Giới thiệu tổng quan hệ thống tiêu chuẩn về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

author 06:15 13/10/2022

(VietQ.vn) - Tiêu chuẩn hữu cơ ASEAN nêu rõ nông nghiệp hữu cơ đáp ứng các mục tiêu sau đây: Áp dụng sản xuất hữu cơ lâu dài, bền vững, theo hướng sinh thái và có tính hệ thống; Đảm bảo độ phì của đất lâu dài và dựa trên đặc tính sinh học của đất; Giảm thiểu (và tránh dùng nếu có thể) vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong mọi giai đoạn của chuỗi sản xuất hữu cơ cũng như sự phơi nhiễm của con người và môi trường đối với các hóa chất bền hoặc có nguy cơ gây hại; Giảm thiểu việc gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất đến môi trường xung quanh; Không sử dụng các công nghệ không có nguồn gốc tự nhiên (ví dụ: các sản phẩm từ kỹ thuật biến đổi gen, công nghệ chiếu xạ...); Tránh bị ô nhiễm từ môi trường xung quanh; Duy trì tính chất hữu cơ trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và vận chuyển.

An toàn thực phẩm đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. An toàn thực phẩm không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống mà còn quyết định uy tín của thương hiệu sản phẩm thực phẩm. Chất lượng và an toàn thực phẩm của mỗi loại thực phẩm được quyết định bởi tất cả các công đoạn, bao gồm sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển… Việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp những thập niên vừa qua đã dẫn đến nhiều hậu quả như: đất đai bạc màu, sâu bệnh càng tiến hóa để thích ứng, nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Do đó, thời gian gần đây trên thế giới đang hướng đến các phương thức sản xuất mới như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP/ GlobalGAP) và nông nghiệp hữu cơ.

Theo Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quản lý sản xuất toàn diện nhằm đẩy mạnh và tăng cường sức khỏe của hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học. Nông nghiệp hữu cơ nhấn mạnh việc quản lý các hoạt động canh tác, giảm thiểu việc dùng vật tư, nguyên liệu đầu vào từ bên ngoài cơ sở sản xuất và có tính đến các điều kiện từng vùng, từng địa phương. Tiêu chuẩn hữu cơ ASEAN nêu rõ nông nghiệp hữu cơ đáp ứng các mục tiêu sau đây: Áp dụng sản xuất hữu cơ lâu dài, bền vững, theo hướng sinh thái và có tính hệ thống; Đảm bảo độ phì của đất lâu dài và dựa trên đặc tính sinh học của đất; Giảm thiểu (và tránh dùng nếu có thể) vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong mọi giai đoạn của chuỗi sản xuất hữu cơ cũng như sự phơi nhiễm của con người và môi trường đối với các hóa chất bền hoặc có nguy cơ gây hại; Giảm thiểu việc gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất đến môi trường xung quanh; Không sử dụng các công nghệ không có nguồn gốc tự nhiên (ví dụ: các sản phẩm từ kỹ thuật biến đổi gen, công nghệ chiếu xạ...); Tránh bị ô nhiễm từ môi trường xung quanh; Duy trì tính chất hữu cơ trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và vận chuyển.

Với phương thức canh tác làm việc với chu trình tự nhiên, bảo toàn và làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền nông nghiệp. Các nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ bao gồm sức khỏe, sinh thái, cân bằng và cẩn trọng… rất gắn kết với các khái niệm nông nghiệp tuần hoàn và kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ khuyến khích sử dụng phân chuồng từ cơ sở chăn nuôi hữu cơ để bón cho cây trồng của chính cơ sở đó; mặt khác cơ sở chăn nuôi phải tự cung cấp tối thiểu 50 % lượng thức ăn chăn nuôi (tính theo chất khô).

Nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa.

Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trên thế giới

Trên phương diện quốc tế, trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ hiện có tiêu chuẩn của CODEX là CXG 32-1999 Hướng dẫn đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn và marketing thực phẩm hữu cơ. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn của IFOAM Tiêu chuẩn đối với sản xuất và chế biến hữu cơ cũng được sử dụng rộng rãi như một tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, đây là những tiêu chuẩn mang tính hướng dẫn, ít được sử dụng để chứng nhận sản phẩm hữu cơ.

Về tiêu chuẩn khu vực, hiện có quy định của Liên minh châu Âu (Regulation (EU) 2018/848 về sản xuất hữu cơ và ghi nhãn sản phẩm hữu cơ), tiêu chuẩn ASEAN (ASEAN Standard for organic agriculture) v.v… Trong đó, tiêu chuẩn ASEAN chỉ mới đề cập đến sản xuất hữu cơ nói chung và trồng trọt hữu cơ, chưa đề cập đến chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hữu cơ.

Ở cấp độ quốc gia, hầu hết các nước trên thế giới đều có tiêu chuẩn hoặc quy định đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chế biến thực phẩm hữu cơ. Nổi bật là tiêu chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ NOP (National Organic Program), tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản, tiêu chuẩn hữu cơ Canada, tiêu chuẩn hữu cơ Australia. Trong đó, bộ tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản nằm trong hệ thống tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản (JAS), bao gồm tiêu chuẩn về trồng trọt, tiêu chuẩn về chăn nuôi, tiêu chuẩn về thức ăn chăn nuôi, tiêu chuẩn về thực phẩm chế biến và hiện đang bổ sung một số tiêu chuẩn cụ thể như JAS 0018 Organic algae (Rong tảo hữu cơ).

Tại Đông Nam Á, CHDCND Lào đã có tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm hữu cơ từ năm 2005. Thái Lan có bộ tiêu chuẩn TAS 9000 về sản phẩm hữu cơ, trong đó Phần 1 về yêu cầu chung, Phần 2 về chăn nuôi, Phần 3 về gạo hữu cơ v.v… Malaysia có MS 1529 về sản phẩm trồng trọt hữu cơ và MS 2463 về nuôi trồng thủy sản hữu cơ.

Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, trong năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 04 TCVN về nông nghiệp hữu cơ, bao gồm TCVN 11041-1:2017 về yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ; TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ; TCVN 12134:2017 về yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, TCVN 11041-1:2017 đã nêu rõ bốn nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ là Nguyên tắc sức khỏe, Nguyên tắc sinh thái, Nguyên tắc công bằng và Nguyên tắc cẩn trọng. Nhóm TCVN này về cơ bản hài hòa về nội dung với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, với các tiêu chuẩn, quy định của một số quốc gia tiên tiến là rất quan trọng. Mặt khác, các TCVN này được đánh giá là phù hợp với thực tế tại Việt Nam, áp dụng được trong thực tiễn. Ví dụ, các TCVN quy định phải áp dụng đầy đủ quá trình chuyển đổi đất trồng như các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng thời gian chuyển đổi đất trồng đối với cây trồng ngắn ngày chỉ là 12 tháng (theo tiêu chuẩn ASEAN, tiêu chuẩn Thái Lan) thay vì 24 tháng (theo tiêu chuẩn châu Âu).

Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục công bố 04 TCVN đối với một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc thù (TCVN 11041-5:2018 về gạo hữu cơ, TCVN 11041-6:2018 về chè hữu cơ, TCVN 11041-7:2018 về sữa hữu cơ, TCVN 11041-8:2018 về tôm hữu cơ). Đây là các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế, hiện đang có hoạt động sản xuất hữu cơ. Trong đó, gạo và tôm là các sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm quốc gia.

Các TCVN được công bố đã giúp các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các cơ sở sản xuất tiếp cận thông tin, hiểu và áp dụng đúng các tiêu chí về nông nghiệp hữu cơ; từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình phù hợp với những yêu cầu của quản lý nhà nước, xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm, thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường quốc tế và thuận lợi cho hoạt động đánh giá, chứng nhận sản phẩm hữu cơ.

Trong các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc (TXNG) là một trong những nội dung bắt buộc, nhằm đảm bảo tính minh bạch. Phần 1 của TCVN 11041 quy định “Việc lưu giữ hồ sơ nhằm đảm bảo truy xuất được tính toàn vẹn trong toàn bộ hoạt động sản xuất hữu cơ và khả năng thu hồi sản phẩm bằng cách theo dõi dữ liệu sản xuất (ví dụ: dữ liệu về vật tư, nguyên liệu đầu vào) và số lượng của từng bước trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả việc bán hàng”.

Theo kế hoạch xây dựng TCVN đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang thực hiện biên soạn 05 TCVN về một số sản phẩm hữu cơ đặc thù, dự kiến công bố vào đầu năm 2023, nhằm bổ khuyết cho các tiêu chuẩn đã công bố. Cụ thể: tiêu chuẩn về mật ong hữu cơ, bổ khuyết cho tiêu chuẩn về chăn nuôi hữu cơ (TCVN 11041-3:2017 cũng như tiêu chuẩn của CODEX nội dung về chăn nuôi hữu cơ đều không nêu cụ thể yêu cầu đối với mật ong hữu cơ); tiêu chuẩn về nấm hữu cơ, rau mầm hữu cơ và trồng trọt hữu cơ trong nhà màng, nhằm bổ khuyết cho tiêu chuẩn về trồng trọt hữu cơ; tiêu chuẩn về rong biển hữu cơ.

Bên cạnh đó, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia về phân bón cũng biên soạn TCVN về phân lân nung chảy sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ. Phân lân nung chảy là vật tư nông nghiệp sẵn có ở Việt Nam, dựa trên nguồn tài nguyên quặng apatit, secpentin. Tuy nhiên, do phân lân nung chảy được phân loại là phân vô cơ, nên hiện nay có nhiều luồng quan điểm khác nhau về việc sử dụng loại phân này trong nông nghiệp hữu cơ. Việc xây dựng các tiêu chí cụ thể đối với phân lân nung chảy dùng trong nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần gỡ khó cho cả nhà sản xuất phân bón lẫn các cơ sở trồng trọt hữu cơ.

Bộ TCVN 11041 Nông nghiệp hữu cơ đáp ứng tốt đối với một số mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hiệp quốc, ví dụ mục tiêu 2.3 về tăng năng suất lao động trong nông nghiệp và thu nhập của lao động nông nghiệp và mục tiêu 2.4 về bảo đảm sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững và áp dụng những phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu giúp tăng năng suất và sản lượng, duy trì hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và các thảm họa khác và dần dần cải tạo chất lượng đất đai.

Lê Thành Hưng, Ngô Quỳnh Hoa – Phòng Tiêu chuẩn Chất lượng 4

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang