Giám sát chặt chẽ việc cấp mã số vùng trồng với sản phẩm nông sản

author 05:51 29/11/2022

(VietQ.vn) - Việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, tuy nhiên, phần lớn các thị trường đều yêu cầu khá khắt khe về tiêu chuẩn với sản phẩm. Trong đó, có yêu cầu về vùng trồng và cơ sở đóng gói của nước xuất khẩu phải được giám sát chặt chẽ và được cấp mã số định kỳ.

Những năm qua, công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu; đồng thời góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường.

Việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, tuy nhiên, phần lớn các thị trường đều yêu cầu khá khắt khe về tiêu chuẩn với sản phẩm. Trong đó, có yêu cầu về vùng trồng và cơ sở đóng gói của nước xuất khẩu phải được giám sát chặt chẽ và được cấp mã số định kỳ.

 Kiểm tra việc áp dụng đèn chiếu sáng để kích thích cây thanh long ra trái vụ. Ảnh: internet. 

Trao đổi với báo chí, TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, các vùng trồng và cơ sở đóng gói cần đảm bảo việc tuân thủ yêu cầu của từng quốc gia, từng thị trường. Cùng một mặt hàng nông sản nhưng mỗi thị trường sẽ có quy định khác nhau. Bên cạnh đó, các vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ được đăng ký trên tinh thần tự nguyện, sau đó sẽ được kiểm tra, đánh giá định kỳ và phải được công nhận bởi các nước nhập khẩu, giám sát bởi cơ quan quản lý.

Bà Hiền đưa ra 5 bước yêu cầu thiết lập vùng trồng, bao gồm: xác định diện tích; sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng; kiểm soát các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước; có nhật kí canh tác; thực hành nông nghiệp tốt, tối thiểu là theo quy trình VietGAP.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc phát triển mã số vùng trồng, TS. Phan Thị Thu Hiền nêu thực trạng hiện nay việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê... Đặc biệt, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.

Về thị trường Trung Quốc, một thị trường vô cùng tiềm năng đối với nông sản Việt Nam, bà Hiền cho hay, hiện, thị trường Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu, tiểu ngạch. Cùng với đó tăng cường giám sát, yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Theo đó, bà Hiền kiến nghị bên phía Việt Nam cần chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin mở cửa thị trường, quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

“Các doanh nghiệp cần chủ động các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo tới các cơ quan quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình, cũng như khi phát hiện những vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có sự phối hợp, xử lý. Đồng thời cần chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các địa phương để cấp mới, liên kết các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản”, đại diện Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 đưa ra đề xuất với các doanh nghiệp.

Ngày 28/3/2022, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Trong đó chỉ thị nêu rõ, các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường tuyên truyền cho hội viên về quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đặc biệt là quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Đồng thời, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan đầu mối tại địa phương hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên tích cực tham gia phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói tại địa phương phục vụ xuất khẩu.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang