Giữ nguyên quy định về thời hạn lắp camera trên xe kinh doanh vận tải

author 06:12 13/05/2021

(VietQ.vn) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản trả lời về đề nghị lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với việc lắp camera hành trình theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Thông tư số 12/2021/TT-BGTVT.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời gian qua, cơ quan này nhận được kiến nghị của một số hiệp hội vận tải ô tô; trong đó có Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phản ánh về khó khăn, doanh thu giảm, phương tiện phải dừng hoạt động nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải các chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trong đó, có đề xuất nhiều chính sách áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô như: Giảm lãi suất vay cho các khoản vay phải trả lãi; áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp; giãn nợ (bao gồm cả gốc và lãi) từ 6-12 tháng; tiếp tục cho vay các gói chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt để khôi phục sản xuất kinh doanh; các chính sách miễn giảm phí bảo trì đường bộ.

Liên quan đến kiến nghị lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP đối với các hành vi vi phạm về lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Thông tư số 12/2021/TT-BGTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo là điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô nhằm mục tiêu giám sát hành vi của người lái xe, giám sát tình hình an ninh, trật tự trên xe và bảo đảm an toàn giao thông.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tiếp tục tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc Hiệp hội thực hiện theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; đặc biệt là các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô.

Ảnh minh họa 

Theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP: Trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau: Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.

Mức xử phạt với hành vi không lắp camera hành trình

Camera hành trình còn được gọi là thiết bị giám sát hành trình hay camera giám sát hành trình là hệ thống camera giúp lưu trữ các thông tin ghi được trên suốt quá trình xe lăn bánh. Ngoài ra, camera hành trình còn có khả năng quan sát xung quanh với góc quay rộng, hỗ trợ cho việc lái xe an toàn cũng như tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Đối với bất cứ phương tiện nào khi tham gia giao thông cũng cần phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Vì thế, việc sử dụng camera hành trình đối với những loại phương tiện phổ biến như ô tô, xe máy là điều hết sức cần thiết.

Ngày 17/1/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020 Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó quy định thời hạn đối với các xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo; ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trước ngày 1/7/2021 (camera giám sát).

Tại Khoản 6 Điều 28 Nghị định số 100/2019 ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như sau: Phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 -12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Sử dụng xe ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định;

Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang