu sản phẩm tôm Việt Nam vốn lớn, lại được người tiêu dùng nhiều thị trường ưa chuộng, sử dụng nhiều, nhất là trong các dịp lễ hội. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sự lựa chọn của người tiêu dùng luôn là mục tiêu đầu tư phát triển sản xuất của ngành hàng này.
Mặc dù tôm có khả năng thích ứng với khi hậu cao hơn một số đối tượng thực phẩm khác, song nếu so sánh với nhiều loài hải sản khác thì chúng vẫn còn khá nhiều thách thức, đặc biệt là từ nguồn thức ăn chăn nuôi – một trong những nguồn phát thải carbon chính trong hầu hết các chuỗi cung ứng tôm.
Tại Diễn đàn tôm toàn cầu được tổ chức gần đây, một trong những chủ đề chính được thảo luận sôi nổi là những lợi ích mà người nuôi tôm có thể thu được từ việc giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất.
Hiện nay cộng đồng quốc tế hiện đang hướng tới mục tiêu xây dựng cơ sở kiến thức chung về lượng khí thải nhà kính trong chuỗi cung ứng tôm hiện nay, đặc biệt chú trọng những điểm nóng và những bất ổn hiện còn tồn tại, cũng như giúp nông dân biết được họ có thể làm gì để chủ động ứng phó với tính hình.

Nuôi tôm để giảm phát thải khí carbon là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp nuôi tôm. Ảnh minh họa
Theo đó ngành sản xuất tôm sẽ dần cảm thấy áp lực phải giảm lượng khí thải carbon từ nhiều phía khi người tiêu dùng, chuỗi cung ứng và thương mại hay hệ thống tài chính như các ngân hàng, nhà đầu tư đều cam kết hoặc yêu cầu mức phát thải ròng bằng 0 đối với lượng khí thải carbon.
Mặt khác, chuỗi sản xuất nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng cũng phải tăng cường quản lý rủi ro do các tác động vật lý của biến đổi khí hậu gây ra, như các sự kiện thời tiết khắc nghiệt hay chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Lợi ích chủ yếu mà giảm phát thải khí nhà kính mang lại cho người nuôi tôm là thông qua giảm rủi ro đầu tư và cải thiện động lực chuỗi cung ứng. Do tình hình kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi sau đại dịch, do đó, các biện pháp giảm phát thải carbon cần dựa trên các quan điểm kinh tế nhằm mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Bên cạnh đó, điều này cũng yêu cầu một sự phối hợp của nhiều bên gồm các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, chuỗi cung ứng và vận chuyển, thương mại.
Thực tế tại Việt Nam, các cam kết phát thải ròng bằng 0 đã xuất hiện ngày càng nhiều trong chuỗi bán lẻ thủy sản nói chung, tương tự như trường hợp của chuỗi thức ăn chăn nuôi. Mục tiêu hợp tác để giảm phát thải khí nhà kính ngày càng rõ ràng, và tôm cũng không phải là ngoại lệ trong chuỗi cung ứng thủy sản.
Trước thách thức về môi trường, dịch bệnh và quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không thể phủ nhận thời gian qua các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, từ việc ứng dụng công nghệ, phát triển hạ tầng khu nuôi… giúp việc quản lý môi trường tốt hơn, giảm phát thải, kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả cho người nuôi và doanh nghiệp.
Theo ông Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng phát triển thị trường thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thực tế ngành chế biến thủy sản Việt Nam nói chung, chế biến tôm đông lạnh nói riêng đang tích cực chuyển đổi và đã có những tiến bộ đáng kể. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn đã áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn để giảm thiểu, tiết kiệm tối đa nguyên nhiên vật liệu, năng lượng. Chính các nhà bán lẻ cũng đang thể hiện vai trò của mình trong việc định hướng thị trường bằng cách gây áp lực lên các nhà cung cấp nhằm yêu cầu thực hiện các cam kết phát thải đã được đưa ra.
Bên cạnh đó, 100% cơ sở chế biến đã thay thế bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn LED để tiết kiệm điện. Các phụ phẩm thủy sản, chất thải rắn, vỏ bao bì… được thu gom triệt để, bảo quản và bán cho các đơn vị thu mua. Hầu hết cơ sở đều có hệ thống xử lý nước thải riêng hoặc được đưa đến cơ sở xử lý tập trung trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, đối với những cơ sở nhỏ vẫn còn bất cập, tỷ lệ thu gom, xử lý, tái chế chất thải thấp.
Xong để nâng cao chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản nhỏ cần đầu tư, sử dụng hệ thống điện mặt trời để nâng cao hiệu quả, giảm hệ số phát thải, đẩy nhanh tiến trình thay thế môi chất lạnh trong cơ sở chế biến thủy sản, đặc biệt là cơ sở quy mô nhỏ. Các nhà máy chế biến quản lý chặt chẽ việc sản xuất và sử dụng nước đá, sử dụng kho lạnh, hệ thống điều hòa nhiệt độ, thay thế bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn LED, quản lý sử dụng năng lượng và quy trình vận hành thiết bị lạnh, hạn chế chạy không tải, non tải.
Cùng với đầu tư hệ thống sản xuất giảm phát thải, các doanh nghiệp chế biến tôm cũng đang có xu hướng tận dụng phế phẩm của tôm để tạo thêm giá trị gia tăng, tránh lãng phí nguồn tài nguyên phụ phẩm hữu cơ. Doanh nghiệp chế biến tôm cũng đang áp dụng 3 giải pháp đổi mới sáng tạo trong chế biến phụ phẩm tôm gồm hệ thống nuôi tôm thâm canh tuần hoàn khép kín (RAS) giúp tiết kiệm và kiểm soát chất lượng nước, giảm thiểu bệnh dịch, nâng cao năng suất và giảm tác động tiêu cực đến môi trường; mô hình nuôi tôm – rừng cải tiến, nâng cao tỷ lệ sống của tôm giống thả nuôi bằng ương dưỡng, cải thiện chất lượng nước và thức ăn tự nhiên để nâng cao năng suất và giải pháp cải thiện chất lượng nước, nâng cao chất lượng tôm giống và an toàn sinh học.
Ông Ngô Tiến Chương, Trưởng nhóm Thủy sản GIZ nhấn mạnh, để phát triển hiệu quả ngành tôm, một trong những giải pháp hàng đầu được đặt ra là áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ môi trường. Về lâu dài, công nghệ cũng sẽ giúp người nuôi và doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.
Theo ông Đào Trọng Hiếu thông tin thêm, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho ngành tôm. Vì vậy, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tái chế, chế biến phụ phẩm tôm thành các sản phẩm giá trị gia tăng sử dụng trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thực phẩm, y dược và mỹ phẩm. Bởi, dư địa lĩnh vực này còn rất lớn, khoảng 70% phụ phẩm tôm chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm chiếm hơn 15% và trong y dược chưa tới 2%. Trong khi đó, sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm chủ yếu tiêu thụ trong nước tới 80 – 90%, còn lại là xuất khẩu, chủ yếu sang các nước châu Á (Trung Quốc, Thái Lan).
An Dương (T/h)