Giáo sư Trần Văn Khê-cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam qua đời

author 10:58 24/06/2015

(VietQ.vn) - Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng người nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu của làng nhạc dân tộc Việt Nam GS-TS Trần Văn Khê đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 2 giờ 55 phút tại bệnh viện nhân dân Gia Định. Ông thọ 94 tuổi.

Giáo sư Trần Văn Khê 

Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, Giáo sư Trần Văn Khê cấp cứu tại bệnh viện nhân dân Gia Định từ cuối tháng 5 do tuổi cao sức yếu lại mắc nhiều bệnh hiểm nghèo. Trong suốt quá trình chữa trị tại đây, được biết, ông đã được điều trị trực tiếp bởi giám đốc bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ y tế cũng trực tiếp vào thăm ông và bà nói rằng "Bộ Y tế đề nghị bệnh viện và sẽ tìm cách hỗ trợ toàn bộ chi phí chữa bệnh cho GS. Hiện nay GS. Trần Văn Khê đang được cứu chữa và chăm sóc với điều kiện và thuốc men tốt nhất ở VN". Trong thời gian giáo sư nằm bệnh viện, các con ông đã luôn túc trực bên ông, nhiều lần ông đã tỉnh táo để dặn dò nói chuyện với một số học trò, con cháu.

Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại tỉnh Vĩnh Long, là con cả của một gia đình có bốn đời nhạc sĩ. Lên 6 tuổi biết đàn kìm (đàn nguyệt), tám tuổi biết đàn cò (đàn nhị), 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc... Năm 1941 thi đậu Thủ khoa Tú Tài Khoa Triết.

Ông sang Pháp năm 1949, học tại trường Đại học Sorbonne ở Paris vào năm 1958. Năm 1949, học tại Viện Khoa học Chính trị Paris. Năm 1951, tốt nghiệp Khoa học Chính trị, Khoa Giao dịch Quốc tế. Từ 1954 đến 1958, học Đại học Văn Khoa Paris, Viện Âm nhạc học. Năm 1958, ông là người Việt đầu tiên đỗ tiến sĩ Khoa Âm nhạc học Đề tài luận án: La Musique vietnamienne traditionnelle” (Âm nhạc truyền thống Việt Nam).

Sau hơn 50 năm ở nước ngoài, hiện tại ông về sống tại 32 Huỳnh Đình Hai (Bình Thạnh, TP.HCM), nơi này sẽ là bảo tàng lưu giữ sách và các loại nhạc cụ dân tộc của Giáo sư.

Chia sẻ với Thanh Niên Online, bác sĩ Hồ Văn Hân - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viên Nhân dân Gia Định cho biết GS-TS Trần Văn Khê tuổi cao lại mang trong người nhiều chứng bệnh nội khoa phối hợp về tim, phổi, thận trong đó nặng nhất là viêm phổi. Trước đây, ông từng nhiều lần ra vào bệnh viện để điều trị nhưng đây là lần nặng nhất.

Trong những ngày nằm viện, giáo sư nằm tại khoa Hồi sức đặc biệt, điều trị cách ly. Người trực tiếp chỉ đạo điều trị cho GS-TS Trần Văn Khê là PGS-TS Hoàng Quốc Hòa - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê khai đàn dịp Tết Ất Mùi 2015 tại tư gia.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày trước, GS-TS Trần Văn Khê vẫn nhận biết được khi con cháu vào thăm. Thậm chí, ông chảy nước mắt xúc động khi có một người cháu nắm tay và hôn lên trán ông.

Người thân cho biết trước khi ra đi, ông đã sắp đặt mọi chuyện hậu sự của chính mình. Theo bản di nguyện của giáo sư (được người nhà cung cấp cho Thanh Niên), chủ tang sẽ là con trai trưởng của ông, GS-TS Trần Quang Hải. Bên cạnh đó còn có một tiểu ban tang lễ gồm: nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy và bà Lý Thị Lý.

Dù không theo một tôn giáo nào nhưng Giáo sư Trần Văn Khê mong muốn được an táng theo nghi thức Phật giáo. Ban nhạc lễ do nhạc sĩ Nhất Dũng phụ trách. Ngoài ra còn có một dàn nhạc đờn ca tài tử gồm những bạn thân đồng điệu và môn sinh của GS-TS Trần Văn Khê, sẽ hòa tấu một buổi đặc biệt trong tang lễ.

Cũng theo ước nguyện của GS-TS Trần Văn Khê, linh cữu của ông sẽ được quàn tại tư gia (số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong thời gian từ 1 tuần lễ cho đến 10 ngày để các con, các cháu, bạn bè thân thuộc ở xa có thời gian về kịp dự tang lễ.

Bên cạnh đó, ngôi nhà mà ông ở khi còn sống tại VN sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Trong bản di nguyện, ông bày tỏ mong muốn những thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại Thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu.

Ngoài ra, ông cũng không quên người đã tận tình giúp việc cho ông trên 10 năm là bà Nguyễn Thị Na. Theo ông, bà Na đã tự tay chăm sóc ngôi nhà này và biết rất rõ những sinh hoạt của ông trong căn nhà này. Vì thế, ông mong muốn bà Na sẽ được tiếp tục ở lại giúp cho người quản lý Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này.

Những di nguyện đầy tính nhân văn, thấm đẵm nghĩa tình với những người xung quanh của GS-TS Trần Văn Khê đã khiến nhiều người không khỏi xúc động...

Giáo sư Trần Văn Khê đã nhận nhiều giải thưởng quốc tế về đĩa hát và hoạt động nghiên cứu, quảng bá âm nhạc dân tộc. Các giải thưởng ông đạt được:

- Năm 1949: Giải thưởng nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan Thanh niên Budapest.

- Năm 1975: Tiến sĩ âm nhạc danh dự (Docteur en musique, honoris causa) của Đại học Ottawa (Canada).

- Năm 1981: Giải thưởng âm nhạc của UNESCO ở Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (Prix UNESCO - CIM de la Musique).

- Năm 1991: Huy chương về Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (Officier de l'Ordre des Arts et des Lettres, Ministère de la Culture et de l'Information du Gouvernement français).

- Năm 1993: được cử vào Hàn lâm viện châu Âu về Khoa học, Văn chương, Nghệ thuật; viện sĩ thông tấn.

- Năm 1995: Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật).

- Năm 1998: Huy chương Vì Văn hóa Dân tộc của Bộ Văn hóa Việt Nam.

- Năm 1999: Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch Trần Đức Lương trao. Cũng trong năm này ông được Đại học Moncton (Canada) trao bằng Tiến sĩ danh dự nhờ học vị và công trình nghiên cứu về âm nhạc học.

- Năm 2011: Giáo sư Khê được trao giải thưởng "Thành tựu trọn đời trong âm nhạc" do Ủy ban kết nghĩa Việt - Mỹ của hai thành phố San Francisco và TP HCM trao tặng. Cùng năm này ông được trao Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu.

- Năm 2005: Giải thưởng Đào Tấn do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trao tặng.

- Năm 2013: Ủy ban Nhân Dân TP HCM trao tặng Huy hiệu TP HCM cho Giáo sư Khê.

Ông là thành viên danh dự suốt đời của hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO.

Thành Long(T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang