Giáo viên nói gì về bút điện tử của Việt Nam?

author 08:08 24/09/2012

(VietQ.vn) – "Dùng rất gọn, có thể kiểm tra được cách phát âm của các em …"- thầy Vũ Mạnh Thi, Hải Phòng.

Ngày 22/9, tại Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến giáo viên về các thiết bị dạy ngoại ngữ.

TS Doãn Hà Thắng bên chiếc bút điện tử có khả năng dạy ngoại ngữ. Ảnh: Kienthuc.net
TS Doãn Hà Thắng bên chiếc bút điện tử có khả năng dạy ngoại ngữ.
Ảnh: Kienthuc.net

Giáo viên nói gì?

Đánh giá về bút điện tử của Viện Vật lý, nhiều thầy cô từ các tỉnh đến dự đều cho rằng, thiết bị này là cần thiết.

Thầy Vũ Mạnh Thi, giáo viên tiếng Anh, Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, quận Ngô Quyền, Hải Phòng cho hay, thầy rất thích dùng thiết bị này vì chỉ cần đeo vào cổ, dùng một thiết bị phóng âm thanh, là có thể đến các lớp dạy.

Thầy Thi cho hay, hầu hết các trường ở Hải Phòng đều sử dụng bút của Viện  Vật lý, vì "người nọ mách cho người kia", vì tính năng ưu việt khi sử dụng thiết bị này.

Thầy Hoàng Văn Tùng (Hải Dương) phát biểu, thiết bị nhận dạng kiểm tra, đánh giá ngữ âm (bút điện tử) có thể “tua” lại dễ dàng, khác với các loại bút khác.

Cô Vũ Thị Mai (giáo viên dạy ngoại ngữ quận Cầu Giấy, Hà Nội ) cho rằng, bút điện tử của Viện Vật lý dùng rất tốt, hỗ trợ được các em học ở nhà mà không cần người lớn kèm cặp. Tuy nhiên, cô mong muốn được tập huấn về phần mềm kiểm tra, đánh giá của loại bút này.

Cô Trần Thị Phương Thảo (giáo viên tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, có tới 5 loại bút điện tử được giới thiệu nên giáo viên khó khăn khi lựa chọn, nên mong muốn Bộ hướng dẫn, tư vấn cho nhà trường chọn bút.

Nhiều thầy cô và cán bộ quản lý giáo dục của các tỉnh cũng đánh giá, các thiết bị dạy ngoại ngữ (trong đó có thiết bị đánh giá, nhận dạng và kiểm tra ngữ âm) là cần thiết để hoàn thành đề án ngoại ngữ.

Bút điện tử Việt Nam sẽ thoát “bóng đè” của doanh nghiệp in sách

Chiều 22/9, chúng tôi đã đến một trường tiểu học thuộc huyện Thái Thụy, Thái Bình. Các cô giáo ở đây cho biết, rất muốn nhân rộng sử dụng bút điện tử của Viện Vật lý nhưng chưa có sách mã hóa (phải có sách mã hóa mới sử dụng được bút).

Trước yêu cầu này, TS Doãn Hà Thắng (Viện Vật lý) cùng đồng nghiệp đã phát minh ra các thẻ dán lên sách. Có nghĩa là kể cả với những sách không có mã hóa, chỉ việc dán các thẻ dán này lên sách, chấm bút vào đó là học sinh có thể tự học và kiểm tra tiếng anh.

Đánh giá về phát minh này, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất trường học và Đồ chơi trẻ em, ông Phạm Ngọc Phương cho biết, ông rất ủng hộ cách làm đó.

“Giả sử một gia đình nhà nghèo ở quê, đang nuôi lợn nhỏ, chưa có tiền mua bút điện tử, chỉ mua được sách giáo khoa. Nhưng năm sau, lợn lớn, nhà đó bán đi, có tiền mua bút, có thể lấy các thẻ dán đó dán lên sách cũ và sử dụng như thường” – ông Phương phân tích.

Trong khi nhiều tỉnh đang “kêu” không có sách mã hóa thì với cách làm này, Viện Vật lý đang thoát khỏi phụ thuộc vào đơn vị in sách giáo khoa.


 Phương Đông

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang