Giật mình: Sản phẩm của PepsiCo Việt Nam không có nơi sản xuất

authorThúy Hạnh 15:03 21/10/2016

(VietQ.vn) - Nhiều sản phẩm đồ uống của Cty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam không ghi rõ nơi sản xuất trên nhãn mác đang khiến dư luận quan tâm.

Đồ uống của pepsico Việt Nam không ghi rõ nơi sản xuất

Theo phản ánh trên Báo Gia đình và Xã hội mới đây, các sản phẩm mang thương hiệu nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam do Cty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam sản xuất không ghi rõ địa chỉ sản xuất (nhà máy) như quy định. 

Bởi theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nghi nhãn hàng hóa đã quy định: Trên nhãn hàng hóa của sản phẩm phải thể hiện rõ các nội dung như: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Hàng hoá được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hoá đó. Đây là các điều kiện bắt buộc mà nhà sản xuất phải cung cấp, ghi đầy đủ, rõ ràng trên nhãn hàng hóa sản phẩm.

Tuy nhiên, theo khảo sát tại các siêu thị và nhiều cửa hàng bán đồ uống trên thị trường, các sản phẩm nước giải khát đóng chai của Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam, trên nhãn hàng không có thông tin về nơi sản phẩm được sản xuất (nhà máy).

Đơn cử như với sản phẩm là nước tăng lực Sting hương dâu tây đỏ, trên nhãn của chai nước này chỉ ghi là sản xuất bởi Cty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (cao ốc Sheraton, số 88 đường Đồng Khởi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) và các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, thành phần. Nhưng trên nhãn sản phẩm không hề có dòng nào cho thấy có thông tin về địa chỉ sản xuất ra sản phẩm (nhà máy).

Tương tự với nhãn hàng của chai nước tăng lực Sting hương dâu tây đỏ là các sản phẩm như thực phẩm bổ sung nước uống Isotonic, 7Up, Revive hay chai nước tăng lực Sting…. cũng của Cty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam trên nhãn mác đều không có thông tin về nơi sản xuất.

Trả lời phỏng vấn của Báo Gia đình và Xã hộiông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết hiện tại Hội chưa nắm bắt được thông tin này.

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Gia đình và Xã hội

Ông Hùng cũng đặt ra tình huống: “Nếu các sản phẩm đồ uống giải khát có dán nhãn của Suntory PepsiCo Việt Nam, nhưng trên nhãn bao bì sản phẩm không có địa chỉ sản xuất (tại nhà máy nào, ở đâu) có thể là sản phẩm làm giả thì sao. Người, tổ chức làm giả họ không ghi nơi sản xuất là để che giấu hành vi làm giả. Điều này cần phải được xem xét kỹ”- ông Hùng nói. 

Luật sư Ngụy Thành Thắng - Đoàn luật sư Hà Nội cũng chia sẻ, nếu như Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam không cung cấp thông tin về địa chỉ sản xuất (nhà máy) sản phẩm của họ là đã không tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quy định ghi nhãn hàng hóa. 

Làm thế nào để khi dùng thớt gỗ không lo bị ung thư gan?(VietQ.vn) - Khi cắt hoặc chặt thức ăn trên thớt gỗ, những mảnh vụn sẽ bám lại trên mặt thớt. Lâu ngày những thứ này sẽ biến đổi thành các loại vi khuẩn nguy hiểm

“Tôi được biết Suntory PepsiCo Việt Nam có nhiều nhà máy sản xuất đồ uống trong cả nước, mỗi nhà máy, cơ sở của họ có thể sản xuất các sản phẩm đồ uống khác nhau, vì lý do gì họ không cung cấp thông tin về nhà máy, cơ sở sản xuất sản phẩm trên nhãn bao bì thì cần phải làm rõ. Nếu không địa chỉ rõ ràng về nhà máy, cơ sở sản xuất sản phẩm được in trên bao bì thì không thể khiến dư luận không hoài nghi về việc sản phẩm được gia công tại những cơ sở không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm bị làm giả, làm nhái”- luật sư Ngụy Thành Thắng nói.

Việc này cần được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Trà Ô Long từng bị "tố" quảng cáo lừa người dùng

Trước đó Trà Ô Long TEA+ Plus của Cty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam cũng đã từng bị phanh phui sử dụng bột trà Trung Quốc, chiết xuất trên dây chuyền Trung Quốc, quảng cáo hoạt chất không có thật.

Tin tức trên báo Giao thông, khi tung ra sản phẩm “Trà Ô long TEA+ Plus”, Công ty PepsiCo Việt Nam đã cho rằng OTPP - thành phần tự nhiên chiết xuất từ trà Ô Long - có tác dụng giúp hạn chế hấp thu chất béo, đem lại cảm giác nhẹ nhàng. Tuy nhiên, theo khẳng định của các nhà khoa học trong nghiên cứu sinh hóa phẩm thì trong trà không hề có chứa chất nào tên OTPP.

 Thông tin quảng cáo trà ô long TEA + Plus trên website của Suntory Pepsico. Ảnh: Đời sống & Pháp luật

Trả lời báo chí, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Các nhà khoa học nói chung và cá nhân tôi đã phát hoảng khi nghe quảng cáo sản phẩm trà Ô Long TEA+ Plus. Nhiều năm làm khoa học, nghiên cứu, tôi chưa bao giờ nghe một loại trà nào mà có chứa công thức hóa học mang hoạt chất OTPP..."

Theo lý giải của PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, cụm từ “OTPP” là kiểu ghép đơn giản từ những “thành phần” sau: O, tức là “Ô long”, tên của một loại trà được lên men bán phần từ trà xanh, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết. Còn chữ T là chữ đầu tiên của từ tiếng Anh - Tea. Hai từ PP còn lại viết tắt từ hoạt chất hóa học Polymerized Polyphenols. Tuy nhiên, trong bất kỳ loại trà nào thì cũng đều có chứa chất Polyphenols, đây là chất chống oxy hóa.

Nếu như quảng cáo trà có chứa OTPP thì chỉ là bịa, vì trong thành phần hóa học không hề có chất này, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định.

Vụ việc được công khai cách đây khoảng 2 tháng sau khi "lộ" ra tờ khai nhập khẩu của Công Ty TNHH Nước Giải Khát Suntory Pepsico Việt Nam.

Từ tháng 6 đến tháng 12/2015, công ty này nhập khẩu mặt hàng là “Bột trà ô long-Instant Oolong tea powder SUN60 (Qui cách đóng gói: 20kgs/1 carton)”, nơi nhập khẩu là Việt Nam, nguồn gốc xuất xứ ghi “CN” (viết tắt China, tức Trung Quốc - PV). Số hàng này được vận chuyển bằng đường biển.

Trà Ô Long TEA+ Plus đã mở các chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, khiến giới trẻ nhầm lẫn đây là sản phẩm của Nhật Bản, chất lượng Nhật Bản. Tuy nhiên, hãng này lại giấu nhẹm nguồn gốc nhập nguyên liệu của loại trà này toàn là từ… Trung Quốc. Các chuyến dịch truyền thông này khiến người tiêu dùng hiểu nhầm, đặc biệt là giới trẻ.

Ông Đỗ Ngọc Chính, Ủy viên BCH Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, người tiêu dùng cần sự minh bạch trong thông tin của nhà sản xuất. Sự không minh bạch cho thấy doanh nghiệp thiếu tôn trọng người tiêu dùng.

Thúy Hạnh (T/H)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang