Giao dịch trực tuyến: Lòng tin của người tiêu dùng là yếu tố tiên quyết

author 06:51 27/03/2019

(VietQ.vn) - Một trong những cản trở lớn nhất là lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, ông Nguyễn Kỳ Minh, Ủy viên Ban Chấp hành VECOM nhận định.

Tăng dần chênh lệch về phát triển TMĐT giữa các địa phương

Theo báo cáo "Chỉ số Thương mại điện tử 2019 – EBI do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố, năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đạt trên 30%.

 Ảnh minh họa.

Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường TMĐT năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020, theo mục tiêu này thì quy mô TMĐT bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Cũng theo báo cáo, điểm trung bình của Chỉ số TMĐT năm 2019 là 40,3 điểm, tăng 2,8 điểm so với năm 2018. Thế nhưng, cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất và điểm trung bình của nhóm 5 địa phương cao nhất đang ngày càng bị nới rộng khi cách biệt tới 39,4 điểm, cao hơn khoảng cách 36,7 điểm của năm 2018.

Cụ thể, trong báo cáo cho thấy, EBI của TP. HCM tiếp tục dẫn đầu với điểm tổng hợp là 86,8 điểm, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm 2018. Điểm số này cao hơn rất nhiều so với điểm số trung bình của EBI trong cả nước (40,3 điểm) và cao hơn tới gần 60 điểm so với địa phương có điểm xếp hạng thấp nhất là Bắc Kạn (27,4 điểm). Đứng thứ hai là Hà Nội với điểm tổng hợp là 84,3 điểm, cao hơn 4,5 điểm so với năm trước.

Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Hải Phòng giữ vị trí thứ 3 về EBI. Hai vị trí tiếp sau vẫn là Đà Nẵng và Bình Dương. Nhìn chung top 5 tỉnh thành đầu bảng vẫn không có sự thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, khoảng cách giữa TP. HCM và Hà Nội với 3 địa phương còn lại là rất lớn (khoảng cách giữa Hà Nội với Hải Phòng lên tới 24,7 điểm). Bên cạnh đó, cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất (29 điểm) với điểm trung bình của nhóm 5 địa phương cao nhất (68,4 điểm) lên tới 39,4 điểm (năm 2018 là 36,7 điểm, năm 2017 là 36 điểm, năm 2015 là 30,5 điểm, năm 2014 là 20,3 điểm và năm 2013 chỉ là 18 điểm). Điều này chứng tỏ sự chênh lệch về phát triển TMĐT giữa các địa phương đang tăng dần.

Đại diện VECOM cho biết, xu hướng chênh lệch về sự phát triển TMĐT giữa nhóm các địa phương phát triển so với nhóm các địa phương chậm phát triển đang tăng dần. Năm 2018 vừa qua cũng đánh dấu nhiều về sự phát triển của TMĐT như về quy mô thị trường, tốc độ tăng trưởng, đầu tư... tuy nhiên có lẽ sự phát triển này vẫn đa số nằm ở nhóm địa phương phát triển điển hình là Hà Nội và TP.HCM. Do đó, việc thu hẹp khoảng cách số tiếp tục là một thách thức lớn đối với TMĐT Việt Nam.

Lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Ủy viên Ban Chấp hành VECOM nhận định lòng tin của người tiêu dùng là 1 trong những cản trở lớn nhất đối với giao dịch mua bán trực tuyến. 

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Ủy viên Ban Chấp hành VECOM nhận định, sự phát triển của TMĐT phát triển ở các địa phương lớn là điều dễ hiểu. Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2019 cũng cho thấy vẫn còn nhiều cản trở cho sự bứt phá trong giai đoạn tới. Những cản trở lớn nhất gồm lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, dịch vụ logistics – giao hàng chặng cuối - hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chênh lệch khoảng cách số giữa các địa phương còn rất cao. Thu hẹp khoảng cách số tiếp tục là thử thách lớn đối với TMĐT Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần có những chính sách và giải pháp mạnh mẽ để vừa thúc đẩy vai trò đầu tàu về TMĐT của hai trung tâm kinh tế ở hai đầu đất nước, vừa hỗ trợ sự phát triển của các địa phương khác, tạo sự phát triển TMĐT nhanh và bền vững.

Đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng quản lý hoạt động TMĐT cho rằng, trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hỗ trợ các địa phương có chỉ số TMĐT thấp. Hiện, Cục đã tập trung xây dựng các kế hoạch tổng thể giai đoạn 2016 - 2020 với nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ các địa phương như: Đào tạo nâng lực quản lý nhà nước về TMĐT, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT... để giúp các địa phương nâng cao thứ hạng của mình trong tương lai.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thuộc của Chương trình phát triển TMĐT quốc gia cũng tiếp tục tập trung thực hiện như: Nghiên cứu và xây dựng mô hình thanh toán TMĐT; xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến; Xây dựng hệ thống giám sát và quản lý hoạt động TMĐT trên môi trường trực tuyến; Xây dựng giải pháp đào tạo trực tuyến về TMĐT; Nghiên cứu giải pháp thẻ thanh toán… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tận dụng tối đa những lợi ích mà TMĐT đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Thương mại điện tử Việt Nam: Quy mô bán lẻ có thể đạt 13 tỷ USD vào năm 2020(VietQ.vn) - "Nếu tốc độ tăng trưởng năm 2019 và 2020 tiếp tục giữ ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ TMĐT sẽ lên tới khoảng 13 tỷ USD", bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết.

Bùi Quang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang